Hôn nhân bế tắc, người đàn ông lao vào uống rượu đến trầm cảm nặng

Lâm Ngọc/VTC News |

Bị gia đình gây áp lực phải ly hôn, anh B (SN 1984, ngụ TP.HCM) ngày đêm tự nhốt mình trong phòng, thường xuyên lo âu, uống rượu dẫn đến trầm cảm nặng.

Sinh ra trong gia đình có điều kiện, lại chăm chỉ học và luôn nỗ lực phấn đấu, lúc 28 tuổi, anh N.T.B đã đảm nhận vị trí quan trọng tại một công ty bất động sản ở TP.HCM.

Sau một thời gian tìm hiểu, anh B. kết hôn với chị N.- đồng nghiệp cùng công ty. Tuy nhiên, từ một người phụ nữ chịu thương chịu khó, tính tình hiền lành, chị N. bỗng thay đổi tính nết sau khi sinh nở.

Hôn nhân bế tắc, người đàn ông lao vào uống rượu đến trầm cảm nặng - Ảnh 1.

Cuộc sống hôn nhân bế tắc, người đàn ông lao vào uống rượu đến trầm cảm nặng. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Theo lời kể của gia đình anh B., sau khi sinh 2 con, chị N không đi làm, ở nhà cũng không chăm con, tiêu tiền không kiểm soát, đi sớm về khuya, cãi nhau với mẹ chồng.

Anh B. ngán ngẩm với cảnh sau giờ làm, bước chân về nhà phải nghe tiếng qua lại giữa mẹ và vợ. Căng thẳng kéo dài do chịu áp lực phải ly hôn vợ, anh B. bắt đầu bỏ bê công việc. Anh lao vào rượu bia và thường xuyên về nhà trong tình trạng không tỉnh táo.

Một thời gian sau, vì không đảm bảo công việc, anh B. bị sa thải. Anh nhốt mình trong phòng, uống rượu liên tục. Có lần còn dùng dao lam rạch tay, và thường xuyên nảy sinh ý định tự tử.

Thấy con tiều tụy, không ăn uống mà chỉ nằm một chỗ, hỏi không nói, gọi không trả lời, gia đình đưa anh B nhập viện Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai) để thăm khám và điều trị.

BS Nguyễn Thị Thủy, Trưởng khoa cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho biết, bệnh nhân B nhập viện trong tình trạng gầy gò, da xanh xao, đi không vững, tóc và móng tay dài, hỏi không trả lời. Bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn trầm cảm nặng.

Theo BS Thủy, bệnh nhân B phải điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, thuốc giải lo âu, nâng cao thể trạng và tư vấn thường xuyên.

Hôn nhân bế tắc, người đàn ông lao vào uống rượu đến trầm cảm nặng - Ảnh 2.

Khuôn viên Khoa cấp tính nam, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. (Ảnh: Lâm Ngọc)

BS Thủy kể: " Mỗi ngày, bác sỹ và điều dưỡng ở khoa dành 1 - 2 tiếng trò chuyện cùng bệnh nhân trong vai trò là người thân. Với tôi, tôi xem bệnh nhân B như em trai vì đây là cậu em của người bạn học với tôi. Đối với bệnh nhân B cần phải nhẹ nhàng phân tích, khuyên nhủ, động viên. Nhờ vậy mà tình trạng sức khỏe của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt".

Được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y tế của bệnh viện, sự quan tâm chăm sóc về mặt tinh thần của gia đình, chỉ sau 20 ngày, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục điều trị duy trì 6 tháng. Hiện, sức khỏe của anh B ổn định, đi làm trở lại. Anh cũng đã ly hôn vợ và đang nuôi dạy 2 con.

BS Thủy cho biết, bệnh trầm cảm là rối loạn tâm lý phức tạp, biểu hiện dưới nhiều dạng lâm sàng và hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh có khuynh hướng tiến triển mãn tính, lặp lại theo chu kỳ, các triệu chứng của bệnh biểu hiện từ nặng đến nhẹ, có thể xuất hiện những triệu chứng loạn thần hay tương tác với những rối loạn cơ thể, rối loạn tâm thần khác.

Những người bị sang chấn tâm lý mạnh do gặp phải cú sốc tinh thần quá lớn sẽ dễ mắc bệnh trầm cảm như mất người thân, áp lực trong cuộc sống, công việc, gặp vấn đề trong chuyện tình cảm, chia tay người yêu.

Ngoài ra, người lớn tuổi thường xuyên cô đơn, phiền muộn cũng dễ mắc phải. Đặc biệt, học sinh, sinh viên gặp nhiều áp lực trong học tập, người trải qua thời gian hưng cảm, phụ nữ sau sinh... là những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

"Bệnh trầm cảm nặng có thể dẫn đến tử vong, do đó không nên xem thường căn bệnh này. Khi thấy bạn bè, người thân có những dấu hiệu trầm cảm cần đưa đến gặp bác sỹ chuyên khoa càng sớm càng tốt" , BS Thủy lưu ý.

Lâm Ngọc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại