Khoai lang và khoai tây là hai loại thực phẩm quen thuộc, có thể chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng, giúp tăng cường sức khỏe cho chúng ta. Thế nhưng hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh việc ăn khoai tây hay khoai lang tốt cho sức khỏe hơn. Dưới đây là giải đáp từ các chuyên gia dinh dưỡng.
Lợi ích sức khỏe của khoai tây
Khoai tây (Solanum tuberosum) là một loài cây nông nghiệp ngắn ngày, được trồng để lấy củ, chứa tinh bột. Khoai tây có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sau đó du nhập đến Châu Âu vào thế kỷ 16 và hiện được trồng thành nhiều giống khác nhau trên toàn thế giới. Khoai tây là một loại thực phẩm phổ biến, giàu carb, cung cấp các loại vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật cần thiết cho sức khỏe.
Khoai tây chứa nhiều giá trị dinh dưỡng khác nhau. Trong 100g khoai tây có chứa: 92 calo; Protein: 2 gram; Chất béo: 0.15 gram; Carb: 21 gram; Chất xơ: 2.1 gram; Vitamin A: 0.1% giá trị dinh dưỡng hàng ngày (DV); Vitamin B6: 12% DV; Vitamin C: 14% DV; Kali: 17% DV; Canxi: 1% DV; Magiê: 6% DV.
Ngoài ra, khoai tây chứa nhiều kali và các hợp chất có tên glycoalkaloids, đã được chứng minh có tác dụng chống ung thư và mang lại các lợi ích sức khỏe khác, theo các nghiên cứu trong ống nghiệm.
- Giàu chất chống oxy hóa, phòng bệnh mạn tính: Khoai tây giàu các hợp chất như flavonoids, carotenoids và axit phenolic. Các hợp chất này hoạt động như chất chống oxy hóa giúp giảm tác hại do các phân tử gốc tự do gây ra, từ đó giúp phòng ngừa các bệnh mạn tính như tim mạch và ung thư.
- Hỗ trợ sức khỏe đường ruột: Chất xơ và chất chống oxy hóa trong khoai tây có thể cải thiện sức khỏe của hệ tiêu hóa. Tinh bột kháng trong khoai tây được chuyển hóa thành axit béo chuỗi ngắn butyrate - nguồn dinh dưỡng được các loại vi khuẩn đường ruột ưa thích.
- Hỗ trợ miễn dịch: Khoai tây chứa nhiều vitamin C và vitamin B6, hai loại vitamin tăng cường khả năng miễn dịch.
Lợi ích sức khỏe của khoai lang
Khoai lang (Ipomoea batatas) là một loại củ chứa tinh bột có vị ngọt, giàu dinh dưỡng, được trồng phổ biến trên khắp thế giới. Khoai lang có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới ở Châu Mỹ, được trồng cách đây trên 5.000 năm. Khoai lang là loại thực phẩm giàu vitamin và chất khoáng, chất oxy hóa và chất xơ. Khoai lang có thể chế biến được thành nhiều món ăn hấp dẫn.
Theo trang tin sức khỏe Healthline, trong 100g khoai lang có chứa 90 calo và các chất dinh dưỡng như: Protein: 2 gram; Chất béo: 0.15 gram; Carb: 21 gram; Chất xơ: 3.3 gram; Vitamin A: 107% DV; Vitamin B6: 17% DV; Vitamin C: 22% DV; Kali: 10% DV; Canxi: 3% DV; Magiê: 6% DV
Khoai lang cung cấp nhiều vitamin A và chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp chống lại các tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra trong cơ thể.
Với hàm lượng chất dinh dưỡng phong phú, khoai lang có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Cụ thể:
- Tăng cường sức khỏe ruột: Chất xơ và chất chống oxy hóa trong khoai lang có thể có lợi cho sức khỏe đường ruột. Khoai lang chứa hai loại chất xơ là chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan. Chất xơ hòa tan có thể tăng cảm giác no, từ đó giúp giảm cảm giác thèm ăn và kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể.
- Kiểm soát lượng đường trong máu: Khi luộc, khoai lang có chỉ số đường huyết (GI) tương đối thấp, có nghĩa là chúng sẽ không làm tăng lượng đường trong máu của bạn nhanh như thực phẩm có chỉ số GI cao. Điều này khiến khoai lang trở thành một trong những thực phẩm giúp kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả.
- Hỗ trợ miễn dịch: Khoai lang chứa nhiều vitamin A và vitamin C, hai loại vitamin hỗ trợ chức năng miễn dịch, đặc biệt trong mùa lạnh.
- Phòng ngừa bệnh tật mạn tính: Khoai lang giàu chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương do các gốc tự do. Các gốc tự do là các phân tử không ổn định có thể gây tổn thương DNA và gây viêm. Tổn thương do gốc tự do đã được chứng minh có liên quan tới nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như ung thư, bệnh tim mạch và lão hóa.
- Hỗ trợ thị lực: Khoai lang chứa nhiều vitamin A, một loại vitamin quan trọng với sức khỏe mắt.
- Hỗ trợ chức năng não bộ: Khoai lang cũng giàu vitamin B6, một loại vitamin quan trọng cho sức khỏe não bộ và hệ thần kinh.
Khoai lang hay khoai tây tốt cho sức khỏe hơn?
Cả khoai tây và khoai lang đều có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng Beth Czerwony, làm việc tại phòng khám Cleveland Clinic, Mỹ, khoai lang có thể cung cấp nhiều lợi ích hơn một chút.
Khi luộc, khoai lang có chỉ số đường huyết (GI) là 63 thấp hơn khoai tây với chỉ số GI là 78. Điều này có nghĩa là khoai tây phân hủy thành đường nhanh hơn khi cơ thể tiêu hóa và hấp thụ, khiến lượng đường trong máu tăng lên nhanh chóng.
Ngoài ra, khoai lang có hàm lượng vitamin A và C - hoạt động như các chất chống oxy hóa cao hơn. Khoai lang cũng chứa các sắc tố thực vật chống oxy hóa mà khoai tây không có, ví dụ như khoai lang màu cam có nhiều beta-carotene và khoai lang tím có nhiều anthocyanin hơn. Các chất này có thể giúp phòng ngừa bệnh tim mạch, ung thư, sa sút trí tuệ hiệu quả hơn.
Mặc dù vậy, chuyên gia Czerwony vẫn khẳng định: “Cả khoai lang và khoai tây đều mang lại những lợi ích nhất định cho sức khỏe. Tốt nhất bạn nên sử dụng luân phiên cả 2 loại khoai trong chế độ ăn uống để tăng tính đa dạng dinh dưỡng”.
Chuyên gia chỉ ra 2 lưu ý khi ăn khoai nhiều người bỏ qua
Chuyên gia Czerwony lưu ý rằng điều quan trọng là bạn phải lựa chọn cách chế biến cho phù hợp với từng loại thực phẩm. Theo đó, mọi người nên hạn chế chiên, rán ngập dầu khoai tây và khoai lang vì chúng thường chứa chất béo chuyển hóa, không tốt cho sức khỏe tim mạch.
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy, mặc dù ăn khoai tây không có tác dụng tiêu cực nào đối với sức khỏe nhưng ăn khoai tây chiên ít nhất 2 lần một tuần sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong sớm.
Giáo sư Adelia C. Bovell-Benjamin, giáo sư khoa học thực phẩm và dinh dưỡng tại Đại học Tuskegee, Mỹ cho biết ăn khoai tây cả vỏ (nướng hoặc hấp) cũng có thể cung cấp thêm chất dinh dưỡng như chất xơ, sắt và kali.