Hàn Quốc: Chủ doanh nghiệp chèn ép nhân viên có thể bị bỏ tù

Trọng Đại |

Sau nhiều tháng nhẫn nhịn, chịu đựng việc bị quấy rối liên tục tại nơi làm việc, Christine Jung, một nhân viên văn phòng tại Hàn Quốc quyết định vùng lên đấu tranh với cấp trên.

Kết quả là cô bị sa thải, thậm chí còn bị khởi kiện bởi những lời lẽ “không hay” dành cho công ty.

Những vụ tương tự của Jung không hề hiếm tại Hàn Quốc, nơi những nhân viên từ lâu luôn muốn phớt lờ việc bị cấp trên quấy rối. Thực trạng này phổ biến đến nỗi người dân Hàn Quốc đã sáng tạo riêng một từ để gọi - “gabjil”. Điều tích cực là Hàn Quốc đang khắc phục thông quaLuật Lao động sửa đổi.

Bộ luật mới, có hiệu lực từ ngày 16/7, sẽ buộc tội các chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động nếu như họ có hành vi sa thải những nhân viên bị quấy rối nơi công sở một cách thiếu công bằng.

Một khảo sát gần đây của chính phủ Hàn Quốc cho thấy 2/3 người lao động từng bị quấy rối nơi làm việc, trong khi có đến 80% số người được hỏi cho biết họ đã chứng kiến những sự việc tương tự.

Một trong những vụ tai tiếng nhất là trường hợp của con gái của chủ tịch hãng hàng không Korean Air. Cô đã trút giận lên thành viên phi hành đoàn sau khi cô được phục vụ món quả hạch đựng trong túi giấy thay vì trong bát trong năm 2014. Vụ việc của cô nổi tiếng đến nỗi, mọi ngươi gọi nó bằng cái tên “sự phẫn nộ mang tên quả hạch”.

Hàn Quốc: Chủ doanh nghiệp chèn ép nhân viên có thể bị bỏ tù - Ảnh 1.

Hàn Quốc sẽ buộc tội các chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động sa thải những nhân viên bị quấy rối.Ảnh: AFP.

Hệ thống thứ bậc cứng nhắc, sư cạnh tranh khốc liệt cho một công việc cũng như sự khác biệt trong địa vị xã hội góp phần tạo ra một môi trường làm việc “không hoàn hảo” tại Hàn Quốc, khi nền kinh tế của quốc gia này phụ thuộc rất lớn vào các siêu tập đoàn gia đình.

Trong trường hợp của Jung, người quấy rối cô chính là bố của CEO công ty nơi cô làm việc.

“Ông ta từng nói với tôi rằng tòa nhà dường như rung lên mỗi khi tôi di chuyển- vì tôi quá nặng cân. Một lần khác, ông ấy cố tình đi theo tôi vào trong nhà vệ sinh nữ. Đáng sợ nhất là khi ông ta đụng chạm vào phần bụng của tôi ngay trong phòng của ông ấy”, cô chia sẻ.

“Khi tôi phản ánh vấn đề này, cấp quản lý của tôi lại đổ tội cho tôi là một kẻ nói dối. Tôi bịa ra chuyện này chỉ vì tôi ghét ông ấy mà thôi”.

Jung đã tìm đến sự trợ giúp của Bộ Lao động vào năm ngoái, nhưng cô được trả lời rằng trường hợp của cô không được tính vào hành vi quấy rối nơi công sở do người quấy rối không phải là cấp trên của cô cũng như không được ký hợp đồng lao động với công ty nơi cô đang làm việc, cho dù “ngày nào ông ta cũng xuất hiện ở đó”.

Môi trường làm việc khắc nghiệt

Bộ luật mới sẽ tập trung xử lý các chủ doanh nghiệp khi “giáng cấp hoặc sa thải” nhân viên bị quấy rối một cách phi lý. Những người này có thể đối diện với mức án 3 năm tù hoặc bị phạt hành chính với số tiền lên đến 30 triệu won (tương đương 25.000 USD)

Những nhân viên bị ép phải hoàn thành bài văn cho con của cấp trên, phải nhảy múa khiêu gợi phục vụ cho các lãnh đạo hoặc thậm chí bị ép nhổ tóc cho sếp là các trường hợp được liệt kê làm ví dụ cho hành vi quấy rối nơi công sở, được đưa ra vởi tổ chức Workplace Gabjil 119 cũng như nhiều tổ chức phi lợi nhuận khác.

Các hành vi bạo lực cũng sẽ bị xử lý. Trong năm 2016, một giáo sư đại học đã bị bắt giam sau khi có hành vi xúc phạm một nhân viên, đồng thời cũng là học sinh cũ. Ông đã đánh anh ta bằng gậy chơi bóng chày khi thấy anh này tranh thủ nghỉ ngơi trong giờ làm việc và ép anh ấy phải ăn chất thải của người.

Nghề y tá vốn từ lâu nổi tiếng bởi môi trường rèn luyện gian khổ. Nghề này còn được bến đến với văn hóa làm việc cùng cực có thể “đốt bạn thành tro”. Hai vụ tự tử trong khoảng thời gian gần đây đã dấy lên những tranh cãi về nghề này.

Và sau khi đội tuyển bi đá trên băng Hàn Quốc, hay còn gọi với cái tên “những cô gái củ tỏi”, bất ngờ trở nên nổi tiếng sau kỳ thế vận hội mùa đông năm 2018, họ cũng đã hé lộ những sự thật về việc bị bóc lột và lạm dụng bởi các huấn luyện viên.

Thực trạng này tồn tại ở hầu hết mọi lĩnh vực, từ K-pop đến điện ảnh, từ lĩnh vực y tế cho đến giới học thuật. Nhưng với việc không đủ đảm bảo sự an toàn cho bản thân cũng như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thật khó để cho các nạn nhân có thể cất lên tiếng nói đòi lại công bằng. Vì khi đó, họ có thể đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cũng như bị giáng chức.

Khi một nạn nhân than phiền về việc bị quấy rầy trong công ty với cấp trên, anh được trả lời rằng “Vậy thì cậu hãy xin nghỉ việc đi. Cậu có thể tìm được một công việc ngoài kia ư? Chắc là trong cửa hàng McDonald rồi”.

Hàn Quốc: Chủ doanh nghiệp chèn ép nhân viên có thể bị bỏ tù - Ảnh 2.

Chủ doanh nghiệp vi phạm có thể lĩnh án 3 năm tù hoặc bị phạt hành chính lên đến 30 triệu won (tương đương 25.000 USD). Ảnh: AFP.

Một hành động ý nghĩa

Park Jeom-gyu, một nhà hoạt động trong tổ chức Workplace Gabjil 119 chia sẻ rằng cho dù bộ luật mới chính thức có hiệu lực, nhưng Hàn Quốc vẫn “có rất nhiều việc phải làm vì nó không buộc tội những người trực tiếp gây ra các vụ việc”, bộ luật này chỉ áp dụng những người chủ doanh nghiệp có hành vi trừng phạt những ai dám nói lên ý kiến cá nhân.

“Nhưng đây vẫn là một hành động hết sức ý nghĩa hướng tới một sự thay đổi to lớn. Mọi người sẽ cảm thấy an toàn hơn khi họ chia sẻ về việc bị lạm dụng”, anh cho biết.

Micheal Hurt, một nhà xã hội học tại trường đại học Seoul cho biết nỗi ám ảnh về thứ bậc bắt nguồn từ các nguyên tắc quân đội tồn tại trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Hàn Quốc.

Trong cấu trúc quyền lực này, “gabjil tại nơi làm việc là một cách để chứng minh vị thế xã hội của một người đối với những người khác”, anh chia sẻ.

Đối với nhiều người lao động Hàn Quốc, trong đó có Jung, bộ luật mới này dường như đến quá muộn màng.

Thay vì việc nhận được lời xin lỗi, cô đã bị sa thải bởi CEO của công ty, người sau đó đã kiện cô vì những lời lẽ “không hay”.

Những vụ việc đáng quên xảy ra đối với Jung chẳng bao giờ được đưa ra ánh sáng. Quá nhiều việc xảy ra cùng một thời điểm khiến cô từng nghĩ đến việc tự sát.

“Những ông chủ cũ của tôi đối xử với tôi không giống như họ đang đối xử với đồng loại của mình. Tôi có cảm giác giống như một món hàng mà họ có thể vứt đi bất cứ lúc nào”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại