Theo Izvestia, trong những năm tháng của Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Nhà máy xe tăng Ural số 183 (nay là Uralvagonzavod) đã lắp ráp 25.914 xe chiến đấu. Kể từ tháng 5/1942, cứ sau 30 phút lại có một chiếc xe tăng T-34 được sản xuất.
Năm 1942, phiên bản súng phun lửa của xe tăng OT-34-76 đã được phát triển và đưa vào sản xuất hàng loạt.
Vào tháng 01/1944, xe tăng T-34-85 đã được đưa vào biên chế các lực lượng vũ trang.
“Cả hai loại xe tăng này đều có trong bộ sưu tập của Khu triển lãm Uralvagonzavod. Xe vẫn còn đang trong tình trạng tuyệt vời và đã nhiều lần tham gia cuộc diễu hành kỷ niệm ngày Chiến thắng cấp thành phố.
Chiếc xe tăng T-34-85 cuối cùng rời khỏi băng tải nhà máy vào tháng 02/1946”, nhà sản xuất cho biết.
T-34 được đánh giá cao trong cả ba tham số quan trọng nhất với xe tăng là khả năng bảo vệ, hỏa lực và sức cơ động. Kết cấu giáp nghiêng làm tăng độ dày hiệu quả của tháp pháo, đồng thời làm đạn chống tăng đối phương dễ bị trượt đi thay vì xuyên vào trong giáp.
Những chiếc T-34-85 sở hữu pháo ZiS-S-53 cỡ nòng 85 mm với khả năng xuyên phá vượt xa dòng Panzer IV và pháo tự hành StuG III, chỉ thua kém xe tăng hạng nặng Tiger và Panther.
“Dòng xe này cân bằng được tốc độ sản xuất và mức độ phức tạp trong thiết kế, giúp nó được xuất xưởng với số lượng lớn trong khi vẫn duy trì uy lực ngang ngửa đối phương”, nhà sản xuất cho hay.
Tuy nhiên, xe tăng T-34 không phải hoàn hảo. Những biến thể đời đầu có độ tin cậy không cao, hộp số rất khó sử dụng, trong khi tổ lái phải ngồi trong khoang chiến đấu chật hẹp và không tiện nghi.
Pháo chính và kính ngắm của T-34 cũng thua kém hơn nhiều so với những xe tăng hiện đại của Đức trong Thế chiến II.