Nga và Iran vốn là hai thế lực cùng chung chiến tuyến trong cuộc chiến ở Syria. Sau nhiều năm sát cánh, cả hai đang hướng tới một chiến thắng tại quốc gia Trung Đông.
Câu hỏi hiện tại đó là, liệu Moscow có thể vì một cái giá nào đó mà bị Mỹ thuyết phục chống lại Tehran hay không? Đây được coi là chủ đề được thảo luận trong cuộc họp "vô tiền khoáng hậu" ở Jerusalem hôm 24/6.
Cuộc họp kéo dài hai ngày giữa các cố vấn an ninh hàng đầu của Nga, Mỹ và Israel - đã diễn ra giữa lúc căng thẳng tăng vọt trên khắp Trung Đông, với tâm điểm chú ý là cuộc đụng độ nảy lửa giữa Washington và Tehran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông đã chấp thuận một cuộc tấn công tên lửa chống lại Iran vào cuối tuần trước để phản ứng trước việc Tehran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ, nhưng sau đó đã đổi ý ngay trước giờ G.
Nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi Iran quay trở lại bàn đàm phán để tránh bị áp đặt thêm các lệnh trừng phạt kinh tế và để giúp cho Iran "tuyệt vời trở lại".
Điều gì xảy ra tiếp theo nếu như trong thời điểm nhạy cảm này, căng thẳng Mỹ-Iran có thể được quyết định một phần bởi hội nghị thượng đỉnh an ninh ba chiều ở Jerusalem?
Diễn biến
Mỹ và Israel – hai quốc gia vốn coi Iran là mối đe dọa ở khu vực – rất có thể sẽ cố gắng thuyết phục Nga rằng Iran là một thế lực xấu cần phải loại bỏ, cây bút Mark Mackinnon của tờ The Globe and Mail nhận định.
Nếu đồng ý, Moscow dự kiến sẽ yêu cầu các nhượng bộ địa chính trị lớn ở Trung Đông và có lẽ cả ở Ukraine, để đổi lấy bất kỳ động thái nào nhằm đẩy Iran và lực lượng thân cận ra khỏi Syria.
Trong khi Nga và Iran hợp tác trong việc bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad, có những dấu hiệu cho thấy sự liên minh tạm thời này bắt đầu rạn nứt khi Moscow và Tehran bước vào tìm kiếm lợi ích ở Syria thời hậu chiến.
Moscow được cho là muốn quay trở lại hiện trạng trước chiến tranh, với Tổng thống Assad tiếp tục nắm quyền và tránh các cuộc tấn công rủi ro đối với Israel.
Trong khi đó, Iran không chỉ coi Syria là mặt trận then chốt chống lại Israel mà còn là nơi gây dựng kế hoạch chống lại cả Mỹ và liên minh Hồi giáo Sunni do Saudi Arabia đứng đầu.
Trước tình hình rốt ráo như vậy, người Mỹ đã có những bước chuẩn bị cho xung đột. Mỹ tuần trước tuyên bố rằng họ sẽ gửi thêm 1.000 quân tới Trung Đông sau cuộc tấn công hai tàu chở dầu hôm 13/6, sự cố thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy một tháng.
Câu hỏi đặt ra là: Ông Pu tin sẽ yêu cầu gì để đổi lấy việc đẩy Iran - dù bằng cách này hay cách khác - ra khỏi Syria, và lời hứa của Điện Kremlin sẽ đáng tin cậy như thế nào?
Lợi ích cốt lõi của Nga ở Syria là sự ổn định của chính quyền Assad và bảo vệ căn cứ ở Tartus. Trong khi đó, liên minh với Iran được coi là ít quan trọng hơn nhu cầu thoát khỏi các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt vào năm 2014, cây bút Mark Mackinnon nhận định.
Dan Shapiro, cựu đại sứ Mỹ ở Israel dưới thời chính quyền Barack Obama, đã gọi cuộc họp Jerusalem là một cơ hội thực sự để tranh thủ sự giúp đỡ của người Nga theo cách nghiêm túc hơn, trong nỗ lực kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran tại khu vực.
Sự cố tàu chở dầu là nguồn cơn gây ra căng thẳng Mỹ-Iran.
Tuy nhiên, ông Shapiro lo lắng rằng cái giá mà Điện Kremlin đưa ra sẽ là thứ mà Mỹ không nên sẵn sàng trả.
"Điều lo ngại nhất là người Nga sẽ cố gắng trích xuất một thỏa thuận Syria để đổi lấy vấn đề Ukraine, trong đó đánh đổi sự hiện diện của Iran lấy việc xóa bỏ lệnh trừng phạt vì vấn đề Ukraine trước đây", ông Shapiro cho hay.
"Đây là một thỏa thuận tồi tệ cho lợi ích của Mỹ. Nó đặt ra sự hoài nghi về việc Mỹ có nên mang nhu cầu an ninh cốt lõi của châu Âu để đổi lấy những lời hứa chưa chắc chắn của Nga ở Trung Đông hay không".
Phản ứng của Iran
Cho đến nay, Iran đã tỏ ra không quan tâm tới hội nghị thượng đỉnh Jerusalem. Ali Asghar Khaji, một quan chức của bộ Ngoại giao Iran nói với hãng tin Sputnik của Nga rằng, Iran tự tin vào việc Chính phủ Nga sẽ có một lập trường mang tính nguyên tắc, sẽ không bị khuất phục trước những ham muốn quá mức của Mỹ và Israel.
Trong một tuyên bố trên truyền hình mới đây, ông Putin cũng ám chỉ đến việc Nga không có kế hoạch chống lại Iran để đổi lấy sự nhượng bộ ở nơi khác. "Chúng tôi không dùng đồng minh của mình để giao dịch", ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh.
Dore Gold, nhà ngoại giao kỳ cựu của Israel cho biết, sự hiện diện của Nga tại hội nghị thượng đỉnh Jerusalem là minh chứng cho việc Moscow đã có được vị thế trong khu vực như thế nào sau 4 năm Tổng thống Putin gửi quân đội và máy bay đến giúp đỡ chính quyền Damascus.
"Tổng thống Putin đã thành công trong việc khôi phục phần lớn tầm vóc của Liên Xô tại Trung Đông. Ông có quyền lực trong tay mình. Câu hỏi bây giờ là Putin dự định làm gì với sức mạnh đó", ông Gold nhận xét.