Theo nguồn tin trên, giới chức quân sự Israel tuyên bố, quá trình thử nghiệm tổ hợp tên lửa Arrow-3 đã đạt được những thành tựu đủ để nó được trang bị chính thức. Trong thời gian tới, Mỹ và Israel sẽ tiếp tục hợp tác hoàn thiện tổ hợp tên lửa phòng không này.
Hiện tại, chịu trách nhiệm phát triển Arrow-3 là công ty quốc doanh Israel Aerospace Industries - IAI và Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ.
Sau khi được tiếp nhận, tổ hợp Arrow-3 sẽ là một phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng của Israel. Nó sẽ kết hợp tác chiến với các tổ hợp Arrow-2 (tầm xa), Davids Sling (tầm trung) và Iron Dome (tầm ngắn) để bảo vệ lãnh thổ Israel khỏi các mối nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo các tầm.
Bệ phóng của tổ hợp Arrow-3.
Một vụ phóng thử của tổ hợp Arrow-3.
Theo giới thiệu của IAI, tổ hợp Arrow-3 có hiệu suất và tỷ lệ đánh chặn tốt hơn so với các thế hệ phòng thủ tên lửa trước đó nhờ việc sử dụng cảm biến quang-hồng ngoại thế hệ mới kết hợp với với đầu đạn kenetic (xuyên phá động năng).
Đầu đạn dạng này cho phép đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa của đối phương khi nó vừa tiếp cận trở lại bầu khí quyển Trái đất. Việc đánh chặn ở ngoài rìa khí quyển giúp giảm ảnh hưởng của các loại đầu đạn sinh-hóa-hạt nhân tới mục tiêu được bảo vệ dưới mặt đất.
Về cơ bản, tổ hợp Arrow-3 chính là phiên bản nâng cấp của tổ hợp tên lửa đánh chặn trước đó Arrow-2. Điểm ưu việt của Arrow-3 là nó được thiết kế đánh chặn các đạn tên lửa của đối phương ở độ cao lên tới 100 km và kết cấu hệ thống nhỏ gọn hơn. Giá thành của mỗi đạn tên lửa đánh chặn trong tổ hợp Arrow-3 ước tính tới 2,2 triệu USD.
Cơ cấu của mỗi tổ hợp Arrow-3 gồm: Hệ thống radar cảnh giới EL/M-2080 Super Green Pine cung cấp khả năng giám sát ở phạm vi 1.000km; trung tâm điều khiển Citron Tree; trung tâm giám sát phóng đạn Heyzelnat Tree và các xe phóng với 6 đạn tên lửa trên mỗi xe.
Nhờ sự tương thích về công nghệ, các tổ hợp Arrow-3 và Arrow-2 có thể kết nối với nhau để tăng phạm vi giám sát và tỷ lệ đánh chặn thành công.