Tại nhiều bệnh viện, ngoài một số dịch vụ tăng giá kịch trần theo khung tại Thông tư 13 của Bộ Y tế, giá nhiều dịch vụ kĩ thuật, nhất là phẫu thuật, thủ thuật theo yêu cầu giảm mạnh. Nhiều bệnh viện chỉ có 1 mức khám theo yêu cầu, không phân biệt giáo sư hay bác sĩ khám.
PGS.TS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E, cho biết, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu áp dụng một mức khung giá ở mức 300.000 đồng, không có sự phân biệt bác sĩ hay thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương vẫn áp dụng mức 250.000- 500.000 đồng như trước khi có Thông tư 13.
PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, cho biết: “Bệnh viện đang tiếp tục nghiên cứu Thông tư 13 của Bộ Y tế về khám chữa bệnh theo yêu cầu để triển khai thực hiện. Hiện nay mỗi ngày bệnh viện tiếp đón, thăm khám khoảng 800-900 bệnh nhân, có ngày cao điểm chạm mốc 1.000 bệnh nhân, khoảng 1/3 trong số này là khám theo yêu cầu”.
Nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu giảm giá mạnh sau khi Thông tư 13 có hiệu lực
Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, từ ngày 15/8, giá sinh mổ (phẫu thuật lấy thai lần đầu) dịch vụ giảm từ 16 triệu đồng còn hơn 6,7 triệu đồng và phẫu thuật lần 2 là 7,6 triệu đồng. Với sản phụ sinh thường, giá dịch vụ giảm từ 14 triệu đồng xuống còn hơn 4,3 triệu đồng.
Bên cạnh đó, giá khám thai, khám vú, khám phụ khoa, khám nam khoa đều được thu theo mức giá chung là 500.000 đồng/lần thay vì chia ra khu khám tự nguyện là 250.000 đồng, khám chuyên gia là 500.000 đồng. Tuy nhiên, giá giường bệnh theo yêu cầu tăng lên, cao nhất là 4 triệu đồng/ngày (bằng mức trần của Bộ Y tế quy định), trong khi trước đây mức giá giường cao nhất là 3 triệu đồng/ngày.
Giá khám chữa bệnh theo yêu cầu hiện được áp dụng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương như trước khi có Thông tư 13 với các mức từ 300.000- 500.000 đồng/lần khám tuỳ theo yêu cầu của người bệnh.
Nếu khám lâm sàng chung, khám chuyên khoa là 300.000 đồng; khám hội chẩn Ban Giám đốc và khám theo yêu cầu giáo sư, phó giáo sư là 500.000 đồng.
Tương tự, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đang áp dụng mức giá khám theo yêu cầu như trước khi có Thông tư 13 là 389.000 đồng trong giờ hành chính, nếu khám ngoài giờ thì thêm 50.000 đồng.
PGS.TS.BS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay, những năm qua, hầu hết giá khám và giá dịch vụ kĩ thuật thực hiện theo quy định bảo hiểm y tế. Giá khám theo yêu cầu cũng đang rất thấp, với mức giáo sư, phó giáo sư khám là 150.000 đồng; tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 khám 120.000 đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I là 70.000 đồng.
Với Thông tư 13, bệnh viện điều chỉnh, thu giá khám giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ cao cấp là 400.000 đồng; khám tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 350.000 đồng, còn thạc sĩ, bác sĩ khám là 300.000 đồng. Như vậy, giá mới tăng gấp đôi, gấp ba lần so với trước.
“Chúng tôi đang rà soát rất kĩ về điều kiện, tiêu chuẩn phòng, giường theo yêu cầu, định mức ở từng khoa phòng, sẽ không vượt quá 20% cơ sở vật chất cũng như bác sĩ cho khám theo yêu cầu. Về cơ bản, Bệnh viện Bạch Mai vẫn phục vụ bệnh nhân bảo hiểm y tế”, ông Cơ nói.
Nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu giảm giá mạnh sau khi Thông tư 13 có hiệu lực. Ảnh: PV
Không còn tình trạng mỗi bệnh viện một mức giá
Theo một số chuyên gia, việc giá nhiều dịch vụ theo yêu cầu tại một số cơ sở y tế giảm nhiều so với mức giá trần, hoặc thấp hơn giá trần của Thông tư 13 là do trước đó, khi xây dựng giá, các bệnh viện đã tính đủ các yếu tố cấu thành khi thực hiện dịch vụ và sử dụng những vật tư tốt nhất.
Ngoài ra, nhu cầu của người bệnh muốn lựa chọn chuyên gia thực hiện dịch vụ cho mình, nhất là tại các bệnh viện tuyến cuối, bệnh viện trung ương, đầu ngành, do đó, mỗi bệnh viện có một khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu khác nhau. Khi Thông tư 13 có hiệu lực, không còn tình trạng mỗi bệnh viện một mức giá.
Bộ Y tế đã quy định 1.937 dịch vụ kĩ thuật và xét nghiệm với mức giá tối thiểu và tối đa để các cơ sở y tế thực hiện. Theo Thông tư 13, từ ngày 15/8, các cơ sở khám, chữa bệnh phải đảm bảo số giường bệnh thực hiện dịch vụ theo yêu cầu tại một thời điểm không quá 20%; các chuyên gia, thầy thuốc giỏi của đơn vị dành một tỉ lệ thời gian tối thiểu 70% để khám, chữa bệnh cho người bệnh bảo hiểm y tế.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lí khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết các cơ sở khám chữa bệnh chỉ được dành không quá 20% giường bệnh trên tổng số giường của bệnh viện để triển khai khám chữa bệnh theo yêu cầu nhằm tránh lạm dụng việc chuyển bệnh nhân từ khu vực khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sang khu vực theo yêu cầu. Đồng thời điều này cũng đảm bảo tính phục vụ của bệnh viện công lập, tránh lạm dụng thu của người bệnh.
Bộ Y tế khẳng định việc ban hành Thông tư 13 không ảnh hưởng đến người có thẻ bảo hiểm y tế và người không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không đăng kí tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.