Đã có tổ chức nghề nghiệp gửi kiến nghị Giám đốc thẩm vụ án chạy thận Hoà Bình vì "có nhiều sai phạm"

Ngọc Minh |

Mới đây, ông Phạm Văn Học, Phó chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân đã đại diện cho Hội bệnh viện tư nhân gửi kiến nghị Giám đốc thẩm toàn bản án tai biến chạy thận BVĐK Hòa Bình.

Kiến nghị toàn bản án

Với 20 năm kinh nghiệm làm trong ngành Viện Kiểm soát, ông Học cho biết, khi được tiếp cận với hồ sơ bản án, ông Học đã rất băn khoăn về những sai sót, vi phạm luật của cơ quan điều tra, truy tố và xét xử với vụ án tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Trên cương vị là Phó chủ tịch Hội bệnh viện tư nhân, ông Học cũng đã nghiên cứu toàn bộ bản án và các tài liệu, chứng cứ có liên quan. Ông Học nhận thấy việc áp dụng pháp luật hình sự, khởi tố, truy tố và xét xử, áp dụng hình phạt với các bị cáo trong vụ án chưa thật sự thuyết phục.

Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các cơ quan tố tụng của tỉnh Hòa Bình đã bỏ qua nhiều tài liệu chứng cứ đặc biệt quan trọng có thể làm thay đổi cơ bản bản chất vụ án. Nhiều quy định của Luật tố tụng hình sự, Luật khám bệnh, chữa bệnh… chưa được áp dụng.

Qua theo dõi quá trình giải quyết vụ án trong suốt hơn 02 năm qua, ông Học nhận thấy điều tra, truy tố và xét xử ở cả hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm các cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình bộc lộ nhiều sai sót, vi phạm, cụ thể như sau:

- Nội dung, kết luận, quyết định của bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.

- Trong quá trình giải quyết vụ án có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.

Đã có tổ chức nghề nghiệp gửi kiến nghị Giám đốc thẩm vụ án chạy thận Hoà Bình vì có nhiều sai phạm - Ảnh 1.

Ông Học đã đại diện cho Hội bệnh viện tư nhân kiến nghị giám đốc thẩm.

- Bản án sơ thẩm và Phúc thẩm còn có nhiều sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam làm đơn kiến nghị gửi cho Viện trưởng viện kiểm sát cấp cao tại Hà Nội, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà nội, quyết định kháng nghị toàn bộ bản án hình sự phúc thẩm số 20/2019/HS-PT ngày 19/06/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình để xét xử theo trình tự giám đốc thẩm.

1. Thiếu sót, vi phạm trong điều tra, thu thập bảo quản chứng cứ

Ông Học cho hay, theo quy định tại Điều 89, điều 90 Bộ Luật tố tụng hình sự thì vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm...

Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng… và Điều 106 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định về xử lý vật chứng: ..."Việc xử lý vật chứng do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử…"

Chứng cứ trong vụ án này, theo phân tích của ông Học chính là toàn bộ hệ thống lọc nước RO, máy chạy thận, các trang thiết bị y tế, thuốc, vật tư tiêu hao trong đơn nguyên thận nhân tạo… Đây là các vật chứng của vụ án, trong đó có những vật chứng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

"Tuy nhiên trong vụ án này, các vật chứng quan trọng đó đã không được xem xét trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án và nó không còn tồn tại đến giai đoạn xét xử", ông Học giải thích.

Theo bản án, vật chứng được đưa ra xem xét trong giai đoạn xét xử chỉ còn 14 chiếc can nhựa.

Câu hỏi đặt ra và cần làm rõ là: Hiện nay, toàn bộ vật chứng quan trọng khác của vụ án như các van nước, đồng hồ đo độ dẫn điện, hóa chất… do cơ quan điều tra thu giữ đang nằm ở đâu? Cơ quan nào đã ra quyết định xử lý và các vật chứng này đã được xử lý như thế nào?

Đã có tổ chức nghề nghiệp gửi kiến nghị Giám đốc thẩm vụ án chạy thận Hoà Bình vì có nhiều sai phạm - Ảnh 2.

5 bị cáo liên quan tới tai biến chạy thận trong phiên phúc thẩm.

Ông Học đưa ra quan điểm: "Việc làm này của các cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình đã vi phạm điều 106 BLTTHS và có dấu hiệu của hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án được quy định tại điều 375 Bộ Luật tố tụng hình sự".

Ông Học cũng cho biết thêm, trong vụ án này, nguyên nhân dẫn đến thảm họa là do một số lượng lớn hóa chất độc hại tồn tại trong các hệ thống nước được sử dụng khi lọc máu cho người bệnh.

Nhưng các vật chứng trong vụ án được giám định sơ sài, thiếu luận cứ khoa học. Cơ quan điều tra chưa thực nghiệm điều tra sau khi đã có kết luận đối với các thiết bị được tháo ra từ hệ thống máy lọc nước.

Về nguyên nhân dẫn đến 8 bệnh nhân tử vong sau sự cố y khoa ngày 29/5/2017, thiếu sót trong công tác giám định và giám định lại.

Trong công văn số 41/BYT-PC ngày 06/03/2019 đã nêu rất chi tiết các luận cứ khoa học liên quan đến tình trạng ngộ độc, các triệu chứng lâm sàng của người bệnh. Với những tài liệu và chứng cứ đã thu thập, đối chiếu với các diễn biến lâm sàng khi cấp cứu thì cả 8 nạn nhân đều tử vong do nhiễm đa chất.

Tuy nhiên, những nhận định khoa học đó lại ngược lại với kết luận của cơ quan giám định Pháp y vì cơ quan này cho rằng các bệnh nhân chết do nhiễm đơn chất.

2. Vi phạm nghiêm trọng việc áp dụng bộ luật hình sự

Theo ông Học sau khi được tiếp cận với nội dung bản án, ông nhận thấy cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng Hòa Bình đã vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự, luật tố tụng hình sự trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và ban hành bản án.

Cụ thể, cơ quan điều tra đã có sự lúng túng khi đưa ra tội danh cho bác sĩ Hoàng Công Lương, nguyên bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ông Học đưa ra quan điểm bác sĩ Hoàng Công Lương không phạm tội vô ý làm chết người như cáo buộc của Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình, bởi các lý do sau:

Đã có tổ chức nghề nghiệp gửi kiến nghị Giám đốc thẩm vụ án chạy thận Hoà Bình vì có nhiều sai phạm - Ảnh 3.

Ông Học cho rằng, bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội.

Thứ nhất: bác sĩ Hoàng Công Lương không hề có vai trò lãnh đạo. Tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình chưa hề có bất cứ một văn bản, quyết định nào phân công, bổ nhiệm bác sĩ Hoàng Công Lương giữ vai trò quản lý đơn nguyên này.

Trên thực tế, bác sĩ Hoàng Công Lương không được nhận phụ cấp trách nhiệm và cũng không có bất cứ một quyền nào ngoài quyền khám, điều trị và ra y lệnh.

"Trong Luật khám, chữa bệnh 2009, quy chế bệnh viện và tất cả hệ thống các văn bản luật, dưới luật đều quy định bác sĩ là người chịu trách nhiệm về chuyên môn, thăm khám và ra y lệnh điều trị. Các y lệnh phải phù hợp với bệnh tật và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Không có bất cứ một tài liệu nào quy định bác sĩ phải chịu trách nhiệm về máy móc, thiết bị, vật tư, thuốc, dịch, nước, máu hoặc các chế phẩm từ máu… dùng điều trị cho bệnh nhân.

Và cũng chưa có bất kỳ một văn bản nào buộc bác sĩ phải ký nhận bàn giao máy móc, trang thiết bị trước khi sử dụng cho bệnh nhân, những việc đó thuộc trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân khác bao gồm khoa dược, phòng vật tư, phòng kỹ thuật…", ông Học phân tích.

Thứ hai: Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân thành phố Hòa bình cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương là người ký vào biên bản đề nghị sửa chữa RO2 nên phải biết rằng sau sửa chữa phải xét nghiệm và chỉ được ra y lệnh khi chắc chắn rằng hệ thống lọc nước đảm bảo…

Việc dùng lập luận trên để kết tội cho bác sĩ Hoàng Công Lương là thiếu căn cứ, thiếu thuyết phục.

Bởi vì, bác sĩ Hoàng Công Lương ký vào biên bản do phòng vật tư lập từ ngày 20/4/2017. Biên bản này chỉ có ý nghĩa ghi nhận tình trạng kỹ thuật ở thời điểm hiện tại (ngày 20/4), sau đó hệ thống RO này vẫn hoạt động cho đến ngày 28/5/2017 mới sửa chữa.

Việc sửa chữa tiến hành vào ngày chủ nhật, bác sĩ Hoàng Công Lương không có mặt, không buộc phải có mặt tại đó. Bác sĩ Hoàng Công Lương không hề biết họ sửa chữa những gì, không biết quy trình thay thế, xét nghiệm mẫu nước như thế nào…

Vì tất cả những việc này nằm trong hợp đồng được ký giữa Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình và Giám đốc Công ty Thiên Sơn. Bản hợp đồng này bác sĩ Hoàng Công Lương không có và cũng không được biết nội dung của nó như thế nào.

Mặt khác, ngoài nguyên nhân chính là khi sửa chữa, Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) cho hai loại hóa chất độc hại vào để tẩy rửa hệ thống RO thì ở hệ thống này các van nước đã bị hỏng dẫn đến nguồn nước nhiễm độc xâm lấn vào toàn hệ thống.

Một vấn đề quan trọng khác nữa là trong hệ thống lọc nước có một thiết bị rất quan trọng và là thiết bị duy nhất để đánh giá chất lượng nguồn nước, đó là chiếc đồng hồ đo độ dẫn điện của nguồn nước.

Hàng ngày các điều dưỡng nhìn vào thông số của đồng hồ để quyết định có kết nối hệ thống lọc nước với máy chạy thận hay không. Thực tế ngày 29/5 trên đồng hồ thể hiện các thông số trong giới hạn an toàn nhưng sự thật không phải là như vậy.

Vậy thực chất nguyên nhân dẫn đến hậu quả phần nhiều là do lỗi thiết bị và việc để các thiết bị kém chất lượng, hư hỏng như vậy lỗi thuộc về người quản lý hay thuộc về bác sĩ điều trị? Bác sĩ có quyền hành gì trong việc quản lý, sửa chữa trang thiết bị?

Thứ ba: Như trên đã nêu ở trên, ở bệnh viện, bác sỹ là người thăm khám và ra y lệnh chính, vì điều đó luật buộc bác sỹ phải cân nhắc, khám, kiểm tra kỹ lưỡng để việc ra y lệnh phải phù hợp.

Bác sĩ Hoàng Công Lương đã thăm khám và cho ra y lệnh với 18 bệnh nhân là hoàn toàn đúng luật.

Cáo buộc bác sĩ Hoàng Công Lương phải chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước và chỉ được ra y lệnh khi chắc chắn rằng nguồn nước đó phải đảm bảo an toàn là một cáo buộc phi lý. Buộc bác sĩ phải biết và phải chịu trách nhiệm về một việc mà họ không thể biết và không buộc phải biết đó là suy luận và cáo buộc trái quy định của pháp luật.

Thứ tư, Theo quy định tại Điều 73 Luật khám, chữa bệnh 2009 thì để xác định người hành nghề có sai sót hoặc không có sai sót chuyên môn kỹ thuật thì phải thành lập Hội đồng chuyên môn để xem xét và kết luận.

Trong vụ án này, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã thành lập Hội đồng chuyên môn đúng quy định của pháp luật và tại phiên họp ngày 8/6/2017 cùng với các chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai hội đồng chuyên môn đã kết luận: "Quy trình tiếp nhận, khám, nhận định, đánh giá và thiết lập vòng tuần hoàn ngoài cơ thể cho bệnh nhân trước khi lọc máu là phù hợp quy trình.."

Điều đáng quan tâm là quá trình giải quyết vụ án các cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình không đề cập đến kết luận của Hội đồng chuyên môn. Việc làm đó đã trái với quy định tại mục 4 điều 75 Luật Khám, chữa bệnh năm 2009.

Đồng thời trái với các quy định về thu thập tài liệu chứng cứ, các nguyên tắc suy đoán vô tội, các nguyên tắc buộc tội và gỡ tội được quy định trong bộ luật tố tụng hình sự.

Ông Học đưa ra những lý luận để chứng minh đã áp dụng sai điều luật như sau: Tại bản án số 08/2019/HSST ngày 30/01/2019 Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình áp dụng điều 41 Bộ luật hình sự 1999 và 104 Bộ Luật tố tụng hình sự 2018 để xử lý vật chứng.

Trong khi đó, Điều 41 Bộ Luật hình sự quy định cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Điều 104 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định: Các tài liệu đồ vật khác trong vụ án.

"Cả hai điều luật mà Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình áp dụng để xử lý vật chứng đều không liên quan gì đến vật chứng.

Việc làm này thể hiện rõ việc cẩu thả, tùy tiện và coi thường pháp luật của Hội đồng xét xử thuộc Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình và là một vi phạm nghiêm trọng không thể chấp nhận được", ông Học nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại