Hà thủ ô cực tốt nếu dùng đúng, dùng sai lại hoá độc

Ngọc Minh |

Hà thủ ô là dược liệu quý trong y học cổ truyền, nổi tiếng với đặc tính tốt cho máu, cho hệ tiêu hoá…

Hà thủ ô hay hà thủ ô đỏ còn gọi là giao đằng, là cây dây mọc hoang dại trong rừng núi phía Bắc của nước ta. Theo y học cổ truyền, hà thủ ô có vị đắng, chát; tính ấm, quy vào hai kinh: can, thận.

Trong Đông y, hà thủ ô có các tác dụng như bổ máu (bổ huyết), người tóc bạc sớm, cholesterol cao dùng rất tốt. Ngoài ra, hà thủ ô còn được dùng trong các trường hợp đại tiện táo kết, tiêu hóa kém. Trường hợp can thận, âm hư, gây đau lưng, mỏi gối, yếu gân cốt, di tinh, liệt dương, tiểu đường, tăng mỡ máu dùng hà thủ ô đều tốt.

Giá trị dược lý của hà thủ ô không chỉ được Đông y ghi nhận trong các bài thuốc chữa bệnh. Y học hiện đại cũng nghiên cứu hà thủ ô có nhiều dược lý chống oxy hoá tốt cho sức khoẻ.

Dù hà thủ ô là dược liệu quý, tốt cho sức khoẻ, nhưng dùng sai cách có thể gây ra nhiều hệ luỵ.

Hà thủ ô cực tốt nếu dùng đúng, dùng sai lại hoá độc - Ảnh 1.

Hà thủ ô đỏ, ảnh: Internet.

Nguy cơ khi dùng hà thủ ô sai cách

BSCKI Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cho biết dùng hà thủ ô không đúng cách sẽ gây ra tình trạng rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy. Trong hà thủ ô có chứa chất anthranoid làm tăng nhu động ruột, khiến dạ dày sản sinh ra nhiều chất nhầy. Do đó, nếu ăn quá nhiều có thể gây rối loạn đường tiêu hóa, đặc biệt là phân lỏng và tiêu chảy. Người có vấn đề đại tràng dùng hà thủ ô nên tư vấn thầy thuốc Đông y.

Do hà thủ ô có tính nhuận tràng, khi uống quá nhiều có thể làm mất đi khả năng hấp thu kali, dẫn tới rồi loạn điện giải. Nếu người dùng hà thủ ô xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, chân tay tê bì, cảm giác kiến bò khắp người… thì nên dừng lại để tránh nguy hiểm cho sức khoẻ.

Bác sĩ Ngọc Vân cho biết ăn quá nhiều hà thủ ô sẽ gây hại cho gan. Trên thực tế, nhiều trường hợp viêm gan do hà thủ ô ở nhiều cấp độ (vàng da, men gan tăng…) đã được ghi nhận và báo cáo. Do vậy, mọi người chỉ dùng hà thủ ô theo hướng dẫn và liều lượng của thầy thuốc Đông y.

Trường hợp dùng hà thủ ô có những dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi, vàng da có thể đã bị nhiễm độc gan… nên ngưng dùng ngay và đi khám chuyên khoa để xác định rõ nguyên nhân.

Ngoài ra, hà thủ ô là vị thuốc, do đó, không dùng cho trẻ dưới 3 tuổi, phụ nữ mới sinh con, người đang trong quá trình điều trị ung thư…

Theo bác sĩ Ngọc Vân, cần tránh dùng hà thủ ô với các gia vị như tỏi, gừng, ớt và hạt tiêu… Hà thủ ô có tính nóng, kết hợp với các gia vị tính nóng sẽ dẫn tới tình trạng nóng trong. Ngoài ra, điều này còn làm giảm đi những dược tính từ thảo dược.

Tóm lại, người có ý định dùng hà thủ ô kéo dài cần tuân thủ theo liều lượng của nhà sản xuất, chỉ định của thầy thuốc Đông y.

Lưu ý, khi dùng hà thủ ô, nếu phát hiện mối mọt, mốc cần bỏ luôn, không tiếc cố uống. Nên mua hà thủ ô ở những nơi uy tín để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng… dùng sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại