Trực thăng Mi-17 của Không quân Colombia. Ảnh mã nguồn mở
Tổng thống Brazil và Colombia đã công khai từ chối yêu cầu cung cấp vũ khí do Liên Xô hoặc Nga sản xuất mà họ hiện không dùng đến cho Mỹ, để từ đó chuyển tới Ukraine. Lý do được đưa ra để từ chối cung cấp vũ khí là họ "thích một giải pháp hòa bình" cho cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo ghi nhận của phóng viên trang Infodefensa, giới chức Colombia đã thẳng thừng từ chối gửi trực thăng tấn công Mi-8 và Mi-17, trong khi Brazil từ chối cung cấp đạn dự phòng cho xe tăng Leopard 1 và Leopard 2, và loại trừ khả năng chuyển giao máy bay trực thăng tấn công Mi-35 do Nga sản xuất. Mặc dù được giữ lại, những chiếc Mi-35 này vẫn chỉ "nằm đất" do không được bảo dưỡng phù hợp.
Bản báo cáo Cân bằng Quân sự 2022 cho biết, các lực lượng vũ trang Colombia sở hữu 19 máy bay trực thăng thuộc cả hai loại Mi-8 và Mi-17. Infodefensa thì đưa ra con số 26 chiếc và 8 trong số đó giống như phế liệu.
Trong khi đó, Brazil có 12 chiếc trực thăng Mi-35 được mua với giá 365 triệu USD vào năm 2008. Toàn bộ số máy bay này đã ngừng hoạt động do tình trạng kém kể từ tháng 2/2022.
Tổng thống Mexico cũng tuyên bố nước ông sẽ không cung cấp vũ khí cho "vùng xung đột" giữa Ukraine và Nga. Không quân Mexico sở hữu 16 trực thăng Mi-17.
Trực thăng Mi-17 của Mexico. Ảnh mã nguồn mở
Về mặt lý thuyết, nếu các nước Mỹ Latinh nói trên hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ thì Không quân Ukraine có thể nhận được vài chục chiếc trực thăng các loại Mi-17 và Mi-35. Tuy nhiên, điều cản trở sự chấp thuận của họ là mối quan hệ thân thiết mà các quốc gia này vẫn duy trì với Liên bang Nga.
Brazil không chỉ là thành viên của khối BRICS (Các nền kinh tế mới nổi) mà còn là quốc gia được Điện Kremlin đặt nhiều kỳ vọng. Nền kinh tế của Brazil cũng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp phân bón của Nga. Đây là lý do tại sao Brazil do dự gửi đạn dược dùng cho xe tăng Leopard 1 khi Đức yêu cầu.
Trước đó, theo các nguồn thạo tin, trong nỗ lực tìm kiếm vũ khí viện trợ cho Ukraine, Mỹ đã để mắt tới nguồn cung từ Mỹ Latinh.
Tư lệnh Bộ Chỉ huy miền Nam Mỹ (SOUTHCOM), Tướng 4 sao Laura Richardson, phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến do tổ chức tư vấn chiến lược địa chính trị Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức vào giữa tháng 1 vừa qua rằng, Lầu Năm Góc đang cố gắng thuyết phục một số chính phủ Mỹ Latinh giấu tên "quyên góp" phần cứng quân sự do Nga sản xuất cho Mỹ.
"Chúng tôi đang làm việc với các quốc gia có thiết bị của Nga để quyên góp hoặc đổi nó lấy thiết bị của Mỹ", Tướng Richardson nói.
Mặc dù từ chối nêu tên các nước Mỹ latin nói trên, bà Richardson nói rằng sáu quốc gia trong khu vực này có kho dự trữ đáng kể vũ khí do Liên Xô hoặc Nga sản xuất và các cuộc đàm phán "đang được tiến hành" về việc mua chúng "để tặng nó cho Ukraine".
Máy bay Mi-8 của Không quân Colombia. Ảnh mã nguồn mở
Những thỏa thuận để đưa thiết bị do Nga sản xuất vào cuộc xung đột Ukraine sẽ bao gồm việc thúc đẩy các nước Mỹ Latinh thay thế thiết bị của Nga bằng vũ khí do Mỹ sản xuất.
Theo chuyên gia trưởng về Mỹ Latinh của Trường Đại học Chiến tranh Quân đội Mỹ, ông Evan Ellis, trong phát biểu trước Tiểu ban Đối ngoại của Hạ viện về Tây Bán cầu vào tháng 7/2022, thì trong các quốc gia Mỹ Latinh, không tính Venezuela, Cuba và Nicaragua, nước có lượng vũ khí do Liên Xô/Nga sản xuất lớn nhất là Peru. Nước này bắt đầu nhập khẩu vũ khí của Liên Xô vào những năm 1970 và gần đây vào năm 2013 đã mua 24 trực thăng quân sự Mi-17 và 2 trực thăng tấn công Mi-35 từ Moskva.
Các quốc gia khác có kho vũ khí đáng kể của Liên Xô/Nga bao gồm Brazil, Ecuador, Colombia, Mexico, Uruguay và Argentina. Các loại vũ khí bao gồm xe tăng, xe bọc thép, hệ thống tên lửa phóng loạt, hệ thống tên lửa đất đối không, MANPADS (hệ thống phòng không di động) và nhiều loại máy bay và trực thăng cánh cố định.