Hàng trăm sinh vật nhung nhúc bám vào tá tràng người phụ nữ

Ngọc Minh |

Sau nhiều lần đại tiện ra máu, người phụ nữ Yên Bái đi khám. Bác sĩ “giật mình" khi nội soi, phát hiện hàng trăm sinh vật nhung nhúc bám vào tá tràng gây chảy máu tiêu hoá.

Mới đây, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận nữ bệnh nhân Nguyễn Thị T (49 tuổi ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đi khám do đại tiện ra máu đỏ tươi tái phát nhiều lần.

Qua điều tra bệnh sử, các bác sĩ khoa tiêu hoá nhận thấy người bệnh suy kiệt, thiếu máu nhiều, phân nhầy máu, từng đợt đại tiện có máu đỏ tươi và máu cục. Người bệnh đã phải truyền một lít máu. Để tìm rõ nguyên nhân gây chảy máu đường tiêu hóa, người bệnh được chỉ định nội soi dạ dày - tá tràng và đại tràng.

Qua nội soi, các chuyên gia phát hiện hàng trăm con giun móc đang “trú ngụ” tại thành tá tràng của người bệnh. Nhìn hình ảnh nội soi của bệnh nhân, không ít người đã giật mình.

Tại khu vực trực tràng, đại tràng, rất nhiều con giun tròn màu trắng bám ở niêm mạc, có những chỗ giun cuộn vào nhau tạo thành búi. Niêm mạc đại tràng bị phù nề toàn bộ, xung huyết, có chỗ rỉ máu. Sau 10 ngày điều trị, sức khoẻ của người bệnh T đang dần ổn định.

 - Ảnh 1.

Hình ảnh nội soi cho thấy hàng trăm con giun bám vào tá tràng của bệnh nhân (Ảnh chụp từ video).

BSCKII. Đinh Thị Ánh Nguyệt, khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cho biết việc giun xuất hiện, tạo thành từng búi bám chặt trong dạ dày, đại tràng của người bệnh T là nguyên nhân chính gây chảy máu đường tiêu hóa và thiếu máu mạn tính. Uớc tính mỗi ngày 1 con giun móc có thể làm người bệnh mất đi khoảng 3 ml máu kèm theo những triệu chứng nguy hiểm như đại tiện ra máu, suy kiệt cơ thể...

Theo các chuyên gia ký sinh trùng, giun móc ký sinh bằng cách ngoạm 2 đầu móc vào niêm mạc ruột để hút máu, gây ra những vết loét, gây chảy máu nên người bệnh sẽ bị thiếu máu thiếu sắt. Thậm chí, người bệnh có thể bị bội nhiễm vi khuẩn, gây vết loét thành ruột.

Ngoài ra, giun móc còn gây viêm hành tá tràng và tiết ra chất chống đông máu, chất độc ức chế cơ quan tạo máu sản sinh hồng cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng mất máu của bệnh nhân.

Nguyên nhân mắc giun móc là do ăn phải thức ăn, nước có nhiễm ấu trùng. Tất cả mọi người đều có thể nhiễm giun móc/giun mỏ, đặc biệt là những người nông dân vùng trồng màu, cây công nghiệp có tập quán sử dụng phân tươi trong canh tác.

Biểu hiện nhiễm giun móc:

- Da xanh, niêm mạc nhợt
- Đau vùng thượng vị tuỳ theo mức độ nhiễm giun. Đau không có giờ nhất định, khi đói đau nhiều hơn, ăn không ngon miệng, khó tiêu
- Khi ấu trùng giun móc/giun mỏ xuyên qua da có thể gây viêm da tại chỗ với các triệu chứng ngứa, có nhiều nốt màu đỏ và hết sau 1-2 ngày.

Bác sĩ Ánh Nguyệt cho biết xuất huyết tiêu hóa do giun ký sinh trong lòng ruột dù không còn phổ biến hiện nay nhưng vẫn có thể gặp nếu chúng ta không đảm bảo vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi và tẩy giun định kỳ.

Khi thấy cơ thể có những triệu chứng bất thường, người dân cần đến ngay cơ sở y tế chuyên sâu để được phát hiện và điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa giun móc, người dân cần lưu ý:

- Giữ vệ sinh sạch sẽ, ăn chín uống sôi

- Làm sạch ngoại cảnh, diệt ấu trùng bằng cách rắc vôi bột ở những nơi ô nhiễm nặng

- Đối với người lao động làm việc dưới hầm lò, những người hay tiếp xúc với phân, đất... cần có phương tiện bảo vệ như đi ủng, đeo găng tay cao su.

- Không phóng uế bừa bãi, xử lý phân hợp vệ sinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại