Hôn người vừa uống bia, rượu có lây nồng độ cồn?

Như Loan/VTC News |

Nhiều người thắc mắc hôn người vừa uống bia, rượu có lây nồng độ cồn không, dưới đây là câu trả lời của bác sĩ.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), lượng cồn trong cơ thể được đào thải qua nước tiểu là chủ yếu, phần còn lại đào thải qua mồ hôi và khí thở. Khi một người uống rượu, trong hơi thở và nước bọt của họ sẽ có cồn, đặc biệt là dịch trào ngược từ dạ dày lên thì miệng có nồng độ cồn tương đối cao.

Do đó, khi hôn một người say rượu trong thời gian tương đối lâu, bạn có thể bị lây nồng độ cồn từ họ. Sau hôn, khoang miệng của bạn cũng nhiễm lượng cồn từ nước bọt hoặc dịch từ dạ dày trào ngược của người đó.

Lượng cồn đi vào khoang miệng và đường hô hấp của người hôn có nồng độ thấp, sau đó nhanh chóng bị chuyển hóa tại gan, nên không thể gây say. Do đó, khi hôn một người vừa uống rượu vẫn có thể sẽ bị lây nồng độ cồn, nhưng trường hợp này rất hy hữu.

Tại Việt Nam, theo luật, người điều khiển ôtô, xe máy, mô tô không được phép có cồn trong máu khi đang lưu thông. Do đó, khi hôn một người uống rượu say, có thể thổi cồn vẫn lên. Trường hợp này, bạn có thể yêu cầu xét nghiệm máu để có kết quả chính xác.

Chúng ta không thể tính toán tuyệt đối bao nhiêu lâu sau khi ăn uống thực phẩm chứa cồn thì lượng cồn trong hơi thở, máu sẽ hết. Trung bình, mỗi giờ cơ thể loại bỏ 15 miligam cồn trong máu. Đồ uống càng nhiều độ cồn thì thời gian để cơ thể chuyển hóa càng lâu hơn.

Tại Trung Quốc từng ghi nhận trường hợp một người phụ nữ có nồng độ cồn trong hơi thở vượt quá giới hạn pháp lý khi lái xe, vào ngày 6/6/2020. Tuy nhiên, người này khẳng định không uống rượu. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu bằng không.

Người phụ nữ giải thích rằng trước đó đã lái xe đến đón bạn trai say rượu và họ hôn nhau trước khi lên xe, nụ hôn có thể kéo dài rất lâu.

Khi hôn một người say rượu trong thời gian tương đối lâu, bạn có thể bị lây nồng độ cồn từ họ. (Ảnh minh hoạ)

Các chuyên gia khuyến cáo nam giới không nên uống quá hai đơn vị cồn một ngày, nữ giới không quá một đơn vị cồn một ngày và không uống quá 5 ngày một tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức khoảng 3/4 chai hay lon bia 330 ml (5%) hoặc một cốc bia hơi 330 ml hay một ly rượu vang 100 ml (13,5%) hay một chén rượu mạnh 30 ml (40%).

Nhiều lý do để một người không uống một giọt rượu bia nào, nhưng vẫn có nồng độ cồn trong máu và hơi thở, như các trường hợp sử dụng thuốc uống, nước súc miệng, thực phẩm lên men, hoa quả chín quá mức. Trên thực tế có khoảng 130 chế phẩm thuốc chữa bệnh, 14 chế phẩm vitamin, được bào chế dưới dạng dung dịch, thành phần bên trong có chứa cồn.

Không có thực phẩm tự nhiên nào chứa rượu, nhưng một số thực phẩm chứa tinh bột hoặc đường có thể xuất hiện phản ứng lên men chuyển hóa thành rượu theo cách tự nhiên, hoặc quá trình chế biến có thêm rượu, mặc dù là lượng rất nhỏ. Ví dụ món cá hấp bia, thịt bê sốt rượu Marsala, các món thịt hầm không có rượu sẽ mất hương vị thơm ngon. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thịt hấp nấu có bia rượu sẽ giữ lại 85% lượng cồn, thịt ướp giữ 70% lượng cồn, phải đun kĩ 150 phút thì lượng cồn mới giảm xuống còn 5% so với khi pha chế.

Các món tráng miệng nướng làm bằng vani cũng chứa cồn, thời gian nướng 15 phút vẫn giữ lại 40% cồn, nướng 60% thì lượng cồn là 25%. Các loại bánh tráng miệng như bánh châu chấu của Pháp hay một số loại bánh khác cũng chứa cồn. Giấm ăn cũng là thực phẩm chứa lượng nhỏ cồn. Phong cách nấu ăn lành mạnh không thể thiếu giấm, vì bản thân giấm nhờ vào hương vị đặc biệt mà khi khi chế biến thực phẩm sẽ giúp giảm bớt lượng muối, giảm bớt chất béo.

Vì thế, giấm đang trở nên phổ biến trong các gia đình, các chủng loại cũng dần phong phú, từ giấm bỗng rượu, giấm trắng, giấm táo, giấm rượu vang, giấm lúa mạch nha, giấm balsamic, giấm dừa, giấm nho, giấm bia. Hoa quả và trái cây chứa đường chín quá mức, một số đồ uống từ trái cây, một số loại nước tăng lực, trà kombucha cũng có thể chứa cồn.

Rõ ràng, sẽ có những người không uống một giọt rượu bia nào, nhưng họ sử dụng các chế phẩm thuốc, ăn thực phẩm hay trái cây chứa rượu, thì vẫn xuất hiện nồng độ cồn trong máu và hơi thở. Đó chính là một trong những lý do quan trọng để hầu hết các quốc gia trên thế giới không sử dụng con số giới hạn bằng 0 tuyệt đối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại