Bệnh nhân là chị Nguyễn Thị A, 23 tuổi ở TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên nhập viện trong tình trạng đau bụng, được chẩn đoán hóc dị vật. Bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành nội soi, đèn soi qua thực quản, đến thân vị thấy một bàn chải đánh răng người lớn.
Sau đó bệnh nhân được chuyển vào Khoa Ngoại tiêu hóa gan mật. Tại đây các bác sĩ chỉ định cho người bệnh đi chụp X.quang, nội soi thực quản dạ dày.
Bệnh nhân được đưa lên khoa thăm dò chức năng và được kíp trực gồm ThS.BS Trần Thị Hải Yến- Phó trưởng khoa Thăm dò chức năng và Điều dưỡng Vũ Thị Ngọc Tú tiến hành nội soi qua thực quản, đến thân vị thấy một bàn chải đánh răng người lớn.
Hình ảnh dị vật trong dạ dày người bệnh.
Sau 30 phút thực hiện thủ thuật, tiến hành gắp dị vật bằng rọ (Dụng cụ lấy dị vật), sau nhiều lần gắp các y bác sĩ đã lấy được bàn chải đánh răng dài hơn 20cm ra khỏi dạ dày của bệnh nhân, sau thủ thuật hiện bệnh nhân đã ổn định.
Theo lời kể của bệnh nhân, do bệnh nhân bị hóc xương cá, chị đã dùng bàn chải đánh răng để lấy. Trong quá trình lấy xương, do ngửa cổ cao, kèm theo phản xạ nuốt nên bệnh nhân đã nuốt hoàn toàn chiếc bàn chải đánh răng vào trong dạ dày.
Được biết, trước đó tại bệnh viện các bác sĩ cũng đã tiếp nhận, điều trị các trường hợp người lớn và trẻ em hóc, nuốt phải dị vật. Đây là một thực trạng đáng báo động. Không chỉ bị hóc do các loại hạt, thực phẩm, nhiều trường hợp vô tình nuốt phải vật sắc nhọn, dị vật nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi nuốt phải dị vật không nên tự ý dùng dụng cụ khác để lấy dị vật ra ngoài. Trong trường hợp hóc dị vật đường tiêu hóa, người bệnh cần đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh có phương tiện nội soi thực quản dạ dày để mau chóng lấy dị vật ra đúng cách.
Nguy hiểm nhất là dị vật đường thở có thể gây ngừng thở, ngừng tim nếu không được phát hiện, cấp cứu kịp thời.
Dị vật đường thở là do những chất vô cơ hay hữu cơ lọt vào đường thở, gặp nhiều nhất là hạt đậu phộng, hạt dưa, bắp, vỏ tôm, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc, vỏ bọc của viên thuốc, thậm chí là đồng tiền xu…
Hóc dị vật luôn là một trong những nguy cơ gây tử vong hàng đầu không chỉ ở trẻ nhỏ mà cả người lớn tuổi. Dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng những trường hợp bị hóc dị vật vẫn liên tiếp xảy ra. Điều đáng nói là nếu tai nạn này không được xử trí kịp thời, đúng cách có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.
Để phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc do sặc, hóc dị vật gây ra, chuyên gia khuyến cáo, các bậc cha mẹ có con nhỏ phải đặc biệt chú ý khi cho con ăn. Theo đó, cần cho trẻ ngồi đúng tư thế khi ăn, hạn chế cho trẻ nằm ăn.
Trong khi ăn, không nên trêu đùa khiến trẻ cười, dễ gây sặc cháo, sữa. Bên cạnh đó, cho trẻ ăn đồ ăn phù hợp với lứa tuổi. Khi ăn nên đút miếng vừa phải và đút chậm, chờ trẻ nuốt hết thức ăn trong miệng rồi mới đút tiếp. Nếu khi ăn thấy trẻ bị ho, cần dừng lại ngay, đợi trẻ hết cơn ho mới cho ăn tiếp.
Ngoài ra, trong quá trình chế biến đồ ăn cho trẻ, cần chú ý làm kỹ các loại thực phẩm có xương và vỏ cứng như cá, tôm, cua… tránh để lại xương, vỏ trong thức ăn, khiến trẻ bị hóc.
Đối với người lớn, việc quan trọng trong việc tránh hóc, sặc, nghẹn đồ ăn là kiểm soát được tốc độ trong khi ăn. Không nên ăn vội vàng, nhai chưa kỹ đã vội nuốt. Mặt khác, việc vừa nhai vừa nói chuyện, cười đùa cũng làm gia tăng nguy cơ bị sặc đồ ăn. Với những người cao tuổi, cần hạn chế các loại thức ăn cứng, khó nhai, nuốt để tránh gây hóc.
Một điều nữa đáng lưu ý, khi bị hóc, sặc, thay vì sơ cứu đúng cách, nhiều người lại có thói quen dùng tay móc họng hoặc dùng vật cứng móc ngoáy sâu vào họng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này vô cùng nguy hiểm vì có thể gây trầy xước, dẫn đến các biến chứng viêm nhiễm vùng hầu họng.
Bên cạnh đó, nhiều người còn lấy nguyên cục cơm hoặc miếng thức ăn thật to để nuốt với hi vọng “tống” được dị vật xuống. Đây cũng là một việc làm sai vì dễ khiến đường thở bị chặn toàn bộ gây khó thở, thậm chí ngừng thở.