Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa phê chuẩn lệnh ngừng bắn do các bên tham chiến tại Libya đạt được cuối tuần qua, đồng thời kêu gọi các bên hãy thực thi cam kết này một cách trọn vẹn.
Các thành viên Hội đồng Bảo an hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn vừa được ký ở Geneva dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc và kêu gọi các bên hãy quyết tâm đạt được giải pháp chính trị cho Libya trong cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 9/11 tới tại Tunisia.
Trước đó, thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn cho Libya đạt được sau 5 ngày đàm phán với Liên Hợp Quốc đóng vai trò trung gian.
Thỏa thuận này là “bước ngoặt” quan trọng hướng tới hòa bình và ổn định đối với đất nước Bắc Phi vốn đã hứng chịu những hậu quả nặng nề do chiến tranh kéo dài.
Ý nghĩa của thỏa thuận đối với hòa bình và ổn định ở Libya
Cuộc nội chiến ở Libya bùng phát từ nằm 2011 và kéo dài tới nay với tình trạng chia rẽ chính trị, xung đột và bạo lực leo thang cùng với sự can thiệp mạnh mẽ từ bên ngoài.
Hậu quả của nó là một đất nước Libya bị tàn phá tan hoang, hàng nghìn người chết và bị thương, trong khi hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Do đó việc các bên ở Lybia vừa đạt được thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn trên toàn quốc có ý nghĩa to lớn. LHQ và dư luận quốc tế mô tả thỏa thuận này là một bước cơ bản hướng tới hòa bình và ổn định ở Libya.
Các bên trung gian quốc tế thì mô tả thỏa thuận là "thành công đầu tiên". Thành tựu này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho tương lai của Libya.
Theo thỏa thuận này, tất cả các đơn vị quân đội và các nhóm vũ trang trên tiền tuyến sẽ trở về doanh trại, rút tất cả lính đánh thuê và chiến binh nước ngoài khỏi lãnh thổ Libya trong khoảng thời gian tối đa là ba tháng ngay lập tức.
Tầm quan trọng của thỏa thuận này là khẳng định sự thống nhất các vùng lãnh thổ của Libya, tôn trọng nhân quyền và các quy tắc của luật pháp quốc tế, cũng như một lệnh ngừng bắn hoàn toàn áp dụng kể từ thời điểm ký.
Chiến sự tại Libya. Ảnh: NYT
Tuy nhiên, đây mới là khởi đầu và các bên ở Libya cần tuân thủ thỏa thuận, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết cũng như tránh các sự can thiệp từ bên ngoài và thúc đẩy các cuộc đàm phán tiếp theo dưới sự bảo trợ của cộng đồng quốc tế.
Vai trò của các nước phương Tây trong việc đạt được thỏa thuận
Cuộc chiến ở Libya là cuộc chiến ủy nhiệm, là sự cạnh tranh giữa các cường quốc ở khu vực và phương Tây nhằm mở rộng ảnh hưởng cũng như thu lợi từ nguồn dầu mỏ khổng lồ của Libya.
Đó là sự đối đầu giữa lực lượng miền Đông được Nga, Ai Cập và một số quốc gia Trung Đông hậu thuẫn với lực lượng miền Tây được Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, LHQ, và một số quốc gia phương Tây ủng hộ.
Nhưng Libya chưa bao giờ đạt được sự đồng thuận, hỗ trợ tích cực và thành công như hiện nay khi các nước láng giềng như Ai Cập, Marốc, Tunisia và trung gian quốc tế như LHQ, Đức, Pháp ủng hộ mạnh mẽ, có tiếng nói chung.
Chính trong các lực lượng ở Libya tự nhận thấy rõ sự cần thiết phải đối thoại và hòa giải nội bộ vì lợi ích và nguyện vọng của chính người dân Libya, cũng như các bên có sự nhương bộ để có các cuộc đàm phán thành công vừa qua.
Các nước phương Tây thực tế cũng quá mệt mỏi với cuộc xung đột phức tạp này khi không chỉ tiêu tốn tiềm lực, kinh tế mà còn tạo thêm nhiều kẻ thù, gia tăng khủng bố, gia tăng người tị nạn tràn vào phương Tây.
Trong cuộc chơi này, có thể có những thỏa thuận hoặc nhượng bộ ngầm giữa các bên ủy nhiệm để có được sự đồng thuận trong giải quyết xung đột ở Libya. Từ Nga, Mỹ, EU, LHQ đều hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn ở Libya và nhấn mạnh tới một giải pháp chính trị bền vững. Đó là một trong những yếu tố đang giúp Libya đi tới hòa bình và ổn định.
Việc thực thi thỏa thuận này liệu có khả thi?
Với nhiều yếu tố tác động bên trong và bên ngoài cùng với sự phức tạp của tình hình thì không ai dám chắc việc thực thi thỏa thuận này có khả thi hay không.
Nhưng dù sao thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được đã mang lại tia hy vọng cho người dân Libya về một tương lai tươi sáng khi trải qua nhiều năm chiến tranh và chia rẽ, nghèo đói và dịch bệnh. Thỏa thuận thực tế rất mong manh.
Vì vậy, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã phải kêu gọi tất cả các bên liên quan và các tác nhân khu vực tôn trọng các quy định của thỏa thuận ngừng bắn và đảm bảo việc thực hiện nó không chậm trễ.
Ông Guterres cũng kêu gọi các bên ở Libya duy trì động lực hiện tại và thể hiện cùng quyết tâm đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, giải quyết các vấn đề kinh tế và giải quyết tình hình nhân đạo đồng thời khẳng định "không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột ở Libya.
Đại diện LHQ về Libya Stephanie Williams lo ngại trước sự can thiệp rất lớn từ bên ngoài. Ngoài ra, Libya còn chịu một mối đeo dọa và phá hoại khác là các nhóm khủng bố.
Các giới ngoại giao quốc tế cảnh báo rằng có các bên trong khu vực, đứng đầu là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm cách phá hỏng thỏa thuận này.