Thận teo, ảnh minh hoạ.
Đi khám thận, bệnh nhân hút ra được 1 lít mủ
Gần đây, khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E đã tiếp nhận can thiệp cho 5 ca gặp vấn đề về dị tật đường tiết niệu. Trong đó, có một trường hợp bệnh nhân rất đặc biệt. Bệnh nhân này từ khi còn rất nhỏ, sau một lần đi khám tại tuyến cơ sở được biết mình chỉ có một quả thận. Nhưng thực tế, khi tới khám tại Bệnh viện E, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân vẫn có 2 quả thận nhưng một quả đã bị teo nhỏ. Niệu quản của bệnh nhân giãn và có khối mủ lớn.
Sinh ra với sức khoẻ hoàn toàn bình thường như bao đứa trẻ khác, lúc còn nhỏ, trong một lần được gia đình đưa đi khám tại tuyến cơ sở, bác sĩ phát hiện ông D.V.T (hiện 56 tuổi) chỉ có một bên thận. Cũng vì vậy, ông T vẫn luôn đinh ninh mình chỉ có một quả thận.
Mỗi một năm, ông T sẽ gặp 1-2 lần bị sốt không có nguyên nhân kèm theo các biểu hiện tiểu buốt, tiểu dắt. Những lần sốt như vậy, ông T thường sử dụng một đợt kháng sinh sẽ khỏi. Tuy nhiên, lần này ông T có sốt kèm tiểu đục và tiểu ra mủ. Ông T đã dùng nhiều thuốc kháng sinh mà không đỡ. Khi thấy cơ thể suy mòn, ông T mới từ Hải Dương đi tới bệnh viện E để khám.
Ảnh minh hoạ.
TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E cho hay, kết quả khám của bệnh nhân T cho thấy bệnh nhân vẫn có 2 thận, nhưng 1 bên thận đã bị teo nhỏ do mắc phải hội chứng niệu quản khổng lồ. Trên phim cắt lớp, phần niệu quản sát bàng quang đã giãn lớn thành nang, chứa mủ, đè vào bàng quang và vùng tiểu khung.
Bệnh nhân được bác sĩ tư vấn và chỉ định phẫu thuật nội soi cắt bỏ bên thận và niệu quản đã mất chức năng để dự phòng nguy cơ ung thư và giải quyết khối mủ trong niệu quản. Trong quá trình mổ, bác sĩ đã hút ra gần một lít mủ trong niệu quản ra ngoài. Sau mổ, bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng, các biểu hiện tiểu đục, tiểu buốt cũng biến mất.
"Rất tiếc cho bệnh nhân T do phát hiện bệnh niệu quản khổng lồ quá muộn nên thận teo mất chức năng. Đối với những trường hợp bệnh nhân niệu quản khổng lồ nếu được phát hiện sớm sau sinh sẽ có thể điều trị để bảo tồn được chức năng thận bằng phương pháp cắm niệu quản lại vào bàng quang, tránh các nguy cơ biến chứng sau này", bác sĩ Liên nói.
Niệu quản khổng lồ - Yếu tố khiến thận mất chức năng
Bệnh niệu quản khổng lồ là bệnh lý gây ra do phần xa niệu quản không có nhu động hoặc phần niệu quản chui vào bàng quang bị xơ hẹp gây ra tắc nghẽn dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang, gây suy giảm hoặc mất chức năng thận một cách từ từ hoặc nhanh chóng.
Nguyên nhân của bệnh là do có những bất thường cấu trúc thành niệu quản, đoạn nối với bàng quang trong quá trình phát triển của bào thai. Niệu quản khổng lồ gây ra nhiễm trùng tiểu và suy thận nếu không chữa trị kịp thời.
Bác sĩ Liên đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân tới bệnh viện khám mới phát hiện một quả thận đã teo.
Có trường hợp bệnh nhi còn rất nhỏ được phát hiện nang thận làm mất chức năng thận. Tuy nhiên khi tới bệnh viện E khám, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị thận thiểu sản. Sau đó, bệnh nhân đã được mổ can thiệp để tránh biến chứng.
Bác sĩ Liên lưu ý hiện nay, y học phát triển, các trường hợp có dị tật liên quan tới thận hoàn toàn có thể phát hiện ngay từ trong bào thai nếu như khám và theo dõi thai nhi định kỳ. Những trẻ phát hiện có dị tật bẩm sinh liên quan tới thận, đường tiết niệu sau khi sinh sẽ được bác sĩ can thiệp sớm, tránh nguy cơ mất chức năng thận.
Thận là cơ quan đặc biệt trong cơ thể giữ vai trò lọc nước, lọc các chất độc ra khỏi cơ thể. Do vậy, muốn sống thọ, sống khoẻ thì cần phải biết cách giữ gìn 2 quả thận thật khoẻ mạnh.
Cách bảo vệ sức khỏe của thận
Theo chuyên gia để có 2 quả thận khoẻ cần lưu ý những vấn đề sau:
- Tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày và ít nhất 5 ngày/tuần. Theo đó, người dân có thể chọn các loại hình tập thể dục theo sở thích và phù hợp với sức khỏe như đi bộ, đạp xe, yoga… Nguyên tắc tập luyện là phải tiêu hao năng lượng.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ các chất và giảm muối. Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi. Ăn uống lành mạnh là cách tốt nhất để bảo vệ hai quả thận.
- Uống đủ nước: Việc uống đủ nước giúp cho thận hoạt động tốt, nên uống 2 lít nước mỗi ngày. Lưu ý với người phù, tim mạch thì uống nước phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
- Kiểm soát đường huyết: Khoảng 50% người bệnh tiểu đường không hề biết mình mắc bệnh nếu không xét nghiệm hoặc cho đến khi xảy ra biến chứng. Khoảng 50% bệnh nhân tiểu đường sẽ bị tổn thương thận, nếu không được điều trị tốt sẽ suy thận và thậm chí là suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo.