Chó cắn nát môi
Câu chuyện đau lòng về bệnh nhi 8 tháng tuổi, Đội Cấn, Hà Nội bị chó nhà nuôi cắn cách đây không lâu chưa làm nguôi ngoai dư luận thì đến nay, Bệnh viện Việt Đức lại cấp cứu cho một bệnh nhân nam, 7 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội. Bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Ths.BS Nguyễn Thị Thu Hằng – Khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ cho biết bệnh nhân bị chó nhà cắn đứt rời 1 phần môi phải. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng phần môi đứt rời lại không được bảo quản đúng cách.
Bác sĩ Hằng cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng: tỉnh, mặt nhiều vết thương, khuyết ½ môi trên dính sát liền mũi (P), vết thương thấu môi dưới (P), phần đứt rời kích thước 2x2cm dập nát, có nhiều vết răng chó ở trên. Vì tổn thương quá dập nát nên không có khả năng nối vi phẫu trồng lại môi cho bệnh nhân.
Ê kíp phẫu thuật đã tiến hành làm sạch tổn thương, khâu các vết thương ở mặt, ghép phức hợp 1 phần của môi trên. Tuy nhiên, do phần môi dập nát nên sẽ bị tổn thương ảnh hưởng lớn đến chức năng và thẩm mỹ của trẻ. BN sẽ được phẫu thuật tạo hình nhiều lần nhưng kết quả sẽ không bao giờ trở về như trước được.
Nếu trong trường hợp bảo quản phần cơ thể đứt rời là môi đúng cách, thì người nhà phải cho phần môi đứt rời vào 1 túi nilon sạch thêm ít nước sạch, quấn chặt và đặt vào thùng nước đá.
Trường hợp nữa là bệnh nhân nữ, 88 tuổi, Đông Anh, Hà Nội đang điều trị tại khoa Phẫu thuật Chấn thương Chung, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Bệnh nhân bị vết thương lóc da bàn tay, phần mềm ngón 2 bàn tay.
Cháu của bệnh nhân cho biết, trên đường đi mua thuốc cảm cúm về, bà bị con chó to của hàng xóm chạy ra ngoài đường xô ngã, cắn vào tay và được đưa ngay đến bệnh viện.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn đã có rất nhiều trường hợp bị chó nhà nuôi cắn gây thương tích.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng – Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, vào ngày 22/7 vừa qua, khoa cũng tiếp nhận 1 bé trai 10 tuổi (Hưng Yên) đến cấp cứu trong tình trạng có nhiều vết thương hở sâu do chó cắn vào gáy và tay.
Cháu bé bị chó nhà cắn trong lúc cho chó ăn. Cánh tay gần như bị nát với các vết cắn nham nhở, sâu đến tận xương.
Các bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhi bị chó cắn
Làm gì khi bị chó cắn?
Các bác sĩ khuyến cáo, BN khi bị chó nhà cắn phải cấp cứu về mặt thương tích. Đồng thời, phải tiêm phòng vắc xin vì nhiều chó nhà nuôi chưa được tiêm phòng dại. Đặc biệt nếu nạn nhân là các trẻ nhỏ, vết cắn sâu hoặc nằm ở các bộ phận nguy hiểm như đầu, mắt, đầu chi, cơ quan sinh dục…
Ngoài ra, nếu trước đó con chó từng cắn người hoặc có biểu hiện lên cơn dại, con vật sống trong vùng dịch dại hoặc bạn không thể theo dõi được con vật, người bị cắn cũng đều cần đi tiêm phòng.
Với các vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương (như cẳng chân), con vật cắn không có biểu hiện dại, đã được tiêm phòng, sống trong khu vực không có bệnh dại, thì người bệnh có thể chỉ cần theo dõi con vật trong vòng 10 ngày để xem xét khả năng tiêm phòng.
Nếu con vật vẫn sống khoẻ mạnh thì BN không cần tiêm. Nhưng nếu nó bị mất tích, lên cơn dại hoặc bị giết trước 10 ngày thì việc chủng ngừa là vô cùng cần thiết với người bị cắn.