Bác sĩ Việt tại Mỹ 'giải mã' chuyện chó cắn người - một bé gái ở Việt Nam vừa tử vong

BS Wynn Tran |

Nước Mỹ có hẳn một chuyên ngành là "chó trị liệu", nhưng cũng tại nước này có tới 4,7 triệu trẻ em lẫn người lớn bị chó cắn mỗi năm.

Trong các con vật nuôi trong nhà, chó được xem là thú nuôi gần gũi và trung thành nhất. Không phải ngẫu nhiên mà tại các bệnh viện Mỹ, chó là một trong những thú trị liệu phổ biến nhất. 

Hình ảnh các chú chó, to và nhỏ nằm bên cạnh bệnh nhân ung thư để hỗ trợ và an ủi là hình ảnh thân thường thấy tại các khu điều trị.

Từ lâu, Việt Nam cũng xem chó là vật nuôi thân thương và quen thuộc. Chó được xem như một thành viên gia đình, có nơi được xem như là một đứa con "út cưng".

Thế mà mấy hôm nay, chuyện em bé bị chó cắn tử vong đã khiến nhiều người bàng hoàng.

Vì sao "út cưng" lại cắn "anh chị hai"?

Thật ra, chuyện chó cắn trẻ em và người lớn không hiếm. Tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 4,7 triệu trẻ em và người lớn bị chó cắn và khoảng 1 triệu người phải đến bệnh viện điều trị (1).

Chó cắn gây tử vong cũng xảy ra tại Mỹ dù chính phủ đã nỗ lực đưa vào giáo dục cộng đồng và huấn luyện chó. Dù vậy, hàng năm vẫn có từ 5-15 người tử vong tại Mỹ do bị chó cắn (2).

Bác sĩ Việt tại Mỹ giải mã chuyện chó cắn người - một bé gái ở Việt Nam vừa tử vong - Ảnh 1.

Ảnh trái là bé trai 11 tuổi người Canada bị chó cắn. Ảnh phải là một bé khác 10 tuổi bị chó giống Chăn cừu Đức tấn công. Nguồn anh: enhs.umn.edu.

Không ít người nghĩ bị chó cắn là do xui xẻo hoặc ngẫu nhiên. Tuy nhiên, theo các bác sĩ thú y và các chuyên gia thú nuôi, có nhiều lý do có thể khiến chó cắn người.

Lý do phổ biến nhất là chó cảm thấy sợ hãi, bị chọc giận và phản ứng trong lúc đang cần không gian riêng. Những lý do này thường được chó thể hiện ra bên ngoài nhưng trẻ em thường không nhận thấy.

Người lớn có thể đọc được những dấu hiệu này khi chú chó nổi giận như bước lùi, cụp tai và đuôi, xù lông, gầm gừ, co người lại hoặc nhe răng ra. Nhưng trẻ em thường vô tư nghĩ rằng chó đang đùa với mình và các em cứ tiến đến chọc ghẹo chó, dẫn đến bị cắn.

Dựa vào các dữ liệu thống kê, bác sĩ thú y Sophia Yin nhận thấy đa số trẻ em chưa được dạy cách cư xử đúng mực với chó và thú nuôi (3). Do vậy, các em chưa biết đâu là không gian riêng của chó, đặc biệt là khi nào chú chó đang ăn, đang ngủ, hoặc nuôi con. Đây là những lúc chó dễ nổi giận nhất nếu bị làm phiền, và dễ cắn ngược lại.

Cách giảm thiểu rủi ro cho trẻ em khi tiếp xúc với chó 

Bác sĩ Việt tại Mỹ giải mã chuyện chó cắn người - một bé gái ở Việt Nam vừa tử vong - Ảnh 2.

Từ xa xưa, chó là một trong những con vật được thuần hoá sớm nhất để sống chung với người. Chó có thể học hỏi nhanh và dễ nghe lời.

Tại Mỹ, tất cả chó trị liệu trong bệnh viện (và người hướng dẫn) đều phải trải qua những buổi huấn luyện gắt gao trước khi tốt nghiệp để giúp đỡ bệnh nhân (4). Các nghiên cứu cho thấy chó trị liệu giúp hạ huyết áp, giảm lo âu, và tăng các hormone hạnh phúc.

Riêng đối với các bệnh nhân nhi, các chú chó và người chủ phải trải qua những khoá huấn luyện khắt khe hơn để được vào bệnh viện. Việc chó có thể hoàn thành các bài học trị liệu khó khăn cho thấy việc huấn luyện các "út cưng" trở nên thân thiện với trẻ em là điều khả thi.

Vì vậy, các bậc cha mẹ nếu có chó nuôi nên dành thời gian dạy dỗ cho "út cưng" của mình.

- Tập cho các "út cưng" cách tương tác phù hợp với người lạ, trẻ em, và người lớn tuổi thông qua các bài học cơ bản như thưởng chó ăn ngon khi chú chó học tốt.

- Dạy cho trẻ cách hiểu và cư xử đúng về chó. Tại Việt Nam, thường xuyên có những trường hợp các em bé kéo tai, kéo đuôi chó hoặc mèo quen trong nhà mà không biết là mình có thể bị chó hoặc con mèo cắn ngược lại.

- Khi đem chó về nhà nuôi, người lớn nên tìm hiểu kỹ và tham khảo tư vấn với BS thú y nhằm kiềm soát các loại bệnh nguy hiểm có thể làm cho chó trở nên hung dữ.

- Cha mẹ khi dẫn con em đền nhà có thú nuôi, nhất là chó to lớn lại càng phải cẩn thận hơn.

- Không để mặt trẻ em gần sát với miệng chó, tránh thò tay tiếp xúc với chó khi con vật đang ở trong hàng rào hoặc trong chuồng.

- Quan trọng nhất, cha mẹ nên hướng dẫn cách đối xử với chó và thú nuôi đúng mực, không nên bạo hành hoặc đánh đập chó. Hãy xem chó như một người bạn hay một người con nhỏ.

Hãy chú ý và dạy dỗ thái độ của người bạn này, và hãy tôn trọng sự riêng tư của người bạn nhỏ này khi cần. Cuối cùng, chúng ta nên dạy trẻ em, các "anh chị" cách đối xử với "em út" đúng hơn.

Tham khảo:

1. http://enhs.umn.edu/current/6120/bites/dogbiteinjuries.html

2. http://enhs.umn.edu/current/6120/bites/dogbitefatal.html

3. https://positively.com/contributors/why-dogs-bite-children-a-lesson-in-preventing-dog-bites-in-kids/

4. https://www.akc.org/expert-advice/training/advanced-training/training-dog-therapy/

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại