Hương Tràm bị dị ứng cấp tính, nổi từng mảng khắp người: Căn bệnh này có nguy hiểm không?

Ngọc Minh |

Sau khi, bị bong da tay đến mức chảy máu, ngày 8/1 Hương Tràm lại được bác sĩ chẩn đoán bị dị ứng cấp.

Ngày 8/1, người quản lý của Hương Tràm đã chia sẻ thông tin cô bị dị ứng cấp tính, khiến toàn thân nổi mẩn đỏ, mề đay tạo thành từng mảng lớn từ cổ, ngực xuống tay và bắp chân. Cô ca sĩ này đã đi khám và được bác sĩ phải nghỉ một thời gian.

Theo chia sẻ của người quản lý, suốt thời gian luyện tập cho show diễn sắp tới, Hương Tràm luôn phải mặc áo cổ lọ để che đi các vết dị ứng.

Do bị dị ứng vì vậy những ngày qua, Hương Tràm từ chối mọi buổi hẹn phỏng vấn trước show diễn quan trọng sẽ diễn ra vào ngày 11/1 tại Hà Nội.

Hương Tràm bị dị ứng cấp tính, nổi từng mảng khắp người: Căn bệnh này có nguy hiểm không? - Ảnh 1.

Hình ảnh ca sĩ Hương Tràm bị dị ứng chia sẻ trên mạng xã hội.

Dị ứng cấp nguy hiểm như thế nào

Bác sĩ Lương Trường Sơn, Chuyên gia da liễu, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. Hồ Chí Minh, cho hay trong cuộc đời con người ít nhất trong đời sẽ một hoặc nhiều lần bị dị ứng. Dị ứng là phản ứng miễn dịch thông thường của cơ thể với các tác nhân (dị nguyên).

Dị ứng cấp tính xảy ra khi cơ thể con người tiếp xúc với các yếu tố căn nguyên, phản ứng của cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng rất nhanh và rầm rộ, thậm chí có thể nguy hiểm tới tính mạng.

"Có những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện mề đay nổi ra bên ngoài, nhưng đôi khi cũng có biểu hiện dị ứng trong nội tạng. Nếu dị ứng nặng có thể gây ra khó thở, thậm chí lên cơn sốc phản vệ. Sốc phản vệ nếu nhưng như không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong", bác sĩ Sơn lý giải.

Có rất nhiều căn nguyên gây ra dị ứng cấp, một trong những nguyên nhân hàng đầu là dovấn đề thức ăn thực phẩm, thời tiết, tâm sinh lý – stress hoặc vui quá có thể sinh ra dị ứng mề đay, ký sinh trùng đường ruột có thể gây ra ngứa ngoài da, côn trùng do ong - muỗi - kiến đốt…, dùng thuốc tây có thể gây ra dị ứng - sốc phản vệ.

Ngoài ra, dị ứng còn có thể xảy ra ở người có bệnh lý mãn tính.

Bác sĩ BS Đỗ Xuân Khoát, Nguyên Trưởng khoa Da liễu – Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện 198) cho hay dị ứng cấp rất nguy hiểm gây phù thanh quản, khó thở đe dọa tới tính mạng, thậm chí tử vong. Dị ứng nổi mề đay là bệnh khó xác định căn nguyên, việc điều trị bệnh hiệu quả phải loại trừ được các căn nguyên gây ra dị ứng.

"Một số trường hợp bệnh nhân bị dị ứng nổi mề đay không tìm thấy căn nguyên khi đó được xếp vào nhóm tự phát mãn tính. Mề đay tự phát mãn tính bệnh nhân phải dùng thuốc suốt đời giống như các bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp", bác sĩ Khoát nói.

Theo bác sĩ Khoát dị ứng nổi mề đay được chia ra làm hai loại: thể cấp tính khi bệnh nhân bị dị ứng nổi mề đay dưới 6 tuần, thể mãn tính bệnh mắc trên 6 tuần.

Các chuyên gia khuyến cáo khi gặp vấn đề về da cần phải đi khám để xác định rõ căn nguyên và điều trị kịp thời. Cần phải tuân thủ theo điều trị của bác sĩ để tránh biến chứng có thể xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại