LTS:
“Tại sao trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân giỏi muốn bỏ nước ra đi? Tại sao cán bộ về hưu hay đương chức tìm cách cho mình hay con cháu mình ra định cư ở nước ngoài?" – Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi trên diễn đàn Quốc hội.
Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã thốt lên như vậy. Câu nói này là câu hỏi xoáy sâu vào tâm trí những người Việt có lương tri.
Và cũng đặt ra cho chúng ta nhiều suy ngẫm, làm sao để người Việt yêu nước hơn, muốn công hiến hơn cho tổ quốc, những người đi du học muốn về nước, con em những người có học, có tiền, có chức bớt tìm cách định cư ở nước ngoài.
Để phần nào lý giải thêm những trăn trở đó, PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này.
Vì sao người có tiền, người có học lại muốn định cư ở nước ngoài?
Thưa giáo sư, trước câu hỏi của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa mà nhiều báo đưa tin, ông đánh giá thế nào về hiện tượng quan chức tìm cách cho con em đi du học và định cư ở nước ngoài đang diễn ra?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, đi du học là tốt.
Con quan chức cũng như con thường dân đều không phân biệt, chỉ trừ trường hợp các quan chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để lấy cho con học bổng của Chính phủ Việt Nam hoặc của nước ngoài một cách không chính đáng.
Còn nếu họ bỏ tiền cá nhân để cho con đi học hoặc con của họ đáp ứng được tiêu chuẩn chọn người đi du học cũng là điều tốt.
Nhưng đối với quan chức, người dân có quyền đặt câu hỏi: Họ lấy tiền ở đâu cho con đi học tự túc với mức học phí cả mấy chục nghìn USD/năm? Vì với đồng lương nhà nước, quan chức không thể cho con đi nước ngoài như vậy.
Dĩ nhiên, cũng có những ông bà quan chức vừa làm quản lý, vừa làm chuyên môn, nhưng nói thật, thu nhập cả từ tay phải lẫn tay trái may ra cũng chỉ có thể đủ mua cái nhà tầm tầm, cái xe kha khá thôi.
Thưa giáo sư, hiện tượng nhiều thanh niên đi du học không trở về nước hay nhiều bậc phụ huynh tìm cách đầu tư gần triệu đô vào các dự án ở nước ngoài với mục đích kiếm “thẻ xanh” để con cái được định cư tại nước ngoài cũng đang là một xu hướng mới?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Cách đây 7, 8 năm, trong một lần làm việc với tôi, Giáo sư Thomas Vallely, Trưởng nhóm nghiên cứu về đại học Việt Nam của Đại học Harvard (Hoa Kỳ), đã đề cập đến hiện tượng nhiều du học sinh Việt Nam không trở về nước.
Ông tỏ ý lấy làm tiếc vì Việt Nam đang rất cần nhân lực có trình độ cao mà không thu hút được du học sinh trở về, và khuyên chúng ta đổi mới mạnh mẽ chính sách sử dụng nhân lực để thay đổi tình hình này.
Tới nay lại thêm hiện tượng bố mẹ quyết bỏ tiền đầu tư lấy cho được cái “thẻ xanh” để cả nhà, trước hết là con cái, được định cư ở nước ngoài nữa thì đúng là phải mổ xẻ nguyên nhân của tình trạng “du canh du cư” này rồi.
Giáo sư có thể lý giải vì sao những người có học, có tiền lại muốn định cư ở nước ngoài?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Chẳng riêng người có trình độ cao hay có tiền đâu, mà lao động phổ thông cũng muốn định cư ở nước ngoài nếu họ tìm được công ăn việc làm.
Về nguyên nhân thì GS Thomas Vallely cũng đã đề cập một phần: Đó là do chính sách sử dụng nhân lực.
Ví dụ, các em đi học ở nước ngoài quay trở về nước liệu có xin được việc không? Xin việc phải chạy mất bao nhiêu tiền? Giả sử chi tiền để có việc làm rồi thì có cơ hội thăng tiến không hay lại phải chi tiền tiếp?
Nếu không xin việc ở khu vực công mà tự lập nghiệp thì cơ hội lập nghiệp, tiếp cận vốn thế nào? Làm ăn có thuận lợi không hay lúc nào cũng phải lo “vái tứ phương”?
Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến du học sinh ngại trở về là môi trường sống thiếu sự điều tiết nghiêm minh của pháp luật và văn hóa.
Người dân, nhất là người từ các nước phát triển trở về, cảm thấy bị ức chế từ những việc rất đơn giản, như giao thông lộn xộn, thiếu an toàn; trật tự vệ sinh không đảm bảo; an toàn thực phẩm kém; làm bất cứ giấy tờ gì đều gặp phiền hà v.v...
Nhiều khi có những việc là quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp, pháp luật, nhưng người dân cũng không được hưởng.
Tôi cứ nói một vài việc đơn giản như bạn đang đi trên hè phố bỗng dưng bị một xô nước bẩn hắt vào người hay bỗng dưng bị chửi mắng, xúc phạm thì ai giải quyết cho bạn?
Trong khi đó, sống ở các nước phát triển, làm việc tuy vất vả nhưng người ta được đảm bảo một cuộc sống an lành; nếu quyền con người, quyền công dân bị vi phạm sẽ có pháp luật bảo vệ.
Cho nên, muốn giữ chân được nhà đầu tư, nhà khoa học và thu hút được con em chúng ta du học trở về phục vụ đất nước thì phải cải thiện môi trường sống.
Không cần đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Pháp luật mà không được thi hành nghiêm thì cơ quan nhà nước, người đứng đầu cơ quan nhà nước hữu quan phải chịu trách nhiệm.
“Nếu GS Ngô Bảo Châu ở lại trong nước thì rất phí”
Thưa giáo sư, có nhiều ý kiến đổ lỗi cho giáo dục và y tế chưa đảm bảo, giáo sư có lý giải như thế nào?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Giáo dục và y tế là hai ngành bị chê nhiều, nhưng ta hãy thử đặt câu hỏi: Có ngành nào khá hơn hai ngành đó không? Tôi nghĩ là không. Thậm chí, so với những ngành khác, hai ngành này còn khá hơn.
Nhưng vì bức xúc mà không dễ trút vào đâu, người ta cứ trút vào hai “anh” “thấp cổ bé họng” này, mặc dù nhiều điều nói về hai “anh” này đâu có đúng.
Nói riêng về giáo dục thì đòi hỏi của người dân rất cao, nhất là khi giáo dục được tặng cho danh hiệu “quốc sách hàng đầu”. Nhưng với điều kiện như hiện nay thì không thể đỏi hỏi chất lượng giáo dục như các nước phát triển được.
Đường lối của Đảng, Nhà nước coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng từ địa phương đến trung ương thực hiện quan điểm ấy như thế nào?
Cứ thử hỏi “Mỗi tháng, mỗi năm, cấp ủy và chính quyền dành được bao nhiêu thời gian cho giáo dục? Mỗi năm dành bao nhiêu đất để làm trường; bao nhiêu đất làm sân gôn, nhà hàng, khách sạn?” là biết ngay giáo dục đứng ở vị trí nào.
Năm 1999, tôi sang tìm hiểu giáo dục ở Vương quốc Anh, có hỏi cán bộ quản lý ở đó: “Lương của giáo viên tiểu học là bao nhiêu”. Họ trả lời: 26.000 bảng Anh/năm. Tính ra, theo tỉ giá bây giờ đã tương đương 65 triệu đồng Việt Nam/tháng.
Mà ở các trường tiểu học tôi đến thăm, mỗi lớp chừng 20 – 25 học sinh, có 2 cô giáo – một cô dạy chính, một cô trợ giảng. Giáo viên của ta, một cô giáo phụ trách tới 50 học sinh, mà lương được bao nhiêu? Có được 6 triệu đồng/tháng không?
Ta cứ bảo nhà trường phải tổ chức cho học sinh đi tham quan, thực tế, nhưng một lớp 20 cháu còn quản được, chứ đến 50 cháu thì đâu có dễ.
Tiền ở đâu để đưa các cháu đi? Một cô có đảm nhiệm được 50 cháu mà không xảy ra tai nạn không? Nếu tôi là giáo viên, tôi cũng không dám đưa các cháu đi như thế.
Nếu chúng ta đến một số trường tư thục ở Hà Nội và TP HCM, một lớp học dưới 20 em, điều kiện học rất tốt, chẳng có thầy, cô nào ép các em học thêm. Tuy nhiên, học phí ở những trường này rất cao, khoảng 100 triệu/năm.
Đại học của ta, tính cả phần đầu tư của Nhà nước và học phí, bình quân chỉ 200 USD/sinh viên/năm. Trong khi đó, ở Mỹ, riêng học phí đại học trung bình 30-40 nghìn USD/năm.
Các trường đại học quốc tế tại Việt Nam (như RMIT ở TP HCM) học phí cũng cỡ 15.000 USD/năm. Phải nói rằng, giáo dục của ta làm việc trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Môi trường xã hội hiện nay cũng là một yếu tố hạn chế kết quả giáo dục. Trong một môi trường văn hóa, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng như thế này, khó có thể giáo dục con em thật ngoan, thật giỏi.
Học sinh học ở trường chỉ 5 tiếng/ ngày, ở với bố mẹ và xã hội là 19 tiếng/ngày. Nhà trường, thầy cô dạy học sinh những điều tốt đẹp, lý tưởng.
Nhưng ra đến cổng trường, các em đã mắt thấy tai nghe những điều ngược lại với lời dạy của thầy cô rồi. Người ta thông thường dễ nhiễm tính xấu hơn tính tốt.
Giống như đôi giày ta đi, muốn giữ sạch khó hơn là để bẩn. Nhà trường có cố dạy học sinh ngoan cũng không được.
Các vị phụ huynh có tiền cho con em ra nước ngoài học, tôi ủng hộ. Kể cả các bạn trẻ có ở lại nước ngoài tôi cũng ủng hộ.
Vì ở lại nước ngoài, trong điều kiện tốt, các bạn trẻ sẽ phát triển thành những người giỏi, đến lúc nào đó sẽ giúp ích cho Tổ quốc.
Thú thực, tôi nghĩ rằng, những người giỏi, nhất là trong các ngành khoa học cơ bản như Giáo sư Ngô Bảo Châu nếu ở trong nước thì rất phí.
“Không thể bắt người ta kiễng chân cả đời”
Còn y tế thì sao, thưa giáo sư?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Y tế Việt Nam hiện nay thực hiện được nhiều kỹ thuật hiện đại của thế giới như ghép gan, ghép thận, mổ công nghệ cao,...
Vấn đề của ngành y tế là điều kiện khám, chữa bệnh quá kém, lương thầy thuốc quá thấp. Người học ngành y, thi vào đã khó, học mất đến 6 năm, ra trường lương cũng chỉ như cử nhân ngành khác học 4 năm thôi.
Đặc biệt, trách nhiệm của thầy thuốc rất lớn. Một thầy giáo hết sức quan trọng, nhưng hôm nay thầy giảng bài có chỗ chưa chính xác, ngày mai thầy có thể đính chính.
Còn bác sĩ không thể đính chính được. Một sĩ quan công an, quân đội làm việc như một công chức tại Hà Nội, TP HCM hay các thành phố cũng được trả lương lương gấp đôi người bình thường như người ở biên giới, hải đảo.
Ông bác sĩ có trách nhiệm lớn như vậy, sao không được trả lương gấp đôi người bình thường?
Về điều kiện làm việc của ngành y, chúng ta đang cố gắng đảm bảo nguyên tắc rất sách vở về công bằng xã hội. Thu viện phí rất thấp, không bù được chi phí thực.
Bảo hiểm y tế thu cũng thấp nên cấp thuốc rất tượng trưng. Tại sao ta không đổi mới cách nghĩ để thay đổi tình trạng này?
Tôi nghĩ, có thể áp dụng mô hình y tế như thời Pháp, có bệnh viện công chữa cho người nghèo và các đối tượng ưu tiên, Nhà nước lo; phần còn lại là dịch vụ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của những người thu nhập từ trung bình khá trở lên.
Như vậy thì cả người bệnh lẫn thầy thuốc đều được đảm bảo quyền lợi.
Ta hay kêu ca về thái độ của một số thầy thuốc.
Ngành y phải có trách nhiệm sửa chữa khuyết điểm này. Nhưng nói cho công bằng, làm việc căng thẳng, khám chữa bệnh cho hàng trăm người bệnh/ngày mà lương thấp thì người ta dễ sinh ra cáu gắt. Mà cửa hẹp thì sẽ sinh cửa quyền.
Theo tôi, thu nhập, trình độ và trách nhiệm phải tương xứng. Không thể bắt người ta kiễng chân cả đời được.
Xin chân thành cảm ơn giáo sư!