Khi nào nên sinh thường, khi nào nên sinh mổ: Nghe chuyên gia khuyên trước khi quyết định

Ngọc Minh |

Khi mang thai rất nhiều chị em phân vân, không biết nên sinh thường hay sinh mổ để tốt nhất cho mẹ và con. Dưới đây chuyên gia sẽ cho bạn câu trả lời đầy đủ nhất về vấn đề này.

Khi nào nên sinh thường

Theo PGS.TS Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Trưởng khoa Phụ sản, trưởng Đơn vị Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bạch Mai, sinh thường hay còn gọi là sinh đường dưới là cách sinh tự nhiên của loài người. Nếu phụ nữ sinh thường được sẽ rất tốt cho cả mẹ và con.

Tuy nhiên, để một người sản phụ có thể sinh thường được cần phải có những điều kiện nhất định.

Thứ nhất, người sản phụ đó phải theo dõi quản lý thai tốt, sức khỏe của cả mẹ và con đều đảm bảo, mẹ không mắc bệnh lý mãn tính.

Thứ hai, trọng lượng thai phù hợp trung bình từ 2,8-3,2kg. Trẻ quá nhẹ cân không chỉ định sinh thường vì có thể tử vong do suy hô hấp khi chui đường dưới.

Thứ ba, ngôi thai thuận, khung xương chậu của người mẹ tốt.

"Khi người phụ nữ đáp ứng tất cả các yếu tố trên, nếu vẫn xin bác sĩ mổ là quá bất thường", bác sĩ Nha nói.

Đa phần các cuộc chuyển dạ thường rất dài, một số ít là ngắn. Phụ nữ chuyển dạ cho phép 24 giờ, còn với con dạ 12 -18 tiếng.

Lợi ích của sinh thường

PGS.TS Nha cho hay, một đứa trẻ được sinh đường dưới sẽ có hệ miễn dịch được kích hoạt tốt hơn so với trẻ sinh mổ.

Quá trình trẻ sinh bằng đường dưới là một thử thách đầu đời với trẻ để có thể chui được ra ngoài. Khi đi qua đường sinh sản lồng ngực của bé chịu sức ép nhất định cho nên các dịch trong phổi của trẻ có thể thoát được ra nhiều hơn.

Khi nào nên sinh thường, khi nào nên sinh mổ: Nghe chuyên gia khuyên trước khi quyết định - Ảnh 1.

ảnh minh họa.

Do vậy sau khi ra đời những đứa trẻ sinh thường sẽ linh hoạt hơn một chút so với những đứa trẻ sinh mổ.

Sinh thường đau hơn sinh mổ? Trả lời câu hỏi này PGS.TS Nha cho rằng chưa hoàn toàn đúng. Sinh thường sẽ rất đau nhưng sẽ không đau bằng so với sinh mổ. Vì cơn đau đẻ là cơn đau sinh lý, rất đau, nhưng sau khi đẻ xong cơn đau sẽ hết. Còn đau sau mổ là đau cắt da cắt thịt sẽ đau mãi về sau.

Khi nào nên sinh mổ

PGS.TS Nha cho biết: "Sản phụ sinh mổ khi không đủ những điều kiện sinh thường để đảm bảo an toàn nhất cho mẹ và bé. Mổ lấy thai thường có chỉ định rất nghiêm ngặt, tuy nhiên vẫn sẽ có những chỉ định tương đối với những trường hợp rất khó khăn khi có con, phụ nữ nhiều tuổi, lâu ngày không sinh".

Một số trường hợp, bắt buộc phải mổ đẻ như: ngôi vai, rau tiền đạo, thai quá to, đầu thai quá to… Lợi ích hàng đầu của sinh mổ là đảm bảo an toàn cho mẹ và con trong những trường hợp không thể sinh được đường dưới được.

Hệ lụy mổ lấy thai

Thứ nhất, người mẹ phải gây mê, gây tê tai biến có thể đến. Mổ lấy thai có thể gây chảy máu, dính ruột, dính bụng, tử cung…

Thứ hai, hệ lụy về sau: Người phụ nữ sẽ khó khăn có thai ở lần tiếp theo, tăng nguy cơ thai ngoài tử cung, xảy thai, ứa đọng dịch buồng tử cung, giữ thai sẽ khó khăn, lựa chọn tránh thai cho người mổ sẽ khó khăn hơn rất nhiều người không đẻ mổ.

Thứ ba, người phụ nữ có vết mổ khi không may có thai ngoài ý muốn nếu muốn bỏ thì cũng khó khăn hơn rất nhiều người không mổ thai.

Thứ tư, sau mổ bệnh nhân có thể bị đau, khi thay đổi thời tiết vết mổ cũ có thể bị đau, để lại sẹo…

Lưu ý khi sinh mổ: Phụ nữ sinh mổ nếu sau sinh sức khỏe tốt nên vận động nhẹ nhàng sẽ giúp cho cơ thể sớm trở lại bình thường. Vận động giúp cho quá trình co tử cung đào thải sản dịch ra ngoài.

Sau mổ đẻ vẫn cho con bú càng sớm càng tốt. Cơ chế tiết sữa là sinh lý vì vậy người mổ đẻ sữa vẫn về như người sinh bình thường. Nhưng về do cơ chế tâm lý cũng ảnh hưởng tới việc tiết sữa cho nên có thể khiến sữa sẽ về muộn hơn.

Vì vậy, nên cho trẻ bú sớm đứa trẻ sẽ được hưởng sữa non của mẹ giàu dinh dưỡng, miễn dịch và giúp co tử cung.

Chăm sóc vết thương sinh mổ: băng kín vết mổ trong 24h sau sinh, sau đó bỏ băng để vết mổ được khô ráo; Hàng ngày sát khuẩn bằng dung dịch Betadine; Rút chỉ sau 1 tuần hoặc 10 ngày (nếu khâu bằng chỉ không tiêu); Hai tuần sau sinh có thể bôi kem Dematiz để chống sẹo lồi.

Theo PGS.TS tỷ lệ mổ lấy thai tại BV Bạch Mai hiện nay, khoảng 50%, một số bệnh viện khác còn lên tới 70-80% là mổ chủ động lấy thai.

Trên thế giới tại Pháp tỷ lệ mổ lấy thai trong nhiều năm không có sự thay đổi chỉ dao động từ 20-30%, tùy từng vùng. Tại Mỹ, trước đây tỷ lệ mổ lấy thai cũng rất cao 60-70%, nhưng hiện nay đã giảm rất nhiều cho mọi người nhìn thấy được hệ lụy sau này của mổ lấy thai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại