Theo thống kê, trung bình phụ nữ Nhật Bản có thể sống tới 87,45 tuổi và đàn ông sẽ đạt 81,41 tuổi. Năm 2020 cũng là năm đầu tiên số người Nhật từ 100 tuổi trở lên vượt con số 80.000, trong đó phụ nữ chiếm hơn 88%. Theo báo cáo năm 2022 của bộ Y tế, Lao động và phúc lợi Nhật Bản, số người sống hơn 100 tuổi ở Nhật Bản đã lên tới là 90.526 người, tăng gấp 5 lần so với 2 thập kỷ trước.
Giáo sư Shinya Hayasaka, Đại học Thành phố Tokyo, đã nghiên cứu những lợi ích của việc tắm hoặc thư giãn trong suối nước nóng tự nhiên "onsen" đối với sức khỏe trong hơn hai thập kỷ. Đây là một liệu pháp giúp con người thư giãn về cả thể chất và tinh thần, nâng cao sức khoẻ, ngăn ngừa bệnh tật.
Dữ liệu công bố cuối tháng 11 của tổ chức Rinnai sau khảo sát toàn quốc với 50 người ở mỗi tỉnh tại Nhật Bản cho thấy 53% người dân tắm bồn mỗi ngày vào mùa đông, trung bình 5-24 phút.
Ông Hayasaka cho biết, tắm khoáng nóng thường xuyên đem lại ba lợi ích chính cho sức khỏe. Đó là nhiệt, sức nổi trên mặt nước và áp suất thủy tĩnh. Lợi ích đầu tiên đến từ việc tăng nhiệt độ cơ thể. "Ngâm mình trong nước khoáng nóng khiến các động mạch thư giãn và giãn nở, thúc đẩy quá trình tuần hoàn", Hayasaka nói, thêm rằng nước cần nóng ít nhất 38 độ C.
Theo ông, máu mang oxy và dinh dưỡng đến tất cả tế bào (ước tính 37 nghìn tỷ tế bào) trong cơ thể, mang đi carbon dioxide cùng các chất thải khác. Chính sự thúc đẩy tuần hoàn này mang lại cảm giác phục hồi khi ngâm mình trong bồn tắm, như thể sự mệt mỏi tích tụ trong ngày "trôi đi trên một đám mây hơi nước".
Hayasaka nói thêm, nhiệt từ nước nóng làm giảm đau, giảm độ nhạy cảm của dây thần kinh, có thể giúp giảm đau lưng, cứng vai và các loại đau nhức khác. Nhiệt cũng làm mềm các dây chằng giàu collagen bao quanh khớp, khiến chúng dẻo dai hơn và giảm đau khớp.
Lợi ích thứ hai của việc ngâm mình trong bồn tắm, theo nghiên cứu, chính là giúp ngủ ngon. Đó là vì sức nổi của cơ thể khi ở trong nước giúp giảm căng cơ, cho phép cơ thư giãn.
Ngoài ra, khi ngâm mình trong bồn tắm, nước tạo áp suất thủy tĩnh lên mọi bộ phận trên cơ thể. Điều này đặc biệt có lợi cho chân và phần dưới cơ thể, giúp giảm sưng tấy khi máu từ các mạch máu bị căng trở lại tim và quá trình tuần hoàn được cải thiện.
Hayasaka từng hợp tác với các nhà nghiên cứu tại Đại học Chiba để nghiên cứu những lợi ích sức khỏe đối với 14.000 người cao tuổi trong vòng ba năm. Đáng chú ý, những người tắm khoáng nóng mỗi ngày có khả năng cần được chăm sóc điều dưỡng ít hơn 30% so với những người tắm hai lần/tuần hoặc ít hơn.
Trong một nghiên cứu khác, những người tắm mỗi ngày có nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng, chẳng hạn như đột quỵ hoặc đau tim, thấp hơn những người khác gần 30%. Đây là kết quả theo dõi sức khỏe của 30.000 người trong 20 năm của các nhà khoa học tại Đại học Osaka.
Nghiên cứu của Hayasaka cũng chỉ ra rằng tắm thường xuyên giúp giảm huyết áp và cải thiện chức năng nội mô mạch máu. Nán lại trong bồn tắm cũng có thể cải thiện lưu lượng máu trong não và hiệu quả tinh thần, đồng thời giảm khả năng mắc chứng mất trí nhớ, theo kết quả một số nghiên cứu khác.
Các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực y tế đều đồng tình với phát hiện của Hayasaka. "Sự gia tăng tuần hoàn ngoại biên và kích thích hệ thần kinh đối giao cảm là rất tốt cho sức khỏe của hệ thống mạch máu và thần kinh", Michael A. Persky, chuyên gia tai mũi họng có trụ sở tại Los Angeles cho biết.
Theo bác sĩ Jenelle Kim, người sáng lập Phòng thí nghiệm chăm sóc sức khỏe JBK (San Diego, Mỹ), ngâm mình trong nước, đặc biệt là ngâm nước chứa công thức thảo dược giúp cải thiện lưu thông máu và năng lượng sống. Đây có thể là một trong những phương pháp điều trị mạnh mẽ nhất cho tâm trí và cơ thể.
"Làn da là cơ quan lớn nhất của con người. Khi ngâm mình trong bồn nước ấm, tất cả lỗ chân lông sẽ mở ra, sẵn sàng hấp thụ các đặc tính của thảo mộc được hòa vào nước", Kim nói.
Ngoài ra, khoáng chất cùng với các nguyên tố như magie, canxi, natri, sunfat và các nguyên tố xuất hiện tự nhiên trong nước suối nóng khác có thể là phương pháp làm dịu tâm trí, cơ khớp, cải thiện tiêu hóa và tái cân bằng hữu hiệu ngay tại nhà.