Đội tàu sân bay được xem là niềm tự hào của Hải quân Mỹ. Mỗi lần làm nhiệm vụ trên biển, các tàu sân bay Mỹ được bảo vệ bởi đội tàu hộ tống, gồm 2 tuần dương, các tàu khu trục và tàu ngầm. Khi xuất hiện ở gần bờ biển của đối phương, đội tàu sân bay tạo điều kiện cho Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự ở xa căn cứ.
Mới đây, tàu sân bay đắt giá thế hệ mới đầu tiên mang tên USS Gerald R.Ford với chi phí hoàn thiện lên tới 12,9 tỷ USD đã gia nhập vào đội 10 tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Mỹ. USS Gerald R.Ford có thể mang theo hơn 10 máy bay và được trang bị công nghệ và hệ thống vận hành tối tân nhất.
Tuy nhiên khi đối mặt với lực lượng vũ trang của các cường quốc có tiềm lực quân sự mạnh như Nga và Trung Quốc, đội tàu sân bay của Hải quân Mỹ có thể bị đánh chìm, The National Interest nhận định.
Theo các nhà phân tích quốc phòng, tàu sân bay luôn là biểu tượng cho sức mạnh của nước Mỹ, đồng thời là công cụ hữu hiệu để nước này triển khai sức mạnh tới bất cứ khu vực nào trên thế giới. Bởi vậy, việc tìm ra một loại vũ khí có thể vô hiệu hóa và đánh chìm tàu sân bay Mỹ luôn là mục tiêu nhắm đến của quân đội nhiều nước.
Tên lửa đạn đạo chống tàu DongFeng-21D của Trung Quốc Nguồn: topwar.ru
Các cụm tàu sân bay Mỹ có hệ thống phòng thủ, cảnh giới tối tân, nhưng vẫn tồn tại lỗ hổng có thể bị đối phương khai thác.
Việc Trung Quốc sở hữu tên lửa đạn đạo chống tàu DongFeng-21D, được mệnh danh là "sát thủ diệt tàu sân bay" với vận tốc cực cao và rất khó đánh chặn, làm dấy lên những tranh cãi quanh tương lai của các tàu sân bay Mỹ.
DongFeng-21D có tầm bắn lên tới 1.450km, có khả năng cơ động cao, nhận dữ liệu từ vệ tinh do thám Yaogan, có thể tiêu diệt chính xác mục tiêu trong tầm bắn cho phép. Tên lửa DongFeng-21D được phóng đi từ các bệ phóng di động trên đất liền, nên không dễ dàng để tìm thấy và vô hiệu hóa nó.
Vài năm trước đây, Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ dành mối quan tâm lớn nhất đến tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21 và máy bay chiến đấu J-20 trong số các dự án phát triển vũ khí của quân đội Trung Quốc.
Tên lửa hành trình chống tàu P-700 Granit của Nga. Nguồn: militaryarms.ru
Việc dùng tàu ngầm tiếp cận tàu sân bay Mỹ là không hề dễ dàng, bởi các tàu sân bay Mỹ thường được một đội tàu chiến hộ tống. Những tàu ngầm hiện đại này được trang bị thiết bị thủy âm chủ động và thụ động, có khả năng phát hiện tàu ngầm đối phương từ xa và có biện pháp tiêu diệt trước khi chúng tới gần.
Biện pháp khả dĩ nhất để có thể tấn công tàu sân bay Mỹ không phải là bằng bom hay tên lửa, mà là các vũ khí phóng từ dưới lòng biển.
Các tàu ngầm nguyên tử đề án 949 lớp Antey của Nga không cần mạo hiểm tiếp cận đội tàu sân bay của Mỹ bởi vì chúng được trang bị hệ thống 24 quả tên lửa hành trình P-700 Granit, cho phép từ dưới nước phóng tên lửa đến mục tiêu ở khoảng cách lên tới 600km.
Ngoài ra, nếu sử dụng loại tên lửa siêu thanh mới nhất Zircon của Nga có thể đạt tốc độ lên tới 7.000km/h tấn công các tàu sân bay thì hệ thống phòng thủ của đội tàu sân bay Mỹ khó có khả năng đánh chặn.
Các tàu sân bay từ lâu đã là lợi thế chiến lược của quân đội Mỹ, do khả năng triển khai và biểu dương sức mạnh ở mọi vùng biển. Trong bối cảnh hiện nay, tiến bộ về công nghệ quân sự của Nga và Trung Quốc đang tạo ra những mối đe dọa nghiêm trọng tới đội tàu sân bay- biểu tượng cho sức mạnh quân sự Mỹ.