Tên lửa VN xuất sắc, diệt "phù thủy" RF-101 Mỹ bay lắt léo ở độ cao thấp: Chuyên gia LX nể

Đại tá Nguyễn Thụy Anh |

Chiếc RF-101 "phù thủy" cuống cuồng nhào xuống thấp, bay lắt léo, nhưng chỉ cần một quả đạn duy nhất dưới sự điều khiển khéo léo của các chiến sỹ tên lửa Việt Nam, nó đã bị đo ván.

LTS: Trong cuộc chiến chống Không quân Mỹ phá hoại miền Bắc, bộ đội tên lửa ta đã lập nhiều chiến công xuất sắc, đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của đối phương, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, khuất phục 40/41 kiểu loại mà Mỹ tung vào Việt Nam.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài "Bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam Anh hùng" của Đại tá Nguyên Thụy Anh - chuyên gia tên lửa phòng không, 25 năm công tác ở Quân chủng PK-KQ và 10 năm ở Cục Khoa học Quân sự - BTTM.

Bài 1: Đưa tên lửa VN chiến thắng: Chuyên gia Liên Xô duy nhất được tặng 3 huân chương Chiến công

Bài 2:  Máu đã đổ để tên lửa VN xuất sắc xuyên nhiễu, chém cụt đầu "B-52, thần sấm, con ma" Mỹ 

---

BÀI 3 - TÊN LỬA VIỆT NAM XUẤT SẶC, DIỆT "PHÙ THỦY" RF-101 MỸ BAY LẮT LÉO Ở ĐỘ CAO THẤP: CHUYÊN GIA LIÊN XÔ NỂ

Từ kinh nghiệm xương máu: tên lửa mất điều khiển...

Cuối năm 1965, sự xuất hiện của tên lửa Việt Nam đã khiến các quan thầy chóp bu ở Lầu Năm Góc hết sức đau đầu, còn các phi công Mỹ thì vô cùng hoảng sợ và buộc phải thay đổi thủ đoạn chiến thuật: khi bay vào vùng hỏa lực tên lửa ở miền Bắc, máy bay Mỹ tăng cường áp dụng thủ đoạn bay thấp và cơ động liên tục để hạn chế hiệu quả chiến đấu của tên lửa ta.

Lực lượng phòng không nói chung và bộ đôi tên lửa nói riêng đã gặp không ít khó khăn trước những thủ đoạn này của KQ Mỹ. Một số trận, máy bay địch đã lọt qua được và đánh phá dã man các thành phố, cơ sở công nghiệp và hạ tầng của ta.

Đại tá nguyễn thụy anh
Chuyên gia tên lửa phòng không, nguyên cán bộ Quân chủng PK-KQ và Cục Khoa học Quân sự - Bộ Tổng tham mưu.

Trước tình hình này, các chiến sỹ tên lửa Việt Nam đã nhanh chóng rút kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân những trận đánh không thành công khi mục tiêu bay thấp dưới 1000m bởi trước đó, có một số trận khi mục tiêu bay thấp ở độ cao 1.300m trở xuống và cơ động lắt léo đã làm tên lửa ta mất điều khiển rơi xuống đất.

Nghiên cứu các tính năng kỹ, chiến thuật của khí tài tên lửa, bộ đội ta nhận thấy tên lửa SAM-2 (S-75 Dvina) hoàn toàn có thể bắn trúng, bắn rơi máy bay địch ở độ cao dưới 1000m. Từ đó, các trắc thủ tên lửa ta tập trung mọi nỗ lực huấn luyện, nâng cao trình độ thao tác cá nhân và hiệp đồng toàn kíp chiến đấu khi đánh máy bay địch bay thấp và cơ động.

Sau đợt đánh phá vào kho xăng Đức Giang ngày 29/6/1966, Không quân Mỹ tăng cường trinh sát hàng loạt các trọng điểm dự định đánh phá ở cả nội, ngoại thành Hà Nội.

Trước đó, hàng loạt các loại máy bay trinh sát tầng cao như BQM (kết hợp trinh sát điện tử) liên tục bị tên lửa ta bắn rơi nên KQ Mỹ buộc phải thay đổi lực lượng, dùng các loại máy bay có người lái như RF-101, RA-5C, A-3J, RF-4C… để làm nhiệm vụ trinh sát với thủ đoạn chính là bay thấp và cơ động lắt léo để tránh hỏa lực tên lửa.

Tên lửa VN xuất sắc, diệt phù thủy RF-101 Mỹ bay lắt léo ở độ cao thấp: Chuyên gia LX nể - Ảnh 2.

Máy bay trinh sát RF-101 "phù thủy"

RF-101 là loại máy bay trinh sát chuyên dụng, 1 người lái, được Mỹ sử dụng rộng rãi từ giữa năm 1966, có tốc độ tối đa lên tới 1.960 km/h với tầm bay gần 2.500 km và được trang bị 5 máy ảnh có thể chụp cả phía trước, phía sau và 2 bên sườn với độ cao hiệu quả từ 400m đến 1000m.

Loại máy bay này có khả năng bay thấp, cơ động linh hoạt làm thay đổi tiết diện phản xạ radar, do đó tín hiệu mục tiêu trên màn hiện sóng có độ nhấp nháy, co dãn liên tục làm cho các trắc thủ tên lửa rất khó bám sát chính xác.

... đến "vỏ quýt dày có móng tay nhọn"

Tiểu đoàn tên lửa 61 bảo vệ cửa ngõ phía nam Hà Nội là 1 trong 4 tiểu đoàn hỏa lực của Trung đoàn tên lửa 236 – trung doàn tên lửa đầu tiên của QĐNDVN. Sau trận đầu chiến thắng vào đêm 11/8/1965 trên đất Hoa Lư, tiểu đoàn đã vinh dự được thay mặt bộ đội tên lửa đón Bác Hồ về thăm và động viên, khen thưởng ngay tại trận địa.

Tuy mới ra quân, chưa có nhiều kinh nghiệm chiến đấu nhưng các chiến sỹ ta đã đoàn kết và hiệp đồng lập thêm chiến công mới: ngày 7/3/1966 trên quê hương Bác, chỉ bằng 1 tên lửa, tiểu đoàn dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Hồ Sĩ Hưu đã bắn rơi cả 2 máy bay RF-101 ở độ cao 5.000m.

Khi KQ Mỹ ngày càng leo thang đánh phá ác liệt vào thủ đô Hà Nội thì đơn vị được lệnh cơ động từ Khu 4 ra bảo vệ Thủ đô với một trong các nhiệm vụ chính là đánh máy bay trinh sát có người lái bay thấp.

Tên lửa VN xuất sắc, diệt phù thủy RF-101 Mỹ bay lắt léo ở độ cao thấp: Chuyên gia LX nể - Ảnh 3.

Tên lửa SAM-2 rời bệ phóng.

Khi tác chiến với máy bay phản lực bay thấp, cự ly phát hiện mục tiêu bị giảm còn rất ngắn và thời gian chuẩn bị sẽ còn rất ít, đôi khi kíp chiến đấu không kịp thao tác. Mặt khác, tên lửa bay thấp sẽ luôn phải chịu sức hút mạnh của quả đất, lực cản không khí lớn hơn và dao động mạnh.

Loại mục tiêu bay thấp còn có tín hiệu phản xạ gương (sóng phản xạ từ bề mặt trái đất về đài điều khiển tên lửa), nếu không mở chế độ H<1 thì không khử được tín hiệu phản xạ này và việc bám sát chính xác mục tiêu sẽ rất khó khăn.

Nếu mục tiêu lại cơ động, hạ thấp độ cao xuống dưới 1000m mà sĩ quan điều khiển không hạ lệnh nâng đạn thì góc tà vẫn bám sát theo mục tiêu và sẽ gây ra sai số đột biến làm tên lửa rơi xuống đất. Đến ngay như bộ đội tên lửa Liên Xô khi đó cũng hầu như chưa bao giờ bắn mục tiêu bay ở độ cao này.

Tuy nhiên, với quyết tâm của Bộ đội tên lửa Việt Nam, các chuyên gia Liên Xô sát cánh cùng cán bộ kỹ thuật ta đã kiểm tra và điều chỉnh chính xác tuyệt đối các tham số kỹ thuật của khí tài, nhất là các thiết bị liên quan đến chế độ H<1 và xung chắn ở chế độ MB (độ cao thấp), bảo đảm độ ổn định và tin cậy cao nhất của khí tài khi đánh mục tiêu bay thấp.

Các trắc thủ được tăng cường huấn luyện cơ bản: thao tác sục sạo phát hiện và bám sát mục tiêu bay thấp, vẽ và học thuộc sóng về địa vật, tạo tín hiệu mục tiêu giả bay lẫn trong sóng về địa vật để kíp chiến đấu luyện tập.

Tính toán chính xác cự ly phát hiện, cự ly phóng và điểm gặp của tên lửa trên các đường bay dự kiến. Các tình huống cần xử lý sau khi phóng cũng đều được kíp chiến đấu của tiểu đoàn luyện tập công phu và thuần thục…

Vào 15h ngày 04/11/1966, từ hướng nam xuất hiện 1 tốp mục tiêu bay thấp vào trinh sát Hà Nội. Khi tốp 2 chiếc RF-101 vào đến cự ly 45km thì tiểu đoàn 61 nhận được lệnh tiêu diệt. Vào đến cự ly 32 km thì các trắc thủ của ta bắt được mục tiêu và bám sát ổn định tín hiệu trên màn hiện sóng.

Nhưng lúc này, máy bay địch hạ thấp độ cao xuống dưới 1000m và tín hiệu phản xạ gương xuất hiện. Đồng thời cả 2 máy bay cơ động, bay cắt kéo làm tín hiệu có lúc chập vào rồi lại tách ra, lẫn trong sóng về địa vật, lúc ẩn lúc hiện trên màn hiện sóng và gây khó khăn lớn cho kíp chiến đấu của ta.

Tên lửa VN xuất sắc, diệt phù thủy RF-101 Mỹ bay lắt léo ở độ cao thấp: Chuyên gia LX nể - Ảnh 4.

Hình ảnh do máy bay trinh sát RF-101 chụp được ở miền Bắc Việt Nam. Ảnh: KQ Mỹ.

Mặc dù vậy, các chiến sỹ ta đã thao tác thuần thục, hiệp đồng chặt chẽ toàn kíp theo phương án chiến đấu và bám sát chính xác vào chiếc đi đầu. Khi ta phóng tên lửa đầu tiên thì máy bay địch lập tức cơ động và hạ thấp độ cao xuống còn 700m.

Ta không phóng thêm quả thứ 2 mà tiếp tục tập trung cao độ bám sát chính xác mục tiêu đã chọn và điều khiển tên lửa bay tiếp trong chế độ H<1.

Chỉ ít giây sau, tên lửa ta đã nổ chính xác trùm lên mục tiêu khiến chiếc máy bay trinh sát RF-101 được Mỹ đặt biệt danh là "Voodoo - phù thủy" bốc cháy và rơi ngay xuống cánh đồng xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội) trong niềm vui của các chiến sỹ tên lửa và nhân dân địa phương.

Đây là chiếc máy bay phản lực Mỹ bay thấp đầu tiên ở độ cao dưới 1.000m bị bộ đội tên lửa Việt Nam bắn rơi tại chỗ và chỉ bằng 1 quả đạn! Kinh nghiệm trận đánh này được truyền đạt ngay sau đó cho toàn binh chủng tên lửa và chỉ trong 3 tuần cuối tháng 11/1966 các đơn vị tên lửa ta đã tiếp tục bắn rơi thêm 7 máy bay trinh sát Mỹ ở độ cao thấp.

Như vậy là dù cho KQ Mỹ có thay đổi thủ đoạn bay từ độ cao trung bình xuống bay ở độ cao thấp dưới 1.000m và lúc đầu gây nhiều khó khăn cho ta nhưng sau đó thì cũng không thoát được lưới lửa của ta với bàn tay điều khiển thành thạo, mưu trí và dũng cảm của các chiến sỹ tên lửa Việt Nam.

Các chuyên gia Liên Xô cũng rất khâm phục những "bàn tay vàng" của các kíp trắc thủ tên lửa phòng không Việt Nam.

Tên lửa VN xuất sắc, diệt phù thủy RF-101 Mỹ bay lắt léo ở độ cao thấp: Chuyên gia LX nể - Ảnh 5.

Đoàn Cựu chiến binh Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 61 về bên Bác Hồ kính yêu. Ảnh: BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chỉ mới ra đời hơn 1 năm, đây là chiến công đầu của bộ đội tên lửa Việt Nam non trẻ trong cuộc đọ sức gian nan, khốc liệt với KQ Mỹ hiện đại và đầy mưu sâu, kế hiểm. Cùng với nhiều chiến công xuất sắc khác trong Kháng chiến chống Mỹ, tiểu đoàn tên lửa 61 đã được tặng danh hiệu vẻ vang: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Truyền thống anh hùng của PKKQ Việt Nam: Trung đoàn tên lửa 236

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại