Tết Nguyên Đán - cái Tết thiêng liêng của dân tộc Việt
Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất của Việt Nam. Đó là ngày bắt đầu của một năm mới theo âm lịch.
Trong dịp Tết, người dân Việt mọi tầng lớp chuẩn bị những thứ ngon nhất, đẹp nhất để dâng lên cúng lễ thần linh và ông bà tổ tiên, trang trí nhà cửa bằng câu đối, hoa cảnh thật đẹp đẽ. Trong những ngày Tết cũng là những ngày người ta sum họp gia đình, mọi người nghỉ ngơi, vui chơi, đi lễ đền chùa, đi dự hội Xuân...
Những lễ thức quan trọng nhất không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt là cúng tất niên (kết thúc năm cũ, mời tổ tiên ông bà về ăn Tết cùng gia đình), cúng giao thừa (nửa đêm 30 Tết, vào lúc Trời Đất chuyển giao năm cũ sang năm mới), cúng năm mới, hóa vàng (kết thúc 3 ngày Tết, tiễn tổ tiên ông bà)...
Do tính chất thiêng liêng của ngày Tết, tùy từng nơi song có nhiều tục lệ rất hay như: gánh nước, hái lộc đêm 30, xông nhà sáng Mồng 1, mừng tuổi trẻ em, mừng thọ người già...
Bên cạnh đó, ngày Tết có những kiêng cữ rất ý nghĩa song cũng có nhiều kiêng cữ hết sức buồn cười như: kiêng cãi nhau, kiêng đổ vỡ, kiêng quét nhà trong 3 ngày Tết vì sợ "đổ của ra sông", kiêng ăn tôm vì sợ "phú quý giật lùi" v.v...
Trong những ngày Tết, mọi nười mặc những bộ quần áo đẹp nhất của mình để đi du Xuân, chúc Tết. Theo lệ xưa: "Mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba tết thày" rồi chúc lẫn nhau, mong sao những điều tốt đẹp nhất đến với mọi gia đình, mọi người.
Nói chung, Tết - đó là những ngày lễ thiêng liêng nhất, quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam và đã đi vào không ít tác phẩm thi ca, âm nhạc, mỹ thuật. Khi Tết đến, Xuân về mọi con dân nước Việt đều mong muốn được về sum họp gia đình để đón Tết bên người thân.
Những cái Tết đặc biệt - ăn không đúng ngày - đã đi vào lịch sử
Tết thiêng liêng vậy, Tết quan trọng vậy song có những trường hợp để thực hiện một nhiệm vụ nào đấy người ta phải ăn Tết trước hoặc ăn Tết sau, thậm chí không ăn Tết. Nói chung, những cái Tết đó rất đặc biệt và thường ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam có những cái Tết thường được nhắc đến như những mốc son đậm dấu ấn. Đó là những cái Tết Kỷ Dậu - 1789, Tết Mậu Thân - 1968 và Tết Ất Mão - 1975...
Sử sách ghi lại, năm 1788, trong bối cảnh bị đe doạ bởi các cuộc khởi nghĩa của nhân dân diễn ra khắp nơi và để củng cố ngôi vị và quyền lực của mình, vua Lê Chiêu Thống đã cho người sang cầu cứu nhà Thanh.
Vua nhà Thanh lúc đó là Càn Long vốn có mưu đồ sang xâm chiếm nước ta từ lâu, song vì chưa có cớ khởi binh. Nay có cơ hội, vua Càn Long đã cử Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị dấy binh sang xâm lược nước ta lấy cớ là giúp vua nước Nam dẹp loạn.
Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị thống lĩnh 29 vạn quân chia làm 4 mũi ồ ạt tiến về thành Thăng Long. Trước thế giặc mạnh, quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm phải tạm rút về phòng tuyến Tam Điệp, chờ đợi thời cơ phản công.
Ngày 17.12.1788, Tôn Sĩ Nghị chỉ huy quân Thanh tiến vào Thăng Long và đọc sắc chỉ của vua Càn Long phong cho Lê Chiêu Thống làm An Nam Quốc vương. Tôn Sĩ Nghị cũng tuyên bố đến ngày mùng 6 Tết sẽ kéo quân vào thẳng sào huyệt Tây Sơn.
Nhận được tin cấp báo, ngày 22.12.1788 (tức ngày 25.11âm lịch), người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã xưng vương tại núi Bân (Phú Xuân), lấy tên hiệu là Quang Trung thống lĩnh đại quân tiến ra Bắc chống trả quân Thanh xâm lược.
Người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Ảnh minh họa
Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (15.1.1789), đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp. Sau khi xem xét tình hình, Quang Trung cho quân lính ăn Tết trước và hẹn ba quân ngày mồng 7 Tết sẽ quét sạch quân Thanh, vào ăn Tết ở Thăng Long.
Quang Trung chia quân làm 5 đạo. Một đạo do đô đốc Long chỉ huy đánh vào phía Tây Thăng Long. Đạo đô đốc Bảo tiến đánh các đồn phía Nam Thăng Long. Trung quân do đích thân Quang Trung chỉ huy, phối hợp với đô đốc Bảo. Đô đốc Tuyết và đô đốc Lộc theo đường biển ra Bắc, chặn đường lui của địch.
Đêm 30 tháng Chạp âm lịch, quân Tây Sơn đánh diệt đồn Gián Khẩu của các tướng Lê Chiêu Thống. Sau đó Quang Trung đánh diệt các đồn Nguyệt Quyết, Nhật Tảo, dụ hàng được đồn Hà Hồi.
Đêm mồng 4 Tết, Quang Trung tiến đến trước đồn lớn nhất của quân Thanh là Ngọc Hồi. Trong khi đó đô đốc Long bất ngờ tập kích đồn Khương Thượng khiến quân Thanh không kịp trở tay, hàng vạn lính bỏ mạng. Chủ tướng Sầm Nghi Đống tự vẫn.
Sáng mồng 5, Quang Trung cùng đô đốc Bảo tấn công đồn Ngọc Hồi. Trước sức tấn công mãnh liệt của Tây Sơn, quân Thanh bị động thua chết hàng vạn. Tôn Sĩ Nghị cuống cuồng sợ hãi bỏ chạy. Cầu phao đứt, hàng vạn quân Thanh ngã xuống sông chết đuối.
Trưa 30.1.1789 tức ngày mùng 5 Tết, đại quân Tây Sơn tiến vào kinh thành Thăng Long ăn mừng thắng lợi sớm hơn dự định hai ngày. Nhân dân kinh thành đã dâng lên nhà vua những cành đào đỏ thắm, bánh chưng xanh trong tiếng pháo nổ khắp nơi mừng đại thắng.
Từ đó, cái Tết Kỷ Dậu 1789 đã đi vào lịch sử dân tộc và lòng người Việt như một trong những mùa xuân đẹp nhất, phi thường nhất thể hiện ý chí kiên cường trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
***
179 năm sau, Tết Mậu Thân lại chứng kiến cuộc Tổng công kích của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (QGP), tạo ra bước ngoặt trọng đại trong Chiến tranh Việt Nam.
Tính đến cuối năm 1967, có tới 480.000 quân Mỹ và 68.800 quân của các nước chư hầu có mặt ở miền Nam. Nếu kể cả số quân đóng ở Thái Lan, Nhật Bản, Philíppin, Hạm đội 7... thì có tới 80 vạn quân Mỹ trực tiếp tham chiến. Cuộc chiến Việt Nam bước vào thời kỳ gay go, ác liệt nhất.
Trước tình hình đó, phía QGP hoạch định một trận đánh gây tiếng vang lớn, như lời của Tổng bí thư Lê Duẩn: "Một cú đập lớn để tung toé ra các khả năng chính trị". Cụ thể là tạo đột phá cho chiến tranh, buộc Mỹ xuống thang và chấp nhận ngồi vào đàm phán.
Cuộc tổng tiến công đồng loạt nổ ra vào đêm 30 rạng 31.1.1968 (đêm mồng 1Tết Mậu Thân). QGP bất ngờ tiến công vào 6 thành phố lớn, 44 thị xã, hàng trăm quân lỵ, phát động quần chúng nổi dậy, đập tan bộ máy cơ sở của chế độ Sài Gòn ở nhiều nơi.
Tại Sài Gòn, QGP đã tiến công vào các mục tiêu quan trọng nhất: Toà Đại sứ quán Mỹ, dinh Tổng thống, Đài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất... Cuộc tiến công đã gây bất ngờ lớn, gây nhiều tổn thất cho phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.
Lính Mỹ phải chịu thương vong lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Ảnh mình họa.
Với sức ép của Tết Mậu Thân, Mỹ đã phải thay Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cách chức William Westmoreland, Tổng chỉ huy quân Mỹ ở Việt Nam, đưa Abram lên thay (9.3.1968).
Ngày 31.3.1968, Tổng thống Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh, không tăng thêm quân theo yêu cầu của Bộ chỉ huy chiến trường và từ chối tranh cử nhiệm kỳ tới.
Cũng từ sau Tết Mậu Thân, quyền lực của Tổng thống Mỹ bị hạn chế bởi Quốc hội và dư luận trong nước, quốc tế. Sự rút quân Mỹ về nước là không thể đảo ngược. Chiến tranh Việt Nam đi vào giai đoạn mới, làm tiền đề cho thắng lợi cuối cùng của QGP.
***
7 năm sau nữa - mùa Xuân Ất Mão 1975, lại một lần nữa rất nhiều cán bộ, chiến sĩ được ăn Tết trước báo hiệu một cái Tết, một mùa Xuân đặc biệt nữa trong lịch sử dân tộc.
Cuối năm 1974, Bộ Thống soái tối cao họp đánh giá tình hình và hạ quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong vòng 2 năm. Các cơ quan Bộ Quốc phòng xúc tiến chuẩn bị mọi mặt, xác định mục tiêu tiến công trận then chốt mở đầu là Buôn Mê Thuột.
Lúc này tại Tây Nguyên QGP đã có các sư đoàn 320, 10 và 968 cùng một số các trung, lữ đoàn binh chủng. Để tăng cường lực lượng đảm bảo thắng lợi, cuối tháng 12.1974, Bộ Tổng tư lệnh quyết định điều thêm Sư đoàn 316 bí mật cơ động vào Tây Nguyên.
Bộ phận đại diện của Trung ương tại Tây Nguyên được thành lập (mật danh A75) gồm: Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng, Trung tướng Đinh Đức Thiện - Chủ nhiệm TC Hậu cần, Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền, Phó Tổng TMT cùng một số cán bộ có nhiều kinh nghiệm của cơ quan Bộ Tổng Tham mưu và các quân, binh chủng.
Sáng ngày 5.2.1975, tức ngày 25 Tết âm lịch, đoàn A75 sang sân bay Gia Lâm để đáp máy bay vào Đồng Hới, sau đó hành quân bằng ô tô vào Tây Nguyên. Cùng với các đơn vị dưới quyền, A75 cũng đón Tết trên đường hành quân.
Trong khi đó, hầu hết các đơn vị có mặt tại Tây Nguyên đã cho bộ đội ăn Tết trước và bắt tay vào công tác chuẩn bị cho chiến dịch. Một số đơn vị làm nhiệm vụ mở đường. Một số đơn vị lặng lẽ hành quân xuống phía Nam tiếp cận mục tiêu.
Vào thời khắc cả nước đang vui mừng đón Tết, chào Xuân thì hầu hết các đơn vị có nhiệm vụ đánh Buôn Mê Thuột đã có mặt tại vị trí tập kết chiến dịch. Các đơn vị khác cũng được "ém" tại vị trí quy định theo ý định "cài thế" của Bộ Tư lệnh chiến dịch.
Thần tốc tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mùa Xuân 1975.
Tất cả đều được quán triệt giữ tuyệt đối bí mật, "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", tuyệt đối không nổ súng, không chặt cây, không ca hát...- kể cả trong những ngày Tết Nguyên đán thiêng liêng của dân tộc.
Để rồi, ít ngày sau đó chiến dịch Tây Nguyên nổ súng làm rung chuyển cả miền Nam, mở đầu cho một mùa Xuân toàn thắng. Và 55 ngày sau đó- ngày 30.4.1975 miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất một nhà.
***
Còn tròn 40 năm trước, cái Tết Kỷ Mùi - 1979 cũng để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong lòng những người dân nước Việt khi đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài mấy chục năm, như một cơ thể còn ốm yếu chưa kịp hồi phục lại phải đối phó với tình trạng "lưỡng đầu thọ địch".
Đó là khi bè lũ phản động Pol Pốt - Iêng Xary được hậu thuẫn đắc lực của các thế lực thù địch liên tục tiến công phá hoại cuộc sống yên bình ở các tỉnh dọc biên giới giữa hai nước, gây ra những tội ác trời không dung, đất không tha.
Trong khi đó, hàng chục vạn quân Trung Quốc lại áp sát biên cương phía Bắc sẵn sàng "trừng phạt Việt Nam".
Nhưng rồi với lòng yêu nước nồng nàn, với ý chí quật khởi của một dân tộc bất khuất, với tài thao lược của các tướng lĩnh và tinh thần chiến đấu dũng cảm của những người chiến sĩ, chỉ sau một tuần phát động chiến dịch phản công, bè lũ Khmer Đỏ đã bị đập tan.
Và sau đó ít hôm, chỉ với lực lượng dân quân du kích và bộ đội địa phương đã làm cho hơn 60 vạn quân xâm lược Trung Quốc phải ôm đầu máu chạy về.
Là một dân tộc yêu hòa bình, trọng hòa hiếu, vào những ngày Tết không bao giờ muốn động binh. Nhưng "dù rằng đời ta thích hoa hồng", kẻ thù lại "buộc ta ôm cây súng". Và để đuổi giặc xâm lăng thì Tết hay Xuân cần động binh vẫn cứ phải động binh.
Cũng chính vì vậy, những cái Tết ăn không đúng ngày thường lại là những cái Tết đặc biệt đi vào sử sách như những dấu son đậm nét trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta.