Học sinh đeo kính chống giọt bắn đến lớp: Bác sĩ Bệnh viện Mắt chỉ ra 3 tác hại cho mắt trẻ

Bảo Lâm |

Hiện nay một số trường học cho học sinh đeo tắm chắn giọt bắn để ngồi học. Theo các bác sĩ đây là cách làm không thực tế và ảnh hưởng tới mắt của trẻ.

Ảnh hưởng tới mắt

Theo Bác sĩ Hoàng Cương – Bệnh viện Mắt trung ương, việc đeo tấm chắn bằng meka hoàn toàn không tốt thậm chí ảnh hưởng tới mắt của trẻ nếu đeo quá lâu.

Bác sĩ Cương cho biết, hiện trẻ nhỏ đang bị áp lực quá nhiều cho mắt từ học online 2-3 tiếng ngày và nếu đến trường tiếp tục đeo kính che giọt bắn thì càng nguy hiểm cho đôi mắt của trẻ hơn.

Học sinh đeo kính chống giọt bắn đến lớp: Bác sĩ Bệnh viện Mắt chỉ ra 3 tác hại cho mắt trẻ - Ảnh 1.

Học sinh đeo kính chắn

Bác sĩ Cương cho biết, những ảnh hưởng của việc đeo tấm chắn mắt có thể có 3 tác hại:

Thứ nhất, trẻ bị cận thị và cận thị tăng số nhanh.

Thứ hai, khô mắt với các triệu chứng khó chịu như: chói, cộm, dàn dụa nước mắt, nhìn mờ thoáng qua, không tiếp tục công việc/học tập được hoặc giảm tập trung.

Thứ ba, mỏi mắt, đau đầu, rối loạn và co quắp điều tiết: mỏi mắt, cảm giác giật mắt, đau nhức trong hốc mắt, nhìn mờ cả xa và gần thoáng qua… là những khó chịu ai cũng đã từng bị khi làm việc với máy tính do mệt mỏi thị giác, tình trạng co cơ mắt hay mệt mỏi điều tiết. Nó báo hiệu có điều gì đó không ổn và nên thay đổi tốt hơn là nghỉ ngơi.

Thời gian này, trẻ học online nhiều cũng là lúc cha mẹ cần chăm sóc mắt cho trẻ, theo bác sĩ Cương, trẻ có thể bị mỏi mắt, chảy nước mắt, đau rát mắt khi học ở nhà.

Cha mẹ nên chủ động khai thác và bổ sung cho con nước muối rửa mắt hoặc nước mắt nhân tạo, chất bôi trơn mắt khi trẻ có khó chịu như trên. Thuốc chống mỏi mắt dạng nhỏ tác dụng chậm và không giải tỏa tình trạng mỏi mắt tức thời vì chứa vitamine nhóm B, chorondine sunfat...nhưng vẫn có thể dùng thử.

Không cần thiết

Về mặt phòng bệnh Covid-19, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng việc học sinh mang nón che giọt bắn liên tục khi đến trường là không cần thiết.

Theo bác sĩ Khanh, trong lớp học, trẻ ngồi theo một hướng cố định, xuôi chiều và không đối mặt với nhau nên việc sử dụng nón che giọt bắn lúc này cũng không có tác dụng nhiều.

Nón che giọt bắn chỉ phát huy hiệu quả và thật sự cần thiết trong trường hợp mặt đối mặt, giao tiếp trực tiếp.

Bác sĩ Khanh cho biết sử dụng kính che giọt bắn còn có thể gây hại cho trẻ nếu trẻ vô tình nô nghịch, đùa nhau. 

Hơn nữa, trong tình huống đi học như hiện nay, bác sĩ Khanh cho rằng chỉ đeo khẩu trang là đủ. Bố mẹ nên hướng dẫn con cái việc mang khẩu trang, rửa tay đúng cách. Khi ra chơi không tập trung đông lại với nhau, không ăn chung đồ của nhau và đặc biệt không đưa tay lên vùng mũi, miệng.

Thường xuyên rửa tay bằng cồn khô để phòng bệnh và tiêu diệt virus.

Đối với học sinh, nếu phải đeo kính che giọt bắn trong thời gian dài sẽ rất khó chịu nhất là với trẻ phải đeo kính do tật khúc xạ.

Trong dịch Covid-19, trẻ em ít bị ảnh hưởng hơn người lớn. Tuy nhiên, bác sĩ Khanh khuyến cáo cha mẹ nên chú ý tăng cường chất dinh dưỡng cho con.

Học sinh đeo kính chống giọt bắn đến lớp: Bác sĩ Bệnh viện Mắt chỉ ra 3 tác hại cho mắt trẻ - Ảnh 2.

Học sinh đeo kính chắn ngồi học

Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, nhà trường và phụ huynh nên khuyến khích các em uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh và trái cây, tăng cường các loại vitamin và khoáng chất. 

Đặc biệt, việc uống đủ nước và ngủ sớm, đủ giấc rất quan trọng trong việc giữ sức khỏe cho học sinh cũng như người lớn trong mùa dịch bệnh.

Các trường học sử dụng máy đo nhiệt độ hồng ngoại để kiểm soát thân nhiệt của học sinh, bác sĩ Khanh chia sẻ nếu sử dụng máy đo thân nhiệt đó phát hiện trẻ sốt thì rất an toàn bởi độ tin cậy rất cao. 

Tuy nhiên, nếu bắn cùng lúc 2-3 lần thì có thể làm lệch nhiệt độ. Nếu sử dụng để lọc luồng người phải sử dụng cùng lúc nhiều máy để xen kẽ mới có kết quả chính xác nhất.

Bác sĩ Khanh cũng lưu ý thêm phụ huynh nên chuẩn bị cho bé 2 túi zip, 1 túi để khẩu trang sạch, 1 túi để khẩu trang dơ (bẩn). Người lớn cũng có thể làm theo cách này khi đi làm.

Với trẻ, khi có các triệu chứng sổ mũi, sốt, ho, thở khò khè do viêm họng, viêm phế quản... thì phải đến bệnh viện khám thông thường, qua đó bác sĩ đánh giá các yếu tố nguy cơ để có cách phòng, ngừa và điều trị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại