TT Putin tuyên bố sẵn sàng trao công nghệ S-400 cho một nước từng là kẻ thù số 1 của Nga

QS |

Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẵn sàng cung cấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ và không loại trừ khả năng lắp ráp các hệ thống S-400 tại quốc gia này nếu ngành công nghiệp của họ sẵn sàng.

Trong cuộc gặp gỡ lãnh đạo các cơ quan thông tấn quốc tế tại St. Petersburg hôm 1/6, Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẵn sàng cung cấp tổ hợp phòng không tiên tiến S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

"Chúng tôi đã thảo luận khả năng cung cấp các hệ thống S-400. Chúng tôi sẵn sàng đáp ứng" - ông Putin trả lời câu hỏi từ hãng thông tấn Anadolu.

Đề cập tới việc hợp tác sản xuất các tổ hợp S-400 tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin không loại trừ khả năng này nhưng cho biết điều đó còn phụ thuộc vào điều kiện của ngành công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.

Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có nên hợp tác với Nga sản xuất S-400 hay không?

Ông Mesut Hakki Casin - Giáo sư khoa Luật tại Đại học Ozyegin (Istanbul), đồng thời là chuyên gia chiến lược về khủng bố và an ninh quốc tế đã bình luận về vấn đề đó khi trao đổi với hãng tin Sputnik.

Theo vị giáo sư, Ankara nên cố gắng hết sức để thực hiện dự án hợp tác với Nga bởi một mặt, việc này sẽ giúp tăng cường an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ. Mặt khác, nó sẽ giúp nâng cao năng lực của các nhân viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và đưa ngành công nghiệp kỹ thuật quân sự của họ tiến lên một cấp độ mới về chất lượng.

"Tôi thật sự tin rằng Moscow và Ankara sẽ đạt thỏa thuận cung cấp các hệ thống phòng không S-400 và có khả năng hợp tác lắp ráp các hệ thống phòng không tiên tiến này tại Thổ Nhĩ Kỳ" - ông Casin nói.

TT Putin tuyên bố sẵn sàng trao công nghệ S-400 cho một nước từng là kẻ thù số 1 của Nga - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không tiên tiến S-400 Nga triển khai tại Syria (Ảnh: Sputnik)

Cũng theo ông Casin, hiện Thổ Nhĩ Kỳ rất cần tới các hệ thống S-400. Chúng vừa mang lại cho Ankara nhiều công nghệ tiên tiến, vừa tăng cường hiệu quả an ninh trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ khi kết hợp cùng với các hệ thống phòng không quốc gia hiện có.

Ngoài ra, chúng còn là phương thức phòng thủ đáng tin cậy trước các máy bay chiến đấu thế hệ 5.

Nga là một trong những nhà sản xuất hệ thống phòng không hàng đầu thế giới. Còn Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ những năm 1990, đã tích cực thúc đẩy phát triển kỹ thuật-quân sự.

Vì thế, theo ông Casin, hợp tác với Nga để lắp ráp hệ thống phòng không S-400 sẽ là triển vọng lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện nay, ngành công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đã tương đối sẵn sàng cho sự hợp tác này (nếu đạt được).

Đây sẽ là một bước đà để tiến tới mối quan hệ hợp tác điển hình giữa Nga và một quốc gia thành viên NATO.

Vị giáo sư cho biết, ông không thấy có vấn đề nào liên quan tới đào tạo kỹ thuật-quân sự và ngôn ngữ giữa hai phía. Các sĩ quan của Thổ Nhĩ Kỳ đang được đào tạo theo chuẩn NATO nên họ sẽ có khả năng tương đối để xử lý những vấn đề này.

Như vậy, có thể thấy sau thời gian dài căng thẳng, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã cải thiện đáng kể quan hệ song phương, mở đường cho nhiều chương trình hợp tác.

Trước đó, Moscow và Ankara từng trải qua một cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga hồi tháng 11/2015.

Tổng thống Putin đã tỏ ra rất tức giận trước hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, gọi đó là "cú đâm sau lưng Nga" và không khác gì "đồng lõa với khủng bố".

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nga Sergei Naryshkin lên án việc không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 là "hành vi giết người có chủ đích và Moscow có quyền đáp trả quân sự đối với Ankara".

Một cuộc khảo sát do kênh truyền hình độc lập RBC của Nga tiến hành còn cho thấy sau vụ việc Su-24 bị bắn hạ, Thổ Nhĩ Kỳ đã "vượt qua" Ukraine, Mỹ và tổ chức Hồi giáo (IS) tự xưng, trở thành kẻ thù số 1 của truyền thông Nga.

Trước phản ứng dữ dội của Moscow, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã hối tiếc vì hành động bắn rơi máy bay Nga, đồng thời ước rằng mọi chuyện không xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại