Nhà buôn vũ khí Bỉ tuyên bố có hàng loạt xe tăng muốn đưa sang Ukraine

Tú Linh |

Freddy Versluys không muốn được gọi là nhà buôn vũ khí, nhưng ông có một nhà kho chứa đầy xe tăng đã qua sử dụng và đang muốn bán.

Nhà buôn vũ khí Bỉ tuyên bố có hàng loạt xe tăng muốn đưa sang Ukraine - Ảnh 1.

Freddy Versluys đứng trong kho xe tăng của mình ở miền Đông nước Bỉ. (Ảnh: Reuters)

Đứng cạnh vài chục chiếc xe tăng Leopard 1 do Đức sản xuất và những xe quân sự khác trong nhà kho ở miền Đông của Bỉ, Versluys cho biết ông là giám đốc của hai công ty quốc phòng hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm sản xuất thiết bị cảm biến cho tàu vũ trụ.

Mua bán vũ khí là một phần trong hoạt động của doanh nhân này. Và cũng chính xe tăng đã khiến ông trở thành tâm điểm trong mấy ngày qua, khi ông công khai tranh luận với Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder về khả năng gửi chúng đến Ukraine.

Các nước phương Tây gần đây đã cam kết gửi xe tăng cho Ukraine để hỗ trợ nước này trong cuộc xung đột với Nga, nhưng Bỉ chưa tham gia, ít nhất vì một lý do: Không còn xe tăng nào. Chính phủ Bỉ bán 50 chiếc xe tăng cuối cùng cho công ty của Versluys cách đây hơn 5 năm.

Khi được hỏi vì sao mua những xe tăng đó, người đàn ông hơn 60 tuổi với mái tóc bạc phơ cho biết ông mua chúng vì nghĩ rằng ai đó sau này sẽ cần.

"Vẫn còn những quốc gia trên thế giới sử dụng xe tăng Leopard 1. Vì thế, luôn có khả năng bán phụ tùng hoặc xe tăng", ông nói.

Versluys cũng cho biết ông nghĩ đây chỉ là ván cược. "Có thể ngày mai chúng tôi sẽ bán sắt vụn hoặc 10 năm tới chúng vẫn ở đó", ông nói.

Bộ trưởng Dedonder cho biết chính phủ đã nghĩ đến ý tưởng mua lại những chiếc xe tăng đó để gửi sang Ukraine, nhưng bà cho rằng mức giá công ty đưa ra là "không hợp lý" và "quá cao". Các xe tăng trước đây được bán với giá 10.000 – 15.000 euro/chiếc, giờ đang được rao với mức 500.000 euro, dù không hoạt động nhiều năm.

Tranh cãi này cho thấy thế khó của các chính phủ phương Tây trong nỗ lực tìm thêm vũ khí cho Ukraine, khi những vũ khí bị họ coi là lỗi thời giờ lại trở thành mặt hàng được mong muốn. Nhiều vũ khí như vậy đã thuộc sở hữu của các công ty tư nhân.

Bà Dedonder không nêu tên công ty OIP Land Systems của Versluys khi chỉ trích mức giá, nhưng Versluys chắc chắn ông là mục tiêu.

Versluys công khai chỉ trích phát biểu của bộ trưởng, từ đó giúp mọi người hiểu hơn về hoạt động của một doanh nghiệp luôn giữ kín tên tuổi.

Versluys cho biết công ty của ông mua 50 xe tăng với giá khoảng 2 triệu euro và chỉ có 33 chiếc có thể dùng được. Điều này có nghĩa là giá 33 xe tăng lên đến 60.600 euro/chiếc.

Ông cho biết giá bán dao động từ vài trăm ngàn đến gần 1 triệu euro, nhưng sẽ bao gồm những phần linh kiện thay thế. Ông nói rằng những linh kiện đó có thể rất đắt đỏ.

Khi cuộc tranh luận nóng lên, Versluys cho phép các phóng viên vào xem nhà kho của ông ở ngoại ô thị trấn Tournai. Nơi đó giống như một đại siêu thị quân sự, với những hàng xe tăng Leopard 1 màu xanh đen và nhiều xe quân sự khác, cùng những kệ chất đầy phụ tùng và dây đai.

Versluys khẳng định những chiếc Leopard 1 được tân trang có thể sẵn sàng ra chiến trường sau 1 tháng, nhanh hơn nhiều so với việc đặt hàng các mẫu mới ngày nay.

Vẫn còn giá trị

Xe tăng Leopard 1 là phiên bản tiền nhiệm của Leopard 2 mà Đức, Ba Lan, Phần Lan và các nước khác gần đây đồng ý cung cấp cho Ukraine. Phiên bản này nhẹ hơn Leopard 2 và sử dụng hệ thống súng khác. Các mẫu trong nhà kho của Versluys được nâng cấp gần đây nhất vào những năm 1990.

Yohann Michel, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, cho rằng xe tăng Leopard 1 sẽ không giá trị trên chiến trường như những phiên bản sau.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cho rằng chúng vẫn có thể hữu ích khi đối phó với những xe tăng cũ hơn của Nga và hỗ trợ các đơn vị bộ binh, nhất là nếu chúng được tân trang theo tiêu chuẩn cao.

Nếu Bỉ không mua những xe tăng này, một nước khác có thể mua cho Kiev. Versluys cho biết ông đã bàn bạc với nhiều chính phủ phương Tây về điều đó.

Năm ngoái, Anh mua 46 xe chiến đấu bộ binh từ công ty tư nhân để cung cấp cho Ukraine và đã cử nhiều kỹ sư làm việc suốt ngày đêm để nâng cấp, Versluys cho biết.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu xe tăng Leopard 1 cần được chính quyền vùng Wallonia của Bỉ và Đức đồng ý.

Dù không thích bị gọi là "nhà buôn vũ khí", Versluys cho rằng ngành kinh doanh vũ khí không xấu như mọi người nghĩ. "Ngược với điều mọi người hay nói, đây là thị trường khá văn minh", ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại