Kế hoạch ném bom nguyên tử trên mặt trăng của Mỹ: Bí mật bị rò rỉ và phản ứng của Liên Xô

Nguyễn Sơn |

Hiệp ước không thử vũ khí nguyên tử trên vũ trụ đã vĩnh viễn nhốt lại những ý tưởng điên rồ tương tự. Và Mặt trăng của chúng ta tiếp tục tỏa sáng trên bầu trời đến ngày hôm nay.

KỲ 2: Bí mật bị rò rỉ và phản ứng của Liên Xô

Bí mật bị bật mí như thế nào?

Chuyến bay thành công vào vũ trụ của Yuri Gagarin còn làm dư luận Mỹ xáo động hơn cả việc Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo Spoutnik trước đó.

Trong cuộc họp báo ngày 22.4.1961, Tổng thống Mỹ Kennedy tiết lộ rằng ông đã yêu cầu Chủ tịch mới của Ủy ban Quốc gia Hàng không Johnson phải tìm hiểu ngay lập tức xem trong việc nghiên cứu vũ trụ còn phương diện nào khả dĩ có thể cho phép Mỹ vượt qua Liên Xô.

Ba ngày sau, Kennedy tuyên bố Mỹ sẽ tập trung toàn lực để giành lại ngôi vị trong vũ trụ. "Đây chính là lúc chúng ta cần phải giành lại vị trí dẫn đầu trong vũ trụ và nghiên cứu vũ trụ. Đó là nhân tố then chốt xác định số phận tương lai của chúng ta trên hành tinh này".

Sự nỗ lực cúa người Mỹ đã đem đến thành công vào ngày 21.7.1969, khi nhà du hành vũ trụ huyền thoại Neil Armstrong đặt bước chân đầu tiên lên Mặt trăng. Cả thế giới nghe rõ câu nói của anh: "Đây là một bước nhỏ của một người, những là một bước vĩ đại của loài người".

Nỗ lực cho chương trình đổ bộ lên Mặt trăng đã hút toàn bộ nguồn lực tài chính và trí tuệ dự chi cho ngành hàng không - vũ trụ của Mỹ, đẩy Dự án A119 vào phòng lưu trữ. Việc ký kết Hiệp ước không thử vũ khí hạt nhân trong vũ trụ năm 1967 càng khiến cho Dự án A119 được bảo mật kỹ càng hơn.

Bí mật về Dự án A119 lần đầu tiên bị bật mí hồi thập niên 1990, khi nhà báo Kay Davidson tìm kiếm thông tin để viết tiểu sử của nhà vật lý lừng danh Carl Sagan.

Ông phát hiện Sagan từng nói về dự án này năm 1959 trong một cuộc họp của Hội đồng khoa học Đại học Berkeley với những thông tin, theo đánh giá của Davidson, là vi phạm nghiêm trọng Quy chế bảo mật quốc gia.

Trong bài nói đó, Sagan đã tiết lộ 2 tài liệu tuyệt mật là "Possible Contribution of Lunar Nuclear Weapons Detonations to the Solution of Some Problems in Planetary Astronomy" năm 1958 và "Radiological Contamination of the Moon by Nuclear Weapons Detonations" năm 1959.

Hai tài liệu này cùng với 6 tài liệu khác được đóng dấu tuyệt mật và bị tiêu hủy năm 1987.

Cuốn tiểu sử "Carl Sagan: A Life" ra mắt công chúng năm 1999. Tạp chí Nature, khi giới thiệu cuốn sách này, đã nhắc đến việc Sagan tiết lộ bí mật quốc gia. Tiến sỹ Reiffel, người chủ trì Dự án A119, vội vàng viết một bức thư gửi về tòa soạn phê phán hành động của Sagan và báo chí lập tức công bố bức thư đó của ông một cách rộng rãi.

Phải mất 40 năm sau Dự án A119, cuốn "Nghiên cứu những chuyến bay thám hiểm Mặt trăng. Tập 1" (A Study of Lunar Research Flights — Volume I) mới có thêm những tình tiết mới liên quan đến Dự án A119.

Kế hoạch ném bom nguyên tử trên mặt trăng của Mỹ: Bí mật bị rò rỉ và phản ứng của Liên Xô - Ảnh 2.

Sức hủy diệt khủng khiếp của vũ khí hạt nhân. Ảnh minh họa.

Các tác giả cuốn sách cho biết, phần lớn các tài liệu liên quan đến dự án đều được tiêu hủy năm 1980. Tám tài liệu cuối cùng được tiêu hủy năm 1987. Tiến sỹ David Lowry, nhà nghiên cứu lịch sử hạt nhân người Anh, gọi dự án này là "lố bịch" và chua thêm:

"Nếu dự án đó được thực hiện, nhân loại sẽ không còn cơ hội chứng kiến bước chân ngoạn mục của Neil Armstrong trên Mặt trăng, bước chân được coi như bước nhảy vĩ đại của loài người vào vũ trụ".

Sự thật là 50 năm sau A119, ngày 9.10.2009, NASA cũng đã ném một quả bom lên Mặt trăng, nhưng không phải bom hạt nhân, mà chỉ là một quả bom thường sức nổ 2,5 tấn trong chương trình Lunar Crater Observation and Sensing Satellite). Độ lớn của đám mây bụi nhỏ hơn tính toán hàng chục lần.

Hành động của Liên xô

Gần như đồng thời với việc bật mí Dự án A119 của Mỹ, một dự án tuơng tự của Liên Xô trong những năm đó cũng lọt ra cho báo chí. Tháng 1.1958, Liên Xô khởi động công tác chuẩn bị cho một chương trình nghiên cứu vũ trụ dài hơi dưới bí danh E.

Theo đó, Dự án E-1 đặt mục tiên hạ cánh xuống Mặt trăng. Dự án E-2 và E-3 đặt mục tiêu thả vệ tinh nhân tạo cố định phía mặt trái của Mặt trăng để chụp không ảnh gửi về Trái đất. Cuối cùng, Dự án E-4 tham vọng ném bom hạt nhân xuống Vệ tinh duy nhất này của Trái đất.

Tác giả của Dự án E-4 là nhà vật lý nguyên tử Xô-viết xuất sắc Yakov Zeldovic. Ông cho rằng việc một tàu vũ trụ của Liên Xô hạ cánh xuống Mặt trăng không đủ để quan sát được từ Trái đất, nên sẽ không mang nhiều ý nghĩa tuyên truyền.

Vì vậy, ông đề xuất ý tưởng tiến hành một vụ nổ lớn trên bề mặt Mặt trăng, làm bốc lên một đám mây bụi khổng lồ có thể quan sát bằng mắt thường từ Trái đất. Nhờ các ống kính phân tích khổng lồ Liên Xô đang sở hữu lúc đó, họ có thể phân tích được quang phổ của bề mặt Mặt trăng.

Mặt dù dự án này cũng như nguồn kinh phí ngân sách khổng lồ phải chi cho nó đã làm bùng nổ ngay trên mặt đất những cuộc tranh cãi quyết liệt nhất. Tuy nhiên, hình ảnh một đám mây bụi nhân tạo khổng lồ xòe tán trên Mặt trăng để cả thế giới phải trầm trồ thán phục thành tựu của khoa học Xô-viết đã mạnh hơn bất cứ con tính nào.

Dự án được đưa vào nghiên cứu chi tiết. Tổng công trình sư Korolev đã thiết kế mô hình con tàu vũ trụ với kích thước và khối lượng đủ để mang nổi một quả bom hạt nhân cỡ lớn ở trình độ công nghệ thực tế lúc đó. Quả bom lớn như một nhà máy điện hạt nhân với nhiều thanh nhiên liệu sẽ phát nổ đồng thời khi vừa chạm bề mặt Mặt trăng.

Những điểm chính của kế hoạch này được Korolev và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô Keldysh trình bày trong một bức thư gửi Ban chấp hành Trung ương ĐCSLX ngày 28.1.1958. Bức thư bỏ qua Dự án E-1, tập trung thuyết phục Bí thư thứ nhất Khrushev phê chuẩn Dự án E-2 hoặc E-4. Khrushev đã chấp thuận phương án E-4.

Cùng với việc Khrushov bị hạ bệ, những ý kiến phản đối E-4 được xem xét trở lại. Giới khoa học gia Liên Xô lo ngại nếu trục trặc kỹ thuật, quả bom hạt nhân khổng lồ của dự án có thể rơi xuống Liên Xô, một nước thứ ba hoặc được phóng vào vũ trụ và bay trên quỹ đạo Mặt trời và không cách gì kiểm soát nổi.

Còn một vấn đề tế nhị nữa: để các đài thiên văn nước ngoài quan sát được vụ nổ, Liên Xô cần phải báo trước cho họ, điều đó thật không dễ làm chút nào.

Cuối cùng, chính Zeldovic, tác giả của dự án, đề nghị ngưng chương trình này lại. Ông nói rằng sau khi tính toán chi tiết, ông phát hiện độ sáng và độ dài của vụ nổ không đủ để cả Liên Xô và Mỹ cùng quan sát được và chụp ảnh xác nhận vụ nổ từ Trái đất.

Hai dự án song song A119 và E-4 đã lùi sâu vào quá khứ. Hiệp ước không thử vũ khí hạt nhân trên vũ trụ đã vĩnh viễn nhốt lại những ý tưởng điên rồ tương tự. Và Mặt trăng của chúng ta tiếp tục tỏa sáng trên bầu trời đến ngày hôm nay. Chắc chắn nó không biết người ta đã từng định ném bom nguyên tử lên bề mặt của nó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại