Bộ phận sinh dục phù nề, đau đớn sau cắt bao quy đầu
Đó là trường hợp của H.Q.H. (22 tuổi), bị hẹp bao quy đầu từ lúc mới sinh. Mới đây, H. có đến khám và làm thủ thuật cắt bao quy đầu ở một phòng khám tư nhân tại Hà Nội.
Sau khi thực hiện thủ thuật, quy đầu sưng nề nhiều, dịch và máu thấm băng, khiến anh đi lại khó khăn, cảm thấy lo lắng nên anh đã đã tìm đến Bệnh viện Da liễu Trung ương để được thăm khám và chữa trị.
Qua khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết khi đến phòng khám tư, anh được tư vấn cắt bao quy đầu và đóng tiền trước khi làm thủ thuật, nhưng khi đang trong quá trình làm thủ thuật, bệnh nhân được tư vấn đóng thêm lần thứ hai để làm thêm thủ thuật nếu không sẽ bị vô sinh. Tổng số tiền bệnh nhân phải trả cho cả hai thủ thuật này lên đến gần 20 triệu đồng.
ThS. BS. Hà Tuấn Minh (Bệnh viện Da liễu Trung ương), người trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân cho biết, qua thăm khám nhận thấy bệnh nhân bị sưng nề vùng cắt bao quy đầu, đi lại khó khăn, máu và dịch vẫn thấm băng, BS. Minh đã tư vấn bệnh nhân lên Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng của Bệnh viện Da liễu Trung ương để được điều trị và theo dõi.
(Ảnh minh họa)
TS. BS. Phạm Cao Kiêm, trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng - Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, sau khi tiếp nhận bệnh nhân đã được chỉ định điều trị chống nhiễm khuẩn, chống phù nề và rút dịch giải phóng chèn ép do phù nề.
Bác sĩ hướng dẫn cách chống nhiễm trùng sau cắt bao quy đầu
Liên quan đến vấn đề này, Ths.BS Nguyễn Đình Liên (Khoa Ngoại, BV Đại học Y Hà Nội) cho biết, cắt bao quy đầu là tiểu phẫu thuật, nhưng dương vật là vùng rất nhạy cảm về chức năng sinh lý tình dục, sinh lý tiểu tiện, tinh thần và tâm lý của bệnh nhân.
Bởi vậy, để hạn chế tối thiểu các tai biến, biến chứng trong và sau cắt bao quy đầu cần phải chọn đúng thời điểm phẫu thuật, chăm sóc và theo dõi sau cắt bao quy đầu cần phải thực hiện cẩn thận, đúng trình tự.
Theo đó, cần phải thay băng ngày thứ 2 sau cắt bao quy đầu. Thay băng cần chú ý, khi tháo gạc – băng cần có nước vô khuẩn bơm vào để chống dính (hạn chê đau), dùng các băng gạc có ít bông, hạn chế dính vào vết mổ.
Thay băng sao cho phần da bao quy đầu còn lại được lộn ra hết, vuốt ngước về phía gốc dương vật rồi dùng gạc mềm băng tròn theo chu vi, để lộ quy đầu ra phía trước.
Khi vệ sinh cá nhân cần hạn chế tắm toàn thân trong những 3-4 ngày đầu, mà chỉ lau người (tắm khô) trừ dương vật để tránh nước thấm vào vết mổ. Đồng thời, các bác sĩ cần hướng dẫn bệnh nhân đi tiểu đúng cách, tránh nước tiểu rớt vào vết mổ.
Hướng dẫn cách mặc quần áo, cố định dương vật để hạn chế đau, kích thích khi đi lại, vận động. Tư vấn tâm lý, nhắc nhở bệnh nhân không xem phim có nội dung kích thích tình dục để hạn chế cương cứng dương vật.
BS Liên cũng khuyến cáo, bệnh nhân nên khám lại sau 3-4 ngày để thay băng kiểm tra nếu có điều kiện, hoặc nhà ở gần bệnh viện. Khám lại sau 7-10 ngày để cắt chỉ, đồng thời đánh giá kiểm tra lại phần bao quy đầu mới với các yếu tố: Độ rộng, tính cân xứng, màu sắc, sẹo,…Kết quả được coi là tốt khi bao quy đầu mới không hẹp, đảm bảo tính thẩm mỹ.
Đặc biệt khi đến khám bệnh nhân cần phải được đánh giá miệng sáo – niệu đạo xem có viêm, dính, hẹp không để xử trí kịp thời. Theo BS Liên, đây là biến chứng đáng sợ nhất khi cắt bao quy đầu.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng nên tư vấn về việc quan hệ tình dục cho bệnh nhân. Thông thường có thể quan hệ tình dục sau 3-4 tuần, nên sử dụng bao cao su trong 2 tuần và tránh động tác mạnh.
Cuối cùng, để tránh biến chứng có thể xảy ra và tránh "tiền mất" tật mạng, người dân không nên đến các cơ sở y tế chui, không được cấp phép để khám và làm các thủ thuật, phẫu thuật. Khi có nhu cầu, người bệnh nên tìm đến các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa, có bác sĩ được phép hành nghề để được tư vấn và làm thủ thuật an toàn, khoa học.