Ngày Thầy thuốc Việt Nam là ngày lễ tôn vinh một nghề nghiệp cao quý, những người thầy thuốc miệt mài chữa bệnh cứu người không quản ngày đêm.
Vậy mà gần đến ngày này, liên tiếp những thông tin chỗ này có bạo hành y tế, chỗ kia có tấn công thầy thuốc khiến những người làm trong ngành y nói chung không khỏi hoang mang, lo lắng.
Nhiều giải pháp chống bạo hành y tế thất bại
Chỉ vài tháng đầu năm 2018, đã xảy liên tiếp các vụ hành hung bác sĩ, nhân viên y tế, một là ngày 14/2, lái xe cấp cứu của BV đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) bị một lái xe khác đánh ngay trước khoa Cấp cứu chống độc (BV đa khoa Hùng Vương).
Ngày 20/2 là vụ chồng một sản phụ của Bệnh viện Sản - Nhi Yên Bái, sau khi bị nhân viên y tế nhắc nhở vì đã trèo lên cửa sổ quay phim phòng mổ đã tức tốc gọi thêm hơn 10 thanh niên khác đến và khi các bác sĩ đã mổ đẻ thành công cho sản phụ, vừa ra khỏi phòng mổ đã bị đám thanh niên xông vào hành hung, khiến hai bác sĩ Khoa Sản và Khoa Gây mê bị chấn thương nặng, khâu nhiều mũi trên mặt và đầu.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - đại biểu Quốc hội, Phó giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - đại biểu Quốc hội, Phó giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho rằng, tình hình bạo hành diễn ra là một nỗi đau mang tới tâm lý bất an và những hậu quả nặng nề với nhân viên y tế.
Nó không chỉ ảnh hưởng tới bản thân người bệnh mà còn ảnh hưởng tới hầu hết các bệnh nhân và người nhà của không bao giờ bạo hành y bác sĩ.
Đến nay mặc dù có nhiều biện pháp từ Bộ Y tế, những thay đổi trong Bộ Luật hình sự được đưa ra, nhưng dường như các vụ bạo hành, tấn công nhân viên y tế không có dấu hiệu thuyên giảm, nếu không muốn nói là đang tăng nhanh. PGS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, nhiều biện pháp chưa đạt hiệu quả.
Ví dụ như tuyên truyền thì nhiều người không nghe tới hoặc chẳng đọc báo bao giờ. Xử phạt thì chế tài quá nhẹ họ không sợ, nặng quá ảnh hưởng tới bệnh nhân hoặc người nhà.
PGS Hiếu giải thích, như trường hợp ở Yên Bái vừa rồi mà phạt người chồng thì chính đứa con mới sinh ra sẽ phải chịu thiệt thòi nhiều nhất vì người vợ có thể vì lo lắng việc của chồng mình tới mất sữa và gia đình thiếu đi một trụ cột kinh tế trong lúc vợ cũng không đi làm được vì đang nghỉ thai sản.
Một trong những kế sách nhiều người “hài hước” rằng nhân viên y tế nên đi học võ, PGS Hiếu cho là không khả thi vì rất lâu và nguy hiểm. Nếu không may đánh trả gây thương tích thì dù là tự vệ cũng khiến nhân viên Y tế rơi vào vòng lao lí.
Tăng cường lực lượng bảo vệ ở các bệnh viện thì không phải bệnh viện nào cũng có điều kiện để làm, đặc biệt là các bệnh viện tuyến dưới.
PGS Hiếu cho rằng, khi đối phương đông tới 15 người như ở Yên Bái vừa qua sẽ không có lực lượng và điều kiện để bảo vệ bởi ngay cả lực lượng công an cũng cần thời gian mới tới được hiện trường.
Giải pháp "Khoảng cách một cánh tay"
Các giải pháp trước mắt và có thể thực hiện được để phòng chống bạo hành y tế hầu như vô hiệu, trong khi đó các vụ hành hung y bác sĩ ngày càng manh động hơn, đối tượng hành hung còn sử dụng cả vũ khí để tấn công thầy thuốc.
PGS Nguyễn Lân Hiếu nhận thấy, hầu hết các vụ tấn công bác sĩ đều là đánh trộm, hoặc đánh khi bác sĩ không chủ động đề phòng, thường là khi họ đang làm nhiệm vụ khám chữa bệnh hoặc cấp cứu.
Như vậy để đề phòng bị tấn công, mỗi y bác sĩ cần chủ động bảo vệ mình đầu tiên trong khi làm việc.
PGS Hiếu mách một ý tưởng mới, đó là giải pháp “Khoảng cách một cánh tay”. Theo ông, đây là nguyên tắc mà các nước phương Tây đã áp dụng từ rất lâu, đây là khoảng cách riêng tư, hay là khoảng cách an toàn cho mỗi người thầy thuốc khi giao tiếp với người nhà bệnh nhân.
Với độ dài 1 cánh tay, trong trường hợp bị tấn công, người bác sĩ có thể lùi lại, hoặc tránh được. Theo PGS Hiếu, nếu trong vòng tròn một cánh tay này người bị đánh thì khả năng là 50%-50%, còn vào trong khu vực thân mật dưới 60 cm thì khi đối phương ra tay đánh trúng 100%.
Vậy y bác sĩ chỉ cần giữ khoảng cách an toàn một cánh tay là sẽ không bao giờ bị đánh trộm, khi có người tiến vào khoảng cách an toàn thì chỉ cần lùi lại và lịch sự đề nghị: Vui lòng giữ khoảng cách.
đang làm việc cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân thì cần có nhân viên y tế khác cảnh giới giúp, nói chuyện và giải thích với người nhà, ai tiến vào khu vực an toàn thì đề nghị họ giữ khoảng cách, rất an toàn và lich sự.
PGS Hiếu cho rằng, bạo hành y tế chấm dứt khi mọi y bác sĩ đều biết khoảng cách an toàn này, đây là giải pháp đơn giản, cơ bản và hiệu quả ngay và luôn, bác sĩ sẽ không còn bị đánh trộm, bị tấn công nữa.
Tuy nhiên mọi giải pháp đều là để giải quyết tình thế, nếu mỗi người thầy thuốc phải làm việc trong tình trạng luôn phải đề phòng, đối tượng thua thiệt hơn ai hết và đầu tiên chính là người bệnh. Cần lắm một môi trường bệnh viện an toàn, văn minh….