Khi cơ thể bị chính hệ miễn dịch tấn công: Đây là nguyên nhân thực sự!

Ngọc Mai |

Bác sĩ Amy Myers, giám đốc Y khoa của Viện lâm sàng Austin Ultrahealth (Mỹ) đã “chỉ mặt điểm tên” những thủ phạm gây ra bệnh tự miễn và cách xử lý chúng.

LTS: "Tôi muốn các bệnh nhân không phải chịu các phương pháp điều trị khắc nghiệt như tôi đã phải trải qua", bác sĩ Amy Myes, người từng mắc bệnh tự miễn, đau đáu trong lòng.

Và với sứ mệnh là bác sỹ cũng như tác giả được yêu thích của tờ tạp chí New York Times, bà đã có một bài viết giúp mọi người hiểu rõ hơn nguyên nhân gây ra bệnh tự miễn cũng như cách xử lý tận gốc các "thủ phạm" này.

1. Bệnh tự miễn: Bệnh của hệ thống miễn dịch

Trước hết cần phải hiểu bệnh tự miễn là một căn bệnh của hệ thống miễn dịch. Nếu bạn mắc bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch sẽ bị hỏng hóc ở đâu đó và tấn công chính các mô trên cơ thể, có thể là tuyến giáp, ruột, da, não, tuỵ...

Nhưng dù là phần nào trên cơ thể bị tấn công, thủ phạm chính là hệ thống miễn dịch. Có nghĩa là để điều trị, phòng chống và loại bỏ bệnh tự miễn, bạn cần khôi phục hệ miễn dịch của cơ thể.

Tuy nhiên, trong hệ thống y tế hiện nay, người ta không xem các bệnh tự miễn là bệnh của hệ thống miễn dịch. Thay vào đó, việc điều trị lại nhắm tới từng cơ quan cụ thể.

Điều đó có nghĩa là chúng ta không có một chuyên ngành y hợp nhất để điều trị tình trạng tự miễn. Ví dụ bệnh ung thư, có các chuyên gia ung thư gọi là bác sỹ chuyên khoa ung thư điều trị nhiều loại ung thư khác nhau, bất kể bệnh liên quan tới cơ quan nào của cơ thể.

Mặt khác, khi mắc bệnh tự miễn, bạn sẽ gặp một chuyên gia liên quan tới bộ phận cơ thể mang bệnh: Bác sỹ thấp khớp chuyên cho bệnh về khớp, bác sỹ chuyên khoa nội tiết, bác sỹ da liễu cho vảy nến...

Nếu bị nhiều loại bệnh tự miễn, bạn sẽ gặp nhiều bác sỹ chuyên khoa khác nhau, mỗi người thường sẽ kê một đơn thuốc. Và thường bác sĩ không chú ý tới việc nâng cao hệ thống miễn dịch trong cơ thể bạn.

Khi cơ thể bị chính hệ miễn dịch tấn công: Đây là nguyên nhân thực sự! - Ảnh 1.

2. 5 nguyên nhân cơ bản của bệnh tự miễn

Theo quan điểm điều trị thông thường, khi mắc bệnh tự miễn thì không có cách nào xoay chuyển ngoại trừ việc kiểm soát các triệu chứng. Việc kiểm soát này thường dẫn tới tình thế "đàn áp" hệ miễn dịch của cơ thể bạn.

Dù các phương thức điều trị đó giúp giảm một số triệu chứng bệnh nhưng chúng lại gây tai hại cho toàn bộ hệ miễn dịch của cơ thể, với các tác dụng phụ như mệt mỏi, tăng cân, trầm cảm, tăng nguy cơ nhiễm bệnh và thậm chí là ung thư.

Theo quan điểm y khoa về chức năng, cơ thể con người là một khối thống nhất và hoạt động trên nguyên tắc sức khoẻ của một cơ quan ảnh hưởng tới sức khoẻ và chức năng của các bộ phận còn lại.

Thay vì tập trung kiểm soát triệu chứng bệnh, chúng tôi nhắm tới việc củng cố hệ miễn dịch bằng cách xác định gốc rễ vì sao hệ miễn dịch lại "trở chứng". Tôi cho rằng có 5 yếu tố gây ra mọi tình trạng tự miễn.

- Hội chứng rò rỉ ruột

Ruột chính là cửa ngõ sức khoẻ, 80% hệ miễn dịch của cơ thể là ở ruột và bạn không thể khoẻ nếu ruột không khoẻ.

Nhờ nghiên cứu của Alessio Fassano (và chính thực tiễn của tôi đã minh chứng), chúng ta biết được rằng khi đường ruột bị rò rỉ, tức là các chỗ vốn kết nối ruột chặt chẽ với nhau trở nên lỏng lẻo, sẽ khiến các phần thức ăn chưa tiêu hoá, vi khuẩn, chất độc thoát khỏi ruột và đi vào mạch máu.

Hệ thống miễn dịch nhận diện tất cả những thứ đó là các kẻ xâm nhập, từ đó đặt hệ miễn dịch trong tình trạng cảnh giác cao độ và tăng cường sinh viêm nhiễm. Áp lực liên tiếp khiến cho hệ miễn dịch bị căng thẳng và cuối cùng là vô tình tấn công chính cơ thể bạn.

- Gluten

Gluten gây ra bệnh tự miễn theo 3 cách chính.

Thứ nhất, đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra rò rỉ ruột vì gluten giải phóng zonulin ở ruột, chất truyền tới ruột thông điệp "mở cửa".

Thứ hai, gluten mang tính viêm cao gây áp lực cho hệ miễn dịch.

Thứ ba, gluten có cấu trúc tương tự một số mô cơ thể (đặc biệt là tuyến giáp), gây ra mô phỏng phân tử là tình trạng cơ thể nhầm các mô là gluten và tấn công chúng.

- Chất độc

Tôi quan sát ở các bệnh nhân gặp tình trạng tự miễn thì thấy có 2 loại chất độc là mycotoxin (độc tố do nấm mốc) và kim loại nặng như thuỷ ngân. Thuỷ ngân có trong chất trám răng thuỷ ngân, cá và từ môi trường.

- Nhiễm trùng, nhiễm độc

Các nhà khoa học từ lâu đã nghi ngờ tình trạng nhiễm vi khuẩn, virus và các chất độc khác gây ra tự miễn. Đó có thể là virus Epstein Barr (EBV), virus Herpes Simplex 1 và 2 (HSV) và E.coli.

- Căng thẳng (stress)

Ngày càng có nhiều bệnh do tình trạng căng thẳng gây ra. Stress tinh thần và thể chất đều gây ra hay tăng cường các rối loạn tự miễm, từ đó làm gián đoạn chức năng miễn dịch thông qua một số con đường nhất định.

Stress là phản ứng của cơ thể đối với một mối đe doạ, như vết thương hay nhiễm trùng. Stress kinh niên (loại bệnh của người hiện đại) dẫn tới các chứng viêm dài hạn, gây ra bệnh tự miễn. Trong trường hợp này, các căng thẳng nhất thời xuất hiện càng làm bệnh trầm trọng hơn.

Khi cơ thể bị chính hệ miễn dịch tấn công: Đây là nguyên nhân thực sự! - Ảnh 2.

Khi cơ thể bị tấn công, hệ miễn dịch sẽ tạo ra các kháng thể và các tế bào đặc biệt để đáp trả lại virus, các ký sinh trùng, tế bào lạ.

3. Giải pháp cho bệnh tự miễn

- Chữa lành ruột

Cần thiết phải chữa lành ruột để chữa lành cơ thể bạn. Như tôi đã nói, 80% hệ miễn dịch nằm ở ruột. Bạn có thể tham khảo chương trình 4R giúp hàn gắn ruột tự nhiên của chúng tôi, gồm có:

Remove (Loại bỏ): Loại bỏ các yếu tố ảnh hưởng xấu tới bộ máy tiêu hoá như thực phẩm kích thích, các yếu tố gây bệnh lây nhiễm, các chất kích ứng dạ dày cồn, caffeine và các loại thuốc. Các thực phẩm kích thích như gluten, sữa bò, ngô, đậu nành, trứng và đường.

Restore (Hồi phục): Tăng cường các thực phẩm chứa chất hỗ trợ tiêu hoá và hấp thu như các loại enzyme tiêu hoá, axit hydrochloric, các axit mật.

Reinoculate (Tái chủng): Dự trữ các vi khuẩn có lợi bằng cách bổ sung thực phẩm chứa probiotic và chứa nhiều chất xơ hoà tan.

Repair (Sửa chữa): Cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để ruột tự chữa lỗi. Có thể kể đến L-glutamine, kẽm, axit omega 3 từ dầu cá, vitamin A, C, E và các loại thảo mộc như lô hội.

- Bỏ gluten, ngũ cốc và các loại đậu khỏi chế độ ăn

Do các loại thực phẩm này chứa lectin là chất trừ sâu hại tự nhiên cho cây trồng và có thể phá huỷ ruột.

- Kiểm tra nồng độ kim loại nặng và độc tố nấm mốc

Bạn nên tới bác sỹ để kiểm tra nồng độ thuỷ ngân và các kim loại nặng khác trong cơ thể.

- Tìm và chữa các bệnh lây nhiễm

Bạn cũng nên kiểm tra xem cơ thể có nhiễm các loại virus như HSV và EBV hay không. Monolaurin có trong dầu dừa là biện pháp điều trị hữu hiệu cho cả HSV và EBV. Lysine và chế độ ăn giàu lysine cũng giúp điều trị nhiễm HSV.

- Kiểm soát stress

Bạn nên áp dụng các biện pháp giảm stress như tập thể dục, thiền... đơn giản hơn là ngồi tĩnh lặng trong 5 phút với một cốc trà thảo dược thơm ngát (không có caffeine) cũng mang lại hiệu quả không ngờ.

Các biện pháp tôi đề ra dựa trên gốc của vấn đề: loại bỏ các yếu tố là nguyên nhân gây rối loạn hệ miễn dịch của cơ thể, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch hơn là chiến đấu với nó. Sử dụng cách tiếp cận này có thể giúp bạn đồng thời xử lý được nhiều tình trạng tự miễn khác nhau.

Khi cơ thể bị chính hệ miễn dịch tấn công: Đây là nguyên nhân thực sự! - Ảnh 3.

Bác sỹ Amy E. Myers

Học vấn: Đại học Lousiana (Tiến sỹ Y khoa) và Đại học Nam Caroline (Chuyên ngành tâm lý)

Sáng chế quốc tế: Bác sĩ Amy cùng các cộng sự đã được cấp sáng chế quốc tế cho nghiên cứu về tác dụng của trái nhàu đối với việc ngăn ngừa hình thành và phá huỷ mạch máu.

Công tác: Hiện tại bác sĩ Amy là Giám đốc Y khoa của Viện lâm sàng Austin Ultrahealth (Mỹ), điều trị theo phương pháp hướng tới bệnh nhân bằng cách phát hiện nguyên nhân gốc rễ của các loại bệnh.

* Theo Austin Ultrahealth

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại