Hình ảnh mô phỏng ung thư phổi (Ảnh: Internet)
Không hút thuốc lá vẫn có thể mắc ung thư phổi
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn tới ung thư phổi. Tại quốc gia này, khoảng 80% số ca tử vong do ung thư phổi có liên quan tới hút thuốc lá. Theo đó, CDC cho hay, khói thuốc lá có chứa tới hơn 7.000 loại hóa chất độc hại, trong đó có ít nhất 70 chất đã được chứng minh có thể gây ung thư.
Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi hoặc tử vong vì ung thư phổi cao hơn từ 15-30 lần so với những người không hút thuốc. CDC cũng nhấn mạnh, việc hút vài điếu thuốc mỗi ngày hoặc thỉnh thoảng mới hút một điếu cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Đồng thời, thời gian hút thuốc càng lâu, lượng thuốc lá hút mỗi ngày càng nhiều thì nguy cơ mắc dạng ung thư này càng tăng.
Thế nhưng, ung thư phổi không chỉ gặp ở những người hút thuốc lá. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ, 20% số ca tử vong do ung thư phổi mỗi năm ở quốc gia này là các trường hợp chưa từng hút thuốc lá.
Các nhà khoa học cho rằng, một số yếu tố bao gồm tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm môi trường như khí radon, amiang (một hợp chất độc thường có trong vật liệu xây dựng), hút thuốc lá thụ động cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
Theo thông tin từ Medical Xpress, mỗi năm trên toàn cầu có 250.000 người chết do bệnh ung thư phổi dù không hút thuốc, mà chỉ vì hít khói xe và khói từ nhiên liệu hóa thạch.
Cẩn trọng với các dấu hiệu của ung thư phổi
Theo các nhà khoa học của Đại học Yale (Mỹ), những người không hút thuốc lá có thể mắc một dạng ung thư phổi khác với người hút thuốc, xuất phát từ các đột biến gen khác nhau. Đồng thời, hầu hết những người không hút thuốc có thể không có các triệu chứng sớm của bệnh ung thư phổi. Chính vì thế, họ thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn hơn. Các triệu chứng này gồm:
1. Ho kéo dài hoặc ho nặng dần lên
2. Ho ra máu
3. Đau hoặc khó chịu ở ngực
4. Khó thở, thở khò khè
5. Khàn tiếng
6. Ăn không ngon miệng
7. Giảm cân không có rõ nguyên nhân
8. Mệt mỏi
9. Khó nuốt
10. Sưng ở mặt và/hoặc cổ
11. Viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần
Chính vì thế, nếu thấy có các triệu chứng ở trên, đặc biệt nếu triệu chứng kéo dài, bạn nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám sớm nhất có thể.
Đối với những người không hút thuốc nhưng thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh, cần đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm ung thư phổi. Việc phát hiện sớm sẽ giúp quá trình điều trị thành công hơn.