Hàng nghìn tên lửa S-75 Dvina của Việt Nam có thể "biến hình" thành bản đất đối đất

Tuấn Sơn - Bình Nguyên |

Trong cuộc xung đột tại Yemen, đã không ít lần lực lượng Vệ binh cộng hòa ủng hộ TT A. Saled sử dụng một dòng tên lửa đạn đạo lạ tấn công vào các vị trí của lực lượng Arab Saudi.

Căn cứ vào các mảnh vỡ thu thập tại hiện trường và các thông tin tình báo, phía Saudi Arabia xác định đó là tên lửa đạn đạo Qaher-M2 được hoán cải từ đạn tên lửa phòng không S-75 Dvina.

Việc Yemen hoán cải thành công tên lửa S-75 Dvina thành Qaher-M2 cũng thể hiện một xu hướng đặc biệt rằng các quốc gia dù không sở hữu công nghệ tên lửa tân tiến, nhưng với khả năng sáng tạo vẫn có thể tận dụng các loại trang bị cũ, biến chúng thành loại vũ khí tấn công nguy hiểm.

Hàng nghìn tên lửa S-75 Dvina của Việt Nam có thể biến hình thành bản đất đối đất - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo Qaher-M2.

Từ tên lửa đạn đạo lạ…

Trong vài ngày gần đây, nhiều trang thông tin tại khu vực Cận Đông đăng tải, lực lượng Vệ binh cộng hòa ủng hộ Tổng thống A. Saled và người Houthis liên tục sử dụng đạn tên lửa đất đối đất lạ tấn công vào nhiều căn cứ quân sự Arab Saudi.

Các vụ tấn công trên đã phá hủy một kho đạn lớn của Saudi Arabia tại căn cứ không quân Beir-Askar, tỉnh Najran, cũng như một cơ sở quân sự chiến lược tại Hoot.

Phía Saudi Arabia tuyên bố, hệ thống phòng thủ tên lửa nước này đã ngăn chặn được một số tên lửa đạn đạo Yemen. Tuy nhiên, thiệt hại do các vụ tấn công trên gây ra là không nhỏ.

Từ các mảnh vỡ tên lửa thu thập được tại hiện trường, giới chức quân sự Saudi Arabia rất ngạc nhiên khi tên lửa được sử dụng không phải là một loại tên lửa đạn đạo hiện đại, mà là mảnh vỡ của tên lửa phòng không cổ lỗ đã có tuổi đời hơn nửa thế kỷ S-75 Dvina.

Cùng với các thông tin tình báo thu thập, Saudi Arabia phát hiện Yemen đã hoán cải thành công các đạn tên lửa phòng không S-75 Dvina thành tên lửa đất đối đất uy lực không thua kém các dòng tên lửa đạn đạo hiện đại.

Hàng nghìn tên lửa S-75 Dvina của Việt Nam có thể biến hình thành bản đất đối đất - Ảnh 2.

…tới vũ khí tấn công hoán cải từ S-75 Dvina

Theo các thông tin được công khai, lực lương Vệ binh cộng hòa Yemen đã hoán cải thành công các đạn tên lửa S-75 Dvina thành tên lửa Qaher-M1 với các thông số kỹ thuật cơ bản gần như giống nhau. Tên lửa đạn đạo Qaher-M1 trang bị đầu nổ nặng 200km và tầm bắn khoảng 300km.

Điều này cũng dễ hiệu vì xét trên các hiệu số kỹ thuật, đạn tên lửa S-75 Dvina hoàn toàn đủ khả năng sử dụng như một tên lửa đạn đạo với đầu đạn nổ phá mảnh lớn; động cơ tên lửa kết hợp tầng khởi tốc nhiên liệu rắn và tầng đẩy nhiên liệu lỏng. Các cần thay đổi chỉ là thuật toán điều khiển quỹ đạo bay và cơ chế kích nổ đầu đạn.

Trong công nghệ tên lửa, cái khó nhất là chế tạo được đạn có khả năng cân bằng và độ ổn định khi bay.

"Cái khó" này, Liên Xô đã giúp Yemen trên các hệ thống S-75 Dvina hoàn chỉnh. Việc can thiệp thay đổi thuật toán điều khiển và cơ chế kích nổ hoàn toàn nằm trong khả năng của chuyên gia quân sự Yemen khi không phải can thiệp sâu vào kết cấu và phương thức phóng của đạn tên lửa S-75 Dvina.

Sức mạnh của tên lửa Qaher-M2 còn được tăng cường hơn phiên bản M1 với đầu đạn mang theo nặng tới 350kg và tầm bắn được tăng lên 400km.

Điều này có thể giải thích ở việc khi không còn làm nhiệm vụ của tên lửa phòng không, toàn bộ hệ thống đầu dò radar bán chủ động của đạn S-75 Dvina hoàn toàn có thể tháo bỏ để tăng cường khối lượng đầu đạn, cũng như tầm bắn của tên lửa.

Dù thông tin về hệ thống dẫn đường của tên lửa đạn đạo Qaher-M2 không được công bố, nhưng từ các thông tin công khai với sai số vòng tròn đồng tâm (CEP) khoảng 5-10m của Qaher-M2 có thể coi là thành công ngoài sức mong đợi.

Tên lửa đạn đạo Qaher-M2

Yemen thực sự đã "cải lão hoàn đồng" dòng tên lửa phòng không cũ gần như bỏ đi, thành tên lửa đạn đạo uy lực và đã khẳng định hiệu quả trên chiến trường.

Phương thức hoán cải tên lửa S-75 Dvina thành Qaher-M2 của Yemen có thể coi là cách làm hay để các quốc gia đang sở hữu dòng tên lửa phòng không cũ này cân nhắc phương án "mang lại cuộc sống mới" cho chúng.

Để làm rõ hơn vấn đề này chúng tôi đã có một cuộc phỏng vấn ngắn đối với Đại tá Nguyễn Thụy Anh - chuyên gia tên lửa từng công tác tại Quân chủng PK-KQ và Cục Khoa học Quân sự, Bộ Tổng tham mưu:

PV: Gần đây có tin phiến quân Houthi ở Yemen đã sử dụng một dòng tên lửa đạn đạo lạ, sau đó được xác định là tên lửa Qaher-M2 được hoán cải từ đạn tên lửa phòng không S-75 Dvina để tấn công vào các vị trí của lực lượng Saudi Arabia. Vậy theo Đại tá, tên lửa phòng không S-75 Dvina có thực sự "biến hình" trở thành tên lửa đạn đạo đất đối đất được không? Để làm được điều này có cần phải cải tiến hay nâng cấp không?

Đại tá Nguyễn Thụy Anh: Trên đài điều khiển SNR-75 của tổ hợp tên lửa phòng không (TLPK) S-75 từ khi LX chế tạo ra đã có chế độ bắn mục tiêu mặt đất (chế độ "Zemlia" - tiếng Nga nghĩa là "Mặt đất"). Vì vậy nó hoàn toàn có thể dùng để tấn công các mục tiêu mặt đất như một tên lửa đạn đạo đất đối đất mà không cần phải cải tiến hay nâng cấp gì cả.

Tuy nhiên, để đạt được tầm bắn tới 400km như Qaher-M2 chắc chắn S-75 Dvina phải trải qua quá trình nâng cấp sâu.

đại tá nguyễn thụy anh

Đại tá Nguyễn Thụy Anh.

PV: Như vậy, S-75 Dvina tự thân nó đã có khả năng đánh mục tiêu mặt đất, vậy thì nguyên lý hoạt động của nó như thế nào? Xác suất trúng đích có cao không? Các loại tên lửa phòng không có dễ dàng đánh chặn nó hay không?

Đại tá Nguyễn Thụy Anh: Nguyên lý hoạt động của S-75 khi đánh mặt đất là phải quan sát thấy mục tiêu trên các màn hiện sóng của đài điều khiển để tiến hành dẫn tên lửa tới mục tiêu như khi đánh máy bay trên không.

Xác suất trúng đích sẽ cao hơn vì mục tiêu mặt đất thường là cố định hoặc tốc độ chậm hơn nhiều (như tàu chiến...) so với máy bay, tuy vậy khả năng sát thương mục tiêu kiên cố sẽ không cao vì đầu đạn nặng 196 kg của tên lửa S-75 là loại phá-mảnh chứ không phải là loại nổ-phá như tên lửa đất đối đất chuyên dụng.

Các loại tên lửa phòng không khác có thể đánh chặn được vì nó sẽ có đường bay ổn định khi đánh mặt đất nhưng kíp điều khiển phải rất giỏi vì nó có diện tích phản xạ radar khá thấp lại có tốc độ khá cao là 750m/s, tức là 2,3M như nhiều loại máy bay chiến đấu phản lực hiện nay.

PV: Phải chăng trước đây Bộ đội tên lửa Việt Nam cũng từng có ý định sử dụng loại tên lửa này để đánh tàu chiến Mỹ?

Đại tá Nguyễn Thụy Anh: Đúng là bộ đội tên lửa Việt Nam đã triển khai trận địa phục kích ở ven biển để đánh tàu chiến Mỹ (chứ không phải là "có ý định" nữa). Tuy vậy không rõ vì sao suốt thời gian phục kích đó tàu chiến Mỹ không hề xuất hiện, có thể chúng đã đánh hơi được sự nguy hiểm đang trực chờ.

PV: Hiện nay, tên lửa S-75 (SAM-2) của Việt Nam cùng đã bắt đầu trở nên lạc hậu so với các máy bay hiện đại, vậy ý tưởng hoán chuyển chúng cho mục đích làm tên lửa đạn đạo đánh mục tiêu đất có khả thi? Những điều kiện nào cần có để làm được điều này.

Đại tá Nguyễn Thụy Anh: Hiện nay QĐ ta đã có tên lửa đất đối đất chuyên dụng Scud-C (R-17) và nhiều loại tên lửa đất đối biển tầm bắn xa hơn rất nhiều nên ko cần dùng S-75 làm việc này.

Dù lạc hậu nhưng nó đã được nâng cấp thành S-75M3 với tính năng tốt hơn trước, đặc biệt là khả năng chống nhiễu điện tử và là TLPK chuyên dụng nên nó dùng để đánh máy bay vẫn tốt hơn. Còn nếu cần đánh mặt đất thì câu trả lời 1 đã nói rõ rồi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại