Giữa tháng 7 vừa qua, không quân Trung Quốc cho đăng tải một đoạn phim J-20 bay huấn luyện vào ban đêm, nhằm chứng minh tiêm kích đã sẵn sàng tác chiến.
Tiêm kích này là sản phẩm của Tập đoàn Công nghiệp hàng không Thành Đô, được thử nghiệm từ năm 2011 trước khi đi vào hoạt động vào tháng 3.2017. Không quân Trung Quốc cho đến nay đã có gần vài chục chiếc được sản xuất, và số lượng J-20 trong tương lai sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó, F-22 Raptor do tập đoàn Lockheed Martin phát triển là tiêm kích dành riêng cho không quân Mỹ. Máy bay này có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 1997, chính thức hoạt động tháng 12.2005.
Việc sản xuất F-22 đã bị đình chỉ từ năm 2011, do chi phí quá đắt đỏ và hiện tại không có đối thủ nào đủ khả năng thách thức vị thế thống trị của tiêm kích.
Vào lúc này, F-22 cùng với J-20 của Trung Quốc vẫn đang được xếp vào danh sách chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 tiên tiến nhất thế giới. Cả hai đều là loại một chỗ ngồi, hai động cơ và sở hữu công nghệ tàng hình trước radar.
Thiết kế
F-22 và J-20 có kích thước tương tự. Tiêm kích Trung Quốc dài 20.3m, sải cánh 12,9m. Các thông số này của F-22 lần lượt là 19m và 13,6m.
Cùng được làm bằng hợp kim, hai máy bay đều có trọng lượng rỗng 19 tấn. Trọng lượng tải của J-20 đạt khoảng 32 tấn, nặng hơn trọng lượng 29 tấn của F-22, nhưng tiêm kích Mỹ có thể cất cánh với trọng lượng tối đa lên đến 38 tấn, hơn chiến đấu cơ Trung Quốc 2 tấn.
Hiệu suất
Độ cao tối đa hai máy bay có thể hoạt động là 20km, vận tốc tối đa trên Mach 2 (2.470km/giờ). F-22 có bán kính chiến đấu tương đối hẹp với khoảng 800km, trong khi bình nhiên liệu lớn cho phép J-20 duy trì bán kính chiến đấu lên đến 1.100km.
F-22 có bán kính chiến đấu hẹp hơn J-20 - Ảnh: Business Insider
Động cơ
F-22 được trang bị động cơ cánh quạt F119-PW-100, cho phép tiêm kích đạt vận tốc Mach 1,82. Động cơ đầu tiên có vecto, qua đó giúp F-22 thực hiện được những thao tác khéo léo ở tốc độ siêu thanh.
Trong khi đó, động cơ lại là điểm yếu nhất của J-20. Kế hoạch sản xuất động cơ WS-15 riêng cho tiêm kích này bị trễ tiến độ, do đó nó chỉ có thể sử dụng động cơ kém hơn như hàng nội địa WS-10B hoặc AL-31FM2/3 do Nga chế tạo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cơ động và tàng hình khi hoạt động ở tốc độ siêu âm.
Tàng hình
Khả năng tàng hình mặc trước và mặt bên của J-20 được đánh giá rất tuyệt vời, trong khi F-22 có vẻ dễ bị radar phát hiện hơn.
Vũ khí
Để duy trì khả năng tàng hình, hai tiêm kích đều có khoang chứa vũ khí trong thân. J-20 mang được 6 tên lửa không đối không, ít hơn F-22. Tuy nhiên nhờ có khoang chứa rộng hơn, chiến đấu cơ Trung Quốc mang được nhiều tên lửa tầm xa hơn cùng bom LS-6.
Cho đến nay, vẫn chưa biết Uy Long có được trang bị súng máy hay không. Một số nhà phân tích tin rằng tiêm kích sẽ có vũ khí này.
Còn F-22 chứa tối đa 8 tên lửa không đối không hoặc không đối đất tầm ngắn đến trung, một khẩu súng M61 Vulcan cùng 4 điểm thả dưới cánh cho phép mang thêm nhiên liệu hay ống phóng tên lửa.
Hệ thống điện tử
Cả hai đều có hệ thống điện tử và thiết bị cảm biến tích hợp có độ chính xác cao, tạo ra một lưới quét điện tử hoạt động nhanh nhạy (AESA), cho phép quan sát được nhiều mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết.
Đài truyền hình Thẩm Quyến từng giới thiệu loại AESA J-20 sử dụng “hoàn toàn tương tự” AN/APG-77 của F-22.
Chi phí
Toàn bộ dự án sản xuất F-22 tốn đến 62 tỉ USD, tương đương 339 triệu USD/máy bay. Còn chi phí nghiên cứu và phát triển của J-20 được ước tính là hơn 30 tỉ nhân dân tệ (4,4 tỷ USD), với mỗi chiếc trị giá 100 - 110 triệu USD.