Rối loạn cảm xúc lưỡng cực là một dạng bệnh tâm thần, có tỷ lệ 1% dân số, bệnh gặp cả ở nam và nữ, ở mọi lứa tuổi từ 15 trở lên.
Trong giai đoạn hưng cảm của bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực bệnh nhân thường có biểu hiện hoang tưởng tự cao.
Hoang tưởng tự cao là gì?
Hoang tưởng tự cao là các ý nghĩ sai lầm, cho rằng mình rất tài giỏi, giàu sang, có những khả năng đặc biệt...
Các ý nghĩ này luôn có ở bệnh nhân và chi phối mọi hành vi của họ. Bệnh nhân đề cao mình quá mức bình thường, nếu nhẹ thì bệnh nhân giảm sự tự phê bình, nặng hơn thì bệnh nhân tự đề cao mình rõ ràng và có thể đạt đến mức độ hoang tưởng.
Người bệnh có thể nêu các ý kiến về các vấn đề mà họ không hề biết trước đây.
Mặc dù không có một chút kinh nghiệm hoặc khả năng đặc biệt nào, bệnh nhân vẫn bắt tay vào viết tiểu thuyết hoặc viết giao hưởng, hoặc công bố một công trình bất khả thi.
Khi ý tưởng tự cao ở mức độ nặng, chúng có thể phát triển thành hoang tưởng tự cao.
Hoang tưởng này hay gặp trong giai đoạn hưng cảm nặng. Bệnh nhân cho rằng mình có nhiều tài năng, có khả năng đặc biệt như có mối liên hệ với chúa trời hoặc với một số nhân vật chính trị nổi tiếng, các lãnh tụ tôn giáo hoặc các nghệ sĩ lớn.
Hoang tưởng tự cao có thể xuất hiện vài ngày hoặc vài tuần sau khi có một giai đoạn hưng cảm. Bệnh nhân hưng cảm có hoang tưởng tự cao thường hồi phục không hoàn toàn và khó điều trị hơn người bệnh hưng cảm không có hoang tưởng tự cao.
Điều trị cho bệnh nhân tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia.
Các triệu chứng khác đi kèm hoang tưởng tự cao
Ngoài hoang tưởng tự cao, bệnh nhân luôn đi kèm các triệu chứng sau đây:
Khí sắc tăng: Khí sắc tăng trong một giai đoạn hưng cảm biểu hiện là hưng phấn, phấn khích và vui sướng quá mức.
Khí sắc tăng được nhận thấy bởi những người xung quanh, biểu hiện bền vững hầu như cả ngày, bệnh nhân mất khả năng tự phê phán trong quan hệ với mọi người, trong quan hệ tình dục và trong nghề nghiệp.
Ví dụ: Người bệnh có thể chấp nhận dễ dàng đi chơi với người lạ hoặc gọi điện hẹn hò với người lạ trong lần đầu tiên quen biết. Đây được coi là một triệu chứng quan trọng của giai đoạn hưng cảm.
Giảm nhu cầu ngủ: Giảm nhu cầu ngủ có ở hầu hết các bệnh nhân trong giai đoạn hưng cảm và gần như hằng định.
Bệnh nhân thức dậy sớm hơn bình thường vài giờ, nhưng không hề thấy mệt mỏi, trái lại họ tự cảm thấy tràn trề sức sống. Khi rối loạn giấc ngủ quá nặng, bệnh nhân có thể thức một, hai ngày không cần ngủ mà không cảm thấy mệt mỏi gì.
Nói nhiều, nói nhanh: Trong giai đoạn hưng cảm, bệnh nhân thường có áp lực phải nói, giọng của họ to, nói nhanh và khi đã nói thì khó làm họ ngừng lại. Bệnh nhân có thể nói không ngừng suốt cả ngày, họ nói về mọi chủ đề.
Thường họ đang nói về chủ đề này, họ nhảy ngay sang chủ đề khác. Ngôn ngữ được đặc trưng cho đùa cợt, chơi chữ và xấc láo để mua vui.
Bệnh nhân có thể trở thành người nói năng hời hợt, đại khái biểu hiện qua nét mặt và lối diễn đạt. Họ luôn gây ồn ào bằng cách nói về một nội dung nào đó, thay đổi luật lệ lựa chọn từ.
Vui vẻ quá mức: Bệnh nhân luôn biểu hiện thái độ vui vẻ quá mức với bất kỳ sự vật hiện tượng nào xảy ra xung quanh.
Họ thể hiện nét mặt vui sướng, thái độ hân hoan, nói cười huyên thuyên. Bệnh nhân thường ca hát, đọc thơ, diễn kịch một cách say sưa mà không cần biết người xung quanh có muốn thưởng thức hay không.
Do ca hát liên tục, họ gây ồn ào và phiền toái cho những người xung quanh, đặc biệt vào giờ làm việc hoặc giờ ngủ.
Ý nghĩ nhanh: Ý nghĩ của bệnh nhân có thể tăng nhanh về tốc độ, nhưng các ý nghĩ này vẫn có mối liên kết với nhau.
Một số bệnh nhân có giai đoạn hưng cảm cho rằng các ý nghĩ của họ xuất hiện chồng chéo đan xen lẫn nhau giống như chúng ta theo dõi đồng thời 2 hoặc 3 chương trình vô tuyến.
Khi bệnh nhân có bùng nổ về ý nghĩ, họ nói nhanh gần như liên tục, chuyển đột ngột từ chủ đề này sang chủ đề khác.
Phân tán chú ý: Bệnh nhân biểu hiện rõ ràng là mất khả năng tập trung chú ý. Họ không tập trung vào một công việc nhất định nếu có các kích thích từ bên ngoài.
Do đó họ thường can thiệp vào mọi việc xung quanh, gây ồn ào, nói chuyện quá to hoặc di chuyển đồ đạc trong phòng. Nhìn chung, bệnh nhân giảm khả năng phân biệt giữa các vấn đề chủ yếu và các vấn đề khác ít hoặc không quan trọng.
Tăng hoạt động ưa thích: Bệnh nhân thường tăng hoạt động quá mức cho một mục đích như nghề nghiệp, chính trị tôn giáo. Họ có thể mua sắm rất nhiều, vượt xa khả năng chi trả của họ, khiến họ tiêu rất nhiều tiền (mua hàng chục đôi giày, vô số quần áo...).
Người bệnh có thể tham gia kinh doanh (mặc dù không hề có tí kinh nghiệm nào), gây ra các tổn thất về tài chính to lớn cho bản thân, gia đình và cơ quan.
Họ luôn làm phiền người khác như quấy rầy hàng xóm, người quen biết, gọi điện cho bạn trong đêm khuya, thậm chí gọi điện cho người lạ bất cứ giờ nào trong đêm. Tuy nhiên, họ không cho rằng mình quấy rầy, làm phiền đến người khác.
Điều trị cho bệnh nhân có hoang tưởng tự cao thế nào?
Bệnh nhân có hoang tưởng tự cao thường phải điều trị nội trú trong bệnh viện tâm thần do họ không thừa nhận bệnh nên không chịu uống thuốc.
Khi hết hoang tưởng tự cao, họ có thể được ra viện, về tiếp tục điều trị củng cố tại nhà. Các bệnh nhân này cần uống thuốc điều trị củng cố suốt đời.
Các loại thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trong điều trị hoang tưởng tự cao là một số thuốc chống co giật (valproat, carbamazepin), phối hợp với thuốc an thần không biệt định (quetiapin, olanzapin, risperidon, ziprasidon, aripiprazol, clozapin).
Nếu bệnh nhân kích động nhiều thì nên phối hợp thêm với các thuốc benzodiazepin (bromazepam, clonazepam).
Trong trường hợp bệnh nhân chấp nhận uống thuốc thì nên ưu tiên dùng thuốc uống. Dạng thuốc tiêm chỉ nên áp dụng khi bệnh nhân từ chối điều trị hoặc khi không thể uống thuốc bằng miệng.