Khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Hà Minh |

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, mục đích cuối cùng là không được để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; dù khó khăn thế nào cũng phải khắc phục bằng được, để phục vụ người bệnh.

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị trực tuyến “Hướng dẫn triển khai Nghị định 07/NQ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế” do Bộ Y tế tổ chức ngày 10/3.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hai văn bản trên đã giải quyết rất nhiều vướng mắc trong lĩnh vực y tế của TPHCM. Hầu hết các bệnh viện đã giải quyết được 80-90% vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế. Đại diện TPHCM kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành danh mục trang thiết bị phải kê khai giá vì hiện cái nhỏ nhất cũng phải kê khai.

Khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế - Ảnh 1.

Các bệnh viện sẽ được tháo gỡ vướng mắc trong thời gian tới

Ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa cho rằng nên tổ chức đàm phán giá với các sinh phẩm, hóa chất theo máy vì gần như độc quyền. Giống như đấu thầu thuốc biệt dược gốc, mọi người lo sợ vì chỉ có một loại như thế, đấu thầu tại cơ sở là gần như trúng thầu.

Ông Hùng đề xuất cần phải có cơ chế, quy định dài hơi hơn, chứ không thể hết năm 2023 lại khiến các bệnh viện rối bời trong việc mua sắm trang thiết bị y tế. Ngoài ra, đối với một số máy móc, hóa chất độc quyền chỉ có 1-2 doanh nghiệp cung ứng thì nên bỏ đấu thầu mà hướng tới việc đàm phán giá.

Đồng tình với điều này, nhiều cơ sở y tế cho rằng, các quy định mới chỉ có tính ngắn hạn. Ví dụ việc gia hạn giấy phép đến hết năm 2024 hay cho phép các cơ sở y tế được áp dụng thí điểm hướng dẫn về xây dựng giá gói thầu trong năm 2023. Nếu hết năm 2023 hay năm 2024 thì những khó khăn trong đấu thầu, mua sắm thuốc trang thiết bị y tế có thể lại tái diễn. Vì vậy cần có những giải pháp lâu dài.

Đại diện ngành y tế Quảng Ninh đặt câu hỏi: việc không có thuốc, vật tư y tế cấp cứu bệnh nhân đã được coi là cấp bách chưa vì liên quan đến chỉ định thầu, chỉ định thầu rút gọn? Từ đó vị đại diện này kiến nghị Bộ Y tế và các bộ hướng dẫn cụ thể thế nào là tình huống cấp bách trong đơn vị y tế, nếu không có hướng dẫn thì dù các văn bản thông suốt vẫn khiến việc mua sắm mất thời gian từ 3 đến 6 tháng, thậm chí lâu hơn nếu doanh nghiệp không vào hỗ trợ.

Tại hội nghị, một số ý kiến nêu vấn đề, dù gỡ khó được yêu cầu 3 báo giá nhưng vẫn cần phải cẩn thận với tình huống liệu các doanh nghiệp có cung cấp báo giá sát với giá nhập hay không. Nếu năm sau cơ sở cung cấp không trúng thầu hóa chất thì hệ thống máy cũ có được chuyển đến cơ sở khác để tái sử dụng không?

Sửa nhiều luật để gỡ triệt để vướng mắc

Trả lời các đơn vị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết triệt để ngay mà từng bước. “Bộ Y tế sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến của đơn vị, cơ sở y tế về vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc… cùng phối hợp với các bộ và báo cáo lên Chính phủ để giải quyết”, Thứ trưởng Tuyên nói.

Ông Tuyên lưu ý các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh thiết bị y tế về trách nhiệm trước pháp luật trong việc kê khai giá, tính năng, cấu hình, tác dụng, tính pháp lí và tính chính xác của trang thiết bị y tế. “Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm thanh kiểm tra và hậu kiểm đối với mặt hàng này. Để tránh tình trạng đấu thầu vật tư nhưng không đạt hiệu quả sử dụng như mong muốn, cơ sở y tế cần thành lập hội đồng khoa học để xây dựng tính năng, cấu hình, tác dụng theo yêu cầu của chuyên môn đơn vị trước khi thực hiện đấu thầu, mua sắm theo quy định”, ông Tuyên nhấn mạnh.

Trả lời các cơ sở y tế về vấn đề cần thiết sửa Luật Đấu thầu, ông Lê Thành Công, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: “Hiện nay chúng tôi phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư tiến hành sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng được phép mua sắm trang thiết bị được phân nhóm các nước sản xuất, được phép chỉ định trong trường hợp máy đóng. Hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 đã quy định về nội dung bệnh viện được sử dụng máy mượn, khắc phục tình trạng khoảng trống pháp lí”.

Nhiều đơn vị băn khoăn về việc những hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 30 chỉ mang tính tạm thời, nếu sau này thanh tra, kiểm toán thì có được chấp nhận hay không? Từ đó đề nghị cần triển khai Nghị quyết 30 của Chính phủ tới các ngành khác để về sau không gây khó cho các đơn vị của ngành y tế trong quá trình thanh tra, kiểm tra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại