Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tuổi thọ có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, chẳng hạn như di truyền, môi trường và lối sống. Trong đó, yếu tố lối sống là yếu tố tác động nhiều tới sức khỏe và tuổi thọ của chúng ta.
Các thói quen tốt có thể giúp bạn tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ. Và ngược lại, các thói quen xấu có thể tăng nguy cơ mắc bệnh và “rút ngắn” tuổi thọ.
Theo đó, thường xuyên làm 6 hành vi này trong cuộc sống có thể khiến sức khỏe suy giảm và tuổi thọ giảm sút.
6 hành vi "cắt giảm" tuổi thọ
1. Thường xuyên hút thuốc lá
Hút thuốc là một trong những tác nhân làm tăng nguy cơ mắc một số loại bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư vú,... Ngoài ra, thường xuyên sử dụng thuốc lá cũng là nguyên nhân dẫn tới bệnh tim mạch, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác.
Nicotin và các hóa chất độc hại có trong thuốc lá có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan trong cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh tật và từ đó rút ngắn tuổi thọ của chúng ta.
Ảnh minh họa.
2. Thường ăn nhiều muối, đường và chất béo ‘xấu’
Chế độ ăn nhiều muối, đường và chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Chế độ ăn nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ mắc huyết áp cao, bệnh thận. Ngoài ra, muối còn tương tác với vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) gây viêm loét dạ dày và tá tràng. Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy những người thường xuyên ăn đồ ăn mặn có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với những người khác.
Ngoài ra, chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa cũng có thể làm tăng mức cholesterol LDL có hại cho sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Còn chế độ ăn nhiều thực phẩm chứa đường có thể gây thừa cân, béo phì, kích thích sản xuất cholesterol 'xấu', làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Thường xuyên ăn các thực phẩm chứa đường cũng có thể thúc đẩy quá trình lão hóa ở các tế bào trong cơ thể.
Ảnh minh họa.
3. Ít tập thể dục
Ít tập thể dục kèm theo một chế độ ăn kém lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ béo phì, từ đó dẫn đến nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính như tim mạch, đột quỵ, huyết áp cao, tiểu đường,...
Tuy nhiên, việc tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh mạn tính kể trên. Ngoài ra, có rất nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tập thể dục thường xuyên còn giúp duy trì chức năng nhận thức, tăng cường sức khỏe tổng thể, từ đó góp phần kéo dài tuổi thọ.
4. Thường xuyên thức khuya
Thường xuyên thức khuya có thể gây thiếu ngủ và ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Thiếu ngủ trong thời gian dài có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn. Ngoài ra, thiếu ngủ, ngủ không sâu giấc cũng sẽ làm rối loạn nhịp sinh học, có thể dẫn đến tình trạng thay đổi nội tiết tố và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người ngủ ít hơn 6-7 tiếng mỗi đêm có thể nguy cơ bị béo phì, huyết áp cao, bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác cao hơn. Các bệnh lý này đều gián tiếp gây ảnh hưởng tới tuổi thọ.
Ảnh minh họa.
5. Uống quá nhiều rượu
Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư, gây tổn thương gan, tăng huyết áp.
Một nghiên cứu của Đại học Oxford cũng đã chỉ ra rằng sử dụng quá nhiều rượu bia có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa sinh học.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người sử dụng nhiều rượu có telomere ngắn hơn (telomere là một phần trong nhiễm sắc thể liên quan đến lão hóa và khả năng khởi phát các vấn đề sức khỏe khác nhau).
6. Thường xuyên căng thẳng
Căng thẳng kéo dài có liên quan đến sức khỏe và tuổi thọ của bạn. Căng thẳng mạn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, bao gồm bệnh tim mạch, trầm cảm,...
Các nhà nghiên cứu từ Viện Sức khỏe và Phúc lợi Phần Lan đã tiến hành nghiên cứu để xem xét tác động của lối sống đến tuổi thọ ở nam giới và nữ giới. Theo đó, căng thẳng kéo dài có thể làm giảm 2,3 năm tuổi thọ ở cả nam và nữ giới.