Hành trình "ly kỳ" phục dựng hiện trường hệ thống RO Hoà Bình và cái lạnh người của vị tiến sĩ

Ngọc Minh |

Để có hệ thống RO phục dựng nguyên trạng tới 99% chi tiết giúp tiến hành được thực nghiệm khoa học ngày 5/8 là không hề dễ dàng.

Cuộc thương thảo với người dân đã thu gom được hệ thống RO

Ngày 5/8, Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) đã tiến hành thực nghiệm khoa học vụ tai biến chạy thận, để chứng minh nguyên nhân làm 8 bệnh nhân chạy thận chết không phải do hóa chất HF mà là do nước bẩn đã chảy vào tank cấp nước cho việc chạy thận (do 3 van K1,K2, K3 bị hỏng hy hữu) đã được nêu trong luận điểm khoa học trước đó.

Việc Viện Trang thiết bị và Công trình y tế phục dựng gần như nguyên vẹn (99%) hệ thống cấp nước RO trong vụ tai biến chạy thận tại Hòa Bình để thực nghiệm lại sự cố khiến phóng viên thực sự ngỡ ngàng.

Trước đó, sau khi xảy ra sự cố chạy thận toàn bộ hệ thống RO (RO1 và RO2) tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đã bị tháo dỡ để lắp hệ thống mới thay thế. Một phần hệ thống RO đã được bán thanh lý sắt vụn sau một năm xảy ra sự cố.

Trao đổi với PV về quá trình đi tìm lại vật chứng và phục dựng lại hệ thống RO nguyên trạng, TS. Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (TTB&CTYT) cho hay, sau phiên tòa phúc thẩm vụ án chạy thận ở Hòa Bình kết thúc.

Bộ Y tế đã giao cho Viện nghiên cứu kể cả nghiên cứu thực nghiệm hiện trường hệ thống lọc nước RO1 và RO2 nếu có đủ điều kiện nhằm tìm ra nguyên nhân khoa học thực sự cho người bệnh trong tai biến nhằm quản lý rủi ro, tăng cường chất lượng khám bệnh chữa bệnh.

Hành trình ly kỳ phục dựng hiện trường hệ thống RO Hoà Bình và cái lạnh người của vị tiến sĩ - Ảnh 1.

Bên trái ảnh chụp hệ thống RO 2 trước khi bị tháo dỡ, bên phải hệ thống RO2 phục dựng lại nguyên trạng chính xác chi tiết tới 99%.

"Tôi nhớ đầu tháng 7 Viện nhận được nhiệm vụ khoa học trên. Bài toán hóc búa đặt ra với Viện là xây dựng một hệ thống mới hay đi tìm lại những hệ thống RO cũ để phục dựng lại. Với cách tư duy của những người làm khoa học tôn trọng bằng chứng khách quan, chúng tôi đã quyết định đi tìm lại hệ thống RO cũ của Hòa Bình", ông Hải nói.

TS. Hải bộc bạch, sau phiên tòa phúc thẩm ngày 19/7 viện đã báo cáo những luận chứng khoa học dựa trên phân tích từ kết luận điều tra, cáo trạng bản án và bản vẽ, chưa thực nghiệm trên hệ thống RO. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ Bộ Y tế giao Viện nhanh chóng bắt tay vào công việc tìm lại toàn bộ hệ thống RO để phục dựng lại.

Qua một nguồn thông tin TS. Hải biết được hệ thống toàn bộ hệ thống RO của Hòa Bình đang ở trong một bản ở huyện Lương Sơn, Hòa Bình do một người dân tộc sở hữu.

Tuy nhiên, để chắc chắn đó là hệ thống RO bị thanh lý TS. Hải đã phải nhờ tới một kỹ sư tên Quân trên Hòa Bình tới nơi xác nhận.

"Khi anh Quân tìm đến nhà của người dân tộc chủ nhân được cho là đã thu mua hệ thống RO của Hòa Bình thì các thiết bị này được xếp thành một đống, phủ bạt, các ống cũ tháo rời để trong kho. Tôi có gửi bức ảnh chụp hệ thống RO của Hòa Bình trước khi bị tháo dỡ thì đúng với bộ RO bị tháo rời này.

Tôi có nhờ anh Quân bằng mọi giá, thương thảo mua giúp tôi toàn bộ hệ thống RO tại đó", TS. Hải cho hay.

Sau gần 1 tuần thương thảo với chủ nhân của đống phế liệu, kỹ sư Quân đã mua được toàn bộ hệ thống RO. Ngày 3/7 hai xe ô tô tải từ Hà Nội lên Hòa Bình chở vật chứng quan trọng về Viện.

"Chúng tôi đã quá may mắn khi thu thập lại được hệ thống toàn bộ RO2 và tank RO1, trong khoảng thời gian không quá dài. Khi hệ thống RO2 có mặt tại Hà Nội chúng tôi vẫn không tin nổi vì sao nó vẫn còn đầy đủ các chi tiết tới vậy và vì sao chúng tôi lại làm được "- TS. Hải nói.

RO2 có nhưng hệ thống RO1 ở đâu?

Việc tìm kiếm hệ thống RO trong sự cố Hòa Bình tưởng như đã hoàn thành thì các kỹ sư của Viện phát hiện ra còn thiếu hệ thống RO1.

"Vậy RO1 hiện tại đang ở đâu lại là một câu hỏi lớn. Qua nguồn thông tin tôi biết được hệ thống RO1 hiện tại đang nằm trong kho của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.

Tôi đã đề nghị Bộ Y tế gửi công văn mượn Bệnh đa khoa Hòa Bình để phục vụ nghiên cứu khoa học. Khi tiếp cận được với hệ thống RO1 ở trong kho của bệnh viện, thì nó bị tháo rời từng bộ phận không kém gì RO2. Ngày 11/7, bộ RO1 đó đã lên đường về Hà Nội", TS. Hải kể.

Hành trình ly kỳ phục dựng hiện trường hệ thống RO Hoà Bình và cái lạnh người của vị tiến sĩ - Ảnh 2.

Hệ thống RO1 phục dựng lại.

Theo TS. Hải từ hai hệ thống đã bị tháo rời, cắt thành từng mảnh, bài toán phục dựng lại nguyên trạng là chuyện không hề dễ dàng với kỹ sư của Viện.

Hệ thống điện làm kỹ sư "toát mồ hôi"

Là một trong những kỹ sư trực tiếp tham gia phục dựng lại hệ thống RO Ths Hà Quang Thanh, Viện Trang thiết bị và Công trình y tế chia sẻ, anh là một người rất may mắn vì đã từng tiếp cận với hệ thống khi chưa được tháo rỡ.

Nhờ vậy mà Ths Thanh có cơ sở để phục dựng lại hệ thống RO1 và RO2 chính xác, phù hợp với các thông số kỹ thuật. Cùng với bản vẽ của Quốc vẽ lại càng củng cố thêm tính khoa học khi phục dựng lại.

Hành trình ly kỳ phục dựng hiện trường hệ thống RO Hoà Bình và cái lạnh người của vị tiến sĩ - Ảnh 3.

Để nối lại hệ thống điện các kỹ sư đã mất 3 ngày làm việc.

Song song với công việc đo khoảng cách kích thước của hệ thống, phục dựng mô hình vị trí kích thước và ghép các ống… cũng gấp rút được làm ngay sau đó.

Tuy nhiên, bài toán hóc búa nhất đối với các kỹ sư của Viện đó chính là hệ thống điện để khởi động chức năng của toàn hệ thống RO (bơm, lọc, rửa…) Chúng tôi đã mời thêm chuyên gia về điện tới nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu phải thay bằng hệ thống mới.

Phục dựng mô hình đã hoàn thành sau khi khảo sát lại các thiết bị thu lượm được cùng với bản vẽ đã lắp ráp lại cho phù hợp với sơ đồ và nguyên lý của hệ thống. Nguyên tắc đảm bảo được sử dụng hết các thiết bị hệ thống đã có.

Ths Thanh cho hay: "Chúng tôi tiếp nhận tủ điều khiển thiết bị với hệ thống dây điện đã bị tháo bung như một mớ mạng nhện đan vào nhau. Thực sự rất là lo lắng không biết đấu nối điện như thế nào để có thể khởi động được hệ thống.

Sau đó, chúng tôi nghiên cứu từng bước cẩn trọng, khoa học dựa trên nguyên lý hoạt động của hệ thống. Cuối cùng hệ thống điện, mạch điện điều khiển hệ thống đã được khôi phục lại nguyên trạng với các linh kiện của tủ điều khiển thu lượm được.

Chúng tôi đã mất 3 ngày làm việc căng sức để phục dựng hệ thống điện, có những buổi trưa quên ăn và kết quả chúng tôi đã được đền đáp xứng đáng".

Lạnh người và bàng hoàng khi làm thực nghiệm

Hành trình ly kỳ phục dựng hiện trường hệ thống RO Hoà Bình và cái lạnh người của vị tiến sĩ - Ảnh 4.

Các dấu tích chữ viết Bùi Mạnh Quốc ghi chú trên ngày thay các cột lọc, đánh dấu van... vẫn còn nguyên vẹn.

TS. Hải cho biết, ông và các kỹ sư cùng các chuyên gia đã mất 6 ngày phục dựng lại hệ thống RO về nguyên trạng tới 99%. Hệ thống RO phục dựng lại chính xác tới từng mảnh cắt của đường ống, đặt đúng vị trí của từng vật chứng, chữ viết của Quốc ghi khi thay màng lọc vẫn còn nguyên.

"Hệ thống điện và hệ thống nước phục hồi nguyên trạng và đúng chức năng. Thậm chí các vết bẩn vẫn để nguyên không lau. Cả 2 hệ thống nguyên số Serial trùng với hồ sơ của bệnh viện. Hình ảnh chụp trước và cho tới khi phục dựng xong chính xác tới từng chi tiết.

Trong đó, vẫn giữ được 1/3 van bị hỏng (hai van hỏng bị thất lạc) theo kết luận điều tra", TS Hải chia sẻ.

"Khi tiến hành thực nghiệm tôi cảm thấy lạnh người và bàng hoàng. Bởi vì, khi thực nghiệm khoa học theo chuỗi hành động của Quốc thì không thể tồn dư HF.

Tôi có thể khẳng định 8 nạn nhân tử vong hôm đó trong sự cố y khoa không phải do HF mà phải là nhiễm đa chất, không thể chứng minh được là còn tồn dư HF khi bồn chứa RO2 đã được tiệt trùng và cạn sạch nước", ông Hải nói.

Theo ông Hải việc đi tìm và phục dựng lại hệ thống RO để thực nghiệm mục đích để tìm ra nguyên nhân thực sự và từ đó ngành y tế có thể rút kinh nghiệm trên toàn ngành.

"Giờ đây, nếu tôi biết nguyên nhân xảy ra sự cố Hòa Bình mà không làm tôi sẽ trở thành người có tội và chắc chắn cả cuộc đời này tôi sẽ không tha thứ cho chính mình", ông Hải nói.

Ông Hải tiết lộ thêm, trong thời gian sắp tới dựa trên những những thực nghiệm trên hệ thống RO xảy ra sự cố Viện sẽ viết báo cáo khoa học gửi cho tạp chí khoa học quốc tế thẩm định và công bố.

Công trình phục dựng này không chỉ là bài học cho ngành y tế Việt Nam, mà còn là bài học quản lý rủi ro về trang thiết bị y tế trên toàn thế giới. Đặc biệt, là các nước đang phát triển như Việt Nam đang trong quá trình chuyển giao công nghệ, trang thiết bị y tế.

Đọc thêm bài cùng tác giả Ngọc Minh, tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại