Cụ thể, hồi đầu tuần này, một phái đoàn gồm các đại diện đến từ Ủy ban vận tải và cơ sở hạ tầng của Hạ viện Mỹ đã tới thăm nhàn máy của Antonov. Nhân dịp đó, Antonov tuyên bố họ sẵn sàng hợp tác với các công ty của Mỹ để chế tạo một mẫu máy bay mới.
Đặc biệt, công ty này đề xuất hợp tác phát triển mẫu Antonov An-77 - một phiên bản nâng cấp "phương Tây hóa" của máy bay vận tải hạng trung 4 động cơ An-70.
Theo Antonov, khả năng mang tải trọng hàng hóa của An-77 có thể "nằm ở khoảng giữa mẫu C-130 Hercules (21 tấn) và C-17 Globemaster III (76) tấn". Trước đó, dự án An-70 đã bị đình trệ trong giai đoạn nguyên mẫu sau sự sụp đổ của Liên Xô, khả năng mang tải trọng hàng hóa trên lý thuyết của nó là 47 tấn.
Bên cạnh tuyên bố sẵn sàng hợp tác với các hãng sản xuất Mỹ về dự án mới, Antonov lưu ý rằng giới chức hàng không hai nước cần ký kết Thỏa thuận An toàn Hàng không song phương trước khi xúc tiến bất cứ chương trình hợp tác nào.
Công tác phát triển máy bay vận tải An-70 bắt đầu vào cuối những năm 1980, nhằm bổ trợ cho mẫu Ilyushin Il-76 (có khả năng mang tải từ 42-60 tấn tùy từng biến thể). Trong quá trình phát triển, An-70 đã gặp phải nhiều vấn đề.
Ba tháng sau chuyến bay đầu tiên (12/1994), nguyên mẫu duy nhất của An-70 khi đó đã bị phá hủy sau vụ va chạm trên không, khiến phi hành đoàn 7 người thiệt mạng. Tai nạn này bị quy cho lỗi con người.
Máy bay vận tải An-70 tại triển lãm hàng không 2003. Ảnh: RIA Novosti
Tới cuối những năm 1990, Antonov bắt đầu thử nghiệm nguyên mẫu thứ hai. Nó được kỳ vọng sẽ trở thành "ngựa thồ" đắc lực cho quân đội Nga và Ukraine.
Moskva đã đóng góp trên 60% trong tổng số 5 tỷ USD vào dự án này giữa những năm 1990 và giữa những năm 2000. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, họ bắt đầu bày tỏ lo ngại về chương trình, để rồi sau đó quyết định không sử dụng An-70 làm máy bay vận tải hạng trung chiến lược nữa.
Cuối những năm 1990, Antonov còn nảy ra dự án chế tạo phiên bản đặc biệt của An-70 dành cho Bộ Quốc phòng Đức, gọi là An-7X, tuy nhiên, sau này, Berlin đã rút lui khỏi dự án và bắt tay với Airbus.
Khó thuyết phục được Mỹ
Trao đổi với Đài Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Dmitri Drozdenko cho rằng, tương tự như Nga và Đức, các hãng sản xuất Mỹ có lẽ sẽ không có bất cứ hứng thú thật sự nào đối với dự án An-77.
"Một phái đoàn Quốc hội Mỹ đã tới thăm nhà máy Antonov nhưng tôi không cho rằng các doanh nghiệp Mỹ có hứng thú chút nào với mẫu máy bay này, cũng tương tự như các doanh nghiệp châu Âu. Lý do là vì An-77 sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp đối với các sản phẩm của Mỹ và Liên minh châu Âu" - ông Drozdenko nói.
Theo vị chuyên gia, dù Kiev có nhượng bộ tới mức nào thì điều đó vẫn chưa đủ để thuyết phục các công ty Mỹ tham gia dự án.
"Hiện nay, đối với Ukraine, triển vọng kinh tế của doanh nghiệp không khiến họ bận tâm nhiều như với chính trị.
Tôi cho rằng nhiệm vụ của chính phủ Ukraine đương thời là phá hủy ngành công nghiệp của đất nước càng nhiều càng tốt, trong đó có Viện thiết kế Antonov.
Antonov đang chạy vạy khắp nơi, tìm cách chào bán các sản phẩm của mình tới Ả Rập và nhiều quốc gia khác. Song không bên nào cần chúng.
Nga từng cần An-70 để làm máy bay vận tải hạng trung nhưng sau này đã lựa chọn nâng cấp Il-76. Trong khi đó, Antonov, dù có mẫu máy bay tốt nhưng không có triển vọng nào".
Antonov, huyền thoại một thời trong lĩnh vực hàng không quân sự và dân sự toàn cầu, đã phải đối mặt với giai đoạn khó khăn kể từ khi Liên Xô sụp đổ, đặc biệt là trong vòng 3 năm trở lại đây, sau khi mối quan hệ giữa Nga-Ukraine đổ vỡ.
Mặc dù cho ra lò tới hơn 22.000 máy bay kể từ khi thành lập năm 1946 nhưng sản lượng của Antonov đã tụt xuống mức thấp nhất trong năm ngoái, thậm chí không sản xuất được máy bay nào trong năm 2016. Năm 2017 có vẻ khả quan hơn một chút, dù họ chỉ chế tạo 2 máy bay chở khách nội địa.
Các mẫu máy bay nổi tiếng nhất của Antonov bao gồm máy bay vận tải hạng nặng/siêu nặng An-124 Ruslan và An-225 Mriya ('Dream'). Trong đó, mẫu An-225 nổi tiếng vì có sải cánh lớn nhất trong số các mẫu máy bay đang hoạt động và nó đã được sử dụng để vận chuyển tàu vũ trụ Buran - câu trả lời của Liên Xô trước chương trình tàu con thoi của Mỹ.
Năm ngoái, Antonov đã bán tài liệu kỹ thuật của mẫu Mriya cho Trung Quốc.