"Uống rượu bia đỏ mặt là người có tửu lượng tốt" - đây là một quan niệm mà nhiều người cho rằng là đúng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Hải Đan, chuyên khoa Nội tổng quát, quan điểm này hoàn toàn sai. Thậm chí, những người bị đỏ mặt khi uống rượu bia có nguy cơ gặp biến chứng do rượu cao hơn so với những người không có dấu hiệu này.
Vậy, vì sao bị đỏ mặt khi uống rượu bia lại nguy hiểm? Làm thế nào để sử dụng rượu bia một cách an toàn? Hãy cùng lắng nghe lý giải chi tiết của bác sĩ Hải Đan trong nội dung dưới đây.
Uống rượu bia đỏ mặt là người có tửu lượng tốt?
Vì sao bị đỏ mặt khi uống rượu bia lại nguy hiểm?
Theo bác sĩ Hải Đan, sau khi vào cơ thể, rượu được chuyển hóa chủ yếu tại gan. Quá trình này sẽ sản sinh ra acetaldehyde - một chất gây độc cho cơ thể. Sau đó, acetaldehyde sẽ được chuyển hóa thành chất không độc, cuối cùng phân hủy thành khí CO2 và nước để thải ra ngoài.
Với những người thiếu enzym chuyển hóa acetaldehyde, khi uống rượu sẽ khiến lượng acetaldehyde tăng dần trong máu, gây kích ứng thành mạch. Lúc này, mạch máu sẽ bị giãn ra, cuối cùng gây đỏ mặt và cảm giác nóng bừng mặt.
Ngoài gây đỏ mặt, chất độc acetaldehyde còn gây ra các triệu chứng như hồi hộp, tim đập nhanh, buồn nôn hoặc nôn mửa. BS Hải Đan nhấn mạnh, những người có triệu chứng này sau khi uống rượu có nguy cơ gặp biến chứng do rượu cao hơn so với những người khác.
Uống rượu như thế nào để không hại gan và các cơ quan khác trong cơ thể?
Uống rượu bia ở mức độ vừa phải và đúng cách để tránh tác động xấu tới cơ thể (Ảnh minh họa)
Không phải cứ uống rượu là sẽ có hại cho cơ thể. Rượu có hại hay không tùy thuộc vào loại rượu, lượng rượu tiêu thụ và cách uống rượu. Theo đó, bác sĩ Hải Đan đưa ra 5 lưu ý sau đây để tiêu thụ rượu một cách an toàn.
Thứ nhất, bác sĩ Hải Đan lưu ý, khi uống rượu mọi người cần uống có chừng mực. Theo khuyến cáo, nữ giới không nên uống quá 10 đơn vị rượu/tuần (tương đương không quá 8 lon bia/tuần hoặc 1 lon bia/ngày). Lượng rượu được khuyến cáo với nam giới cao gấp đôi so với nữ giới (tương đương không quá 16 lon bia/tuần hoặc 2 lon bia/ngày).
Thứ hai, mọi người nên uống rượu khi đã ăn no. Nguyên nhân là do thực phẩm có sẵn trong dạ dày hoặc ruột sẽ làm chậm quá trình hấp thu rượu và đóng vai trò như "lớp đệm" bảo vệ niêm mạc các cơ quan này.
Thứ ba, khi uống rượu để không làm tổn thương các cơ quan trong cơ thể, mọi người không nên trộn nhiều loại rượu với nhau. Việc làm này sẽ gây tăng nồng độ cồn trong máu.
Thứ tư, mọi người không nên uống rượu cùng với các loại thuốc khác, đặc biệt là thuốc kháng sinh và thuốc hướng tâm thần.
Thứ năm, mọi người nên uống nhiều nước trước, trong và sau khi uống rượu. Bởi, bản chất của rượu là một chất lợi tiểu, có thể gây mất nước cho cơ thể, biểu hiện bằng khô da, khô niêm mạc miệng,... Việc uống nước trước, trong và sau khi uống rượu sẽ giúp bù lại lượng nước đã mất.
BS Hải Đan cũng lưu ý, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú không nên uống rượu. Đặc biệt, khi uống rượu thì không lái xe.