Triệu chứng ai cũng mắc
Theo thạc sĩ Nguyễn Đình Liên – khoa Ngoại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, táo bón là một triệu chứng chứ không phải là một căn bệnh và là một trong những vấn đề sức khỏe được bệnh nhân than phiền nhiều nhất.
Táo bón là một rối loạn phổ biến nhu động ruột thường là mãn tính và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống, đồng thời là sự tiêu tốn một khoản chi phí không nhỏ cho việc khám và chữa bệnh.
Táo bón được gọi là mãn tính nếu nó xảy ra lớn hơn trong 12 tuần trong 1 năm trước đó, mặc dù những tuần không liên tiếp. Không có định nghĩa được chấp nhận rộng rãi trên lâm sàng hữu ích cho việc chẩn đoán táo bón.
Chỉ tiêu đánh giá thường dùng là tần số đại tiện: Ít hơn 3 lần đi tiêu mỗi tuần.
Biến chứng của táo bón có thể dẫn đến nứt kẽ hậu môn, sa búi trĩ, tắc ruột do u phân, áp xe hậu môn. Táo bón lâu phân ứ đọng lâu ngày trong đại tràng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển sinh ra các chất có hại ngấm, hấp thu vào máu sẽ dần dẫn tới nhiễm độc mạn tính.
Đặc biệt, nó tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng, ống hậu môn.
Khoai và chuối hai thứ rất tốt cho bệnh táo bón
Bác sĩ Liên cho biết nguyên nhân gây táo bón thường là kết hợp nhiều yếu tố, táo bón có thể được phân chia thành 2 nhóm chính: Táo bón nguyên phát và táo bón thứ phát.
Táo bón nguyên phát theo ba loại cụ thể, phân di chuyển trong đại tràng với tốc độ bình thường nhưng bệnh nhân cảm thấy khó đi cầu. Trường hợp thứ hai, bệnh nhân đi tiêu thường xuyên, lượng phân ít, hoặc căng thẳng khi đi vệ sinh. Nó xảy ra phổ biến hơn ở những bệnh nhân nữ.
Trường hợp thứ 3, bệnh nhân bị rối loạn chức năng sàn chậu: Tổn thương ở sàn chậu hay rối loạn các cơ vòng, bệnh nhân thường có cảm giác đi cầu không "trọn vẹn", không thoải mái.
Ngoài ra, táo bón còn do nguyên nhân thứ phát đó là các vấn đề chế độ ăn uống có thể gây táo bón. Nứt hậu môn, trĩ huyết khối, hẹp đại tràng, khối u cản trở…
Làm gì khi bị táo bón
Theo thạc sĩ Liên, để ngừa táo bón mỗi người một ngày chỉ cần ăn hai quả chuối hoặc 1 củ khoai lang có thể tránh được táo bón và không sợ mắc bệnh trĩ.
Bác sĩ Liên cho biết các cách xử trí táo bón rất đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được.
Thứ nhất, uống nhiều nước vì nó có tác dụng làm mềm phân và giảm ma sát giữa niêm mạc ống tiêu hóa với khối phân khi phân di chuyển theo chiều nhu động và trọng lực.
Nếu bệnh nhân có rối loạn tiểu tiện (viêm bàng quang, u tuyến tiền liệt,...) nên uống nước nhiều vào ban ngày, hạn chế vào ban đêm để tránh tiểu đêm gây mất ngủ.
Táo bón gây khó chịu cho người bệnh
Thứ hai, bệnh nhân nên ăn nhiều chất xơ tinh bột chứa trong các loại khoai, củ, quả đặc biệt quả chuối, khoai lang.
Khi được đưa vào ống tiêu hóa có tác dụng làm khuôn phân mềm, di chuyển dễ, nếu có lượng nước thích hợp, chất nhờn của tinh dầu (vừng, lạc, dừa,...) của các loại lá có độ nhớt cao (nước rau mùng tơi, lá rau lang,...) và chất xơ tinh bột cũng có tác dụng hấp thu nước để tự làm mềm khối phân khi di chuyển...
Thứ ba, nên hạn chế chất xơ dây khó tiêu, đồ ăn mặn: Chất xơ dây khó tiêu chứa xenlulose nếu ăn nhiều sẽ tạo ra khuân phân cứng nhiều khi gây tắc ruột.
Đồ ăn mặn, cung cấp nhiều muối vào cơ thể, khiến cơ thể tăng hấp thu nước ở ống tiêu hóa đặc biệt là đại tràng sẽ làm cho khối phân bị "vắt" kiệt nước, khối phân rắn, di chuyển rất khó khăn do mất đi hiện tượng bôi trơn bề mặt giữa phân và niêm mạc ruột.
Khối phân táo chứa nhiều chất xơ khó tiêu di chuyển trong lòng đại tràng khô sẽ có hiện tượng tổn thương niêm mạc, đặc biệt là vùng đại tràng sigma, trực tràng và hậu môn.
Khi đủ lượng phân trong bóng trực tràng sẽ có phản xạ buồn đi ngoài. Do khó di chuyển phân để tống xuất ra ngoài nên cơ thể phải tăng phản xạ "rặn" để tống phân ra ngoài.
Hiện tượng này sẽ khiến tăng áp lực ổ bụng, làm tăng ứ máu tại các búi trĩ và khối phân rắn đẩy thấp xuống dưới, tiếp xúc và đâm - cứa rách búi trĩ đang căng hoặc niêm mạc hậu môn trực tràng gây ra hiện tượng đi ngoài ra máu.
Mặt khác cơ thắt hậu môn sẽ có phản xạ co thắt quá mức khiến rách niêm mạc hậu môn, tổn thương cơ thắt làm cho bệnh nhân có cảm giác đau đớn, chảy máu do tổn thương ống hậu môn - trực tràng.
Thứ tư, vận động liệu pháp thay đổi thói quen luyện tập, chịu khó vận động, ngồi ít vì khi cơ thể hoạt động sẽ bắt buộc cơ quan tiêu hóa phải hoạt động. Nhu động của ống tiêu hóa tăng lên làm tăng vận tốc di chuyển phân trong đại tràng xuống trực tràng.
Ngoài ra, theo bác sĩ Liên, vận động tốt, sẽ hỗ trợ cho áp lực ổ bụng qua sự gắng sức của cơ hoành, cơ của thành bụng trước - bên, cơ sàn chậu...
Bản thận bệnh nhân khi tập luyện sẽ làm tăng hoạt động của hệ hô hấp, tăng thể tích dự trữ khi nhịn thở trong khi gắng sức rặn, tống phân ra khỏi trực tràng - hậu môn. Tăng vận động, chạy nhảy cũng có tác dụng một phần làm phân di chuyển xuống thấp theo trọng lực.
Mỗi người nên tập cho mình thói quen đi vệ sinh trong một giờ nhất định tránh ứ động phân trong lòng ruột.