Indonesia hé lộ phương án trục vớt tàu ngầm KRI Nanggala 402

Thanh Bình |

Hải quân Indonesia đang xem xét những kịch bản khác nhau để trục vớt tàu ngầm Nanggala bị chìm lên mặt nước, trong đó có phương án dựa theo kinh nghiệm của Nga với tàu ngầm năng lượng hạt nhân Kursk gặp nạn năm 2000 ở biển Barents.

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Hải quân Indonesia đang xem xét những kịch bản khác nhau để trục vớt tàu ngầm Nanggala bị chìm lên mặt nước, trong đó có phương án dựa theo kinh nghiệm của Nga với tàu ngầm năng lượng hạt nhân Kursk gặp nạn năm 2000 ở biển Barents.

Theo cổng thông tin Detik của Indonesia, Chuẩn đô đốc Muhammad Ali, Phó Tham mưu trưởng lực lượng hải quân nước này đã cho biết thông tin trên trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba (27/4).

“Indonesia có thể áp dụng kinh nghiệm của Nga, ví dụ trong việc trục vớt các bộ phận của tàu Nanggala 402. Chúng tôi đang thảo luận nhiều phương án khác nhau”, Chuẩn đô đốc Muhammad Ali nói.

Phó Tham mưu trưởng Hải quân không loại trừ rằng “Indonesia sẽ cần đến sự hỗ trợ từ các quốc gia khác, như trường hợp của Nga trước đây”.

“Vấn đề quan trọng thực sự với việc tiến hành chiến dịch trục vớt con tàu là độ sâu tới nơi có xác tàu ngầm khoảng 850 mét”, ông Muhammad Ali cho biết.

Cũng tại cuộc họp báo, ông Muhammad Ali cho hay: “Chúng tôi hiện chỉ có 4 tàu ngầm. Chiếc duy nhất thuộc loại Nanggala được gọi là KRI Cakra, số hiệu 401 hiện đang được đại tu. Ba chiếc khác được sản xuất tại Hàn Quốc hiện trong tình trạng sẵn sàng hoạt động”.

Chuẩn đô đốc Muhammad Ali nói thêm, Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Indonesia sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng kỹ thuật của tất cả các tàu ngầm đang phục vụ trong Lực lượng Hải quân nước này.

“Chúng tôi đang điều tra nguyên nhân dẫn đến tai nạn của tàu ngầm Nanggala ở biển Bali, và chúng tôi cũng sẽ kiểm tra tất cả các tàu ngầm khác”, ông Muhammad Ali chia sẻ.

Ngoài ra, theo Chuẩn đô đốc Muhammad Ali, Hải quân Indonesia “cũng có ý định mời các chuyên gia trong các ngành khác nhau, bao gồm cả chuyên gia trong ngành đóng tàu, tham gia kiểm tra”.

Theo truyền thông Indonesia, 4 tàu ngầm được phiên chế trong lực lượng Hải quân Indonesia còn lại sau vụ KRI Nanggal-402 bao gồm: KRI Cakra-401, KRI Nagapasa-403, KRI Ardadeli-404 và KRI Alugoro-405.

Hôm 25/4, quân đội Indonesia chính thức xác nhận tất cả 53 thủy thủ đoàn trên tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia đã thiệt mạng và các đội cứu hộ đã xác định được mảnh vỡ của con tàu này dưới đại dương ở độ sâu khoảng 800 mét tại biển Bali.

Trước đó, tàu ngầm KRI Nanggala 402 đã mất tích vào sáng 21/4 trong lúc diễn tập phóng ngư lôi.

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 nặng 1.300 tấn là một loại tàu ngầm cổ điển Type 209 hoạt động bằng điện diesel do Đức chế tạo, được lắp ráp vào năm 1978 và thuộc về Indonesia vào tháng 10/1981. Loại tàu ngầm này đã phục vụ trong lực lượng hải quân của hơn 10 quốc gia trên khắp thế giới trong nửa thế kỷ qua.

KRI Nanggala được nâng cấp về cấu trúc, hệ thống động cơ, hệ thống sonar và vũ khí ở Đức năm 1989 và ở Hàn Quốc năm 2012.

Thảm kịch với tàu ngầm Kursk của Nga

Vào ngày 12/8/2000, hai vụ nổ xảy ra trên tàu ngầm động cơ hạt nhân K-141 Kursk của Nga, trong lúc con tàu đang tham gia cuộc tập trận phóng ngư lôi tại biển Barents tây bắc Nga. Hầu hết trong tổng số 118 người trên tàu thiệt mạng ngay sau 2 vụ nổ trừ 23 người ở các khoang 6-9 ở phần đuôi tàu.

Theo những lá thư do những người sống sót để lại cho thấy họ đã sống được thêm vài giờ, thậm chí là vài ngày cho đến khi hết ô xy. Ban đầu, Nga được cho là từ chối đề nghị hỗ trợ của Anh và Na Uy và chỉ chấp nhận vào vài ngày sau đó.

Khi thợ lặn mở cửa sập thoát hiểm ở khoang 9, không còn ai sống sót bên trong. Chỉ sau một năm mới đưa được con tàu lên khỏi mặt nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại