Ngày 17/11, các Bộ trưởng đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Tại buổi làm việc này, các Bộ trưởng của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ,… đã có những câu trả lời “lòng vòng”, không đi thẳng vào vấn đề, thậm chí có những câu trả lời khiến các đại biểu “cười ồ” và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải liên tục ngắt lời nhắc nhở.
Điều này đã gây chú ý dư luận.
PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn đề trên.
GS Nguyễn Minh Thuyết: Có Bộ trưởng nói vòng vo để khỏi phải trả lời thẳng vì đại biểu đã “truy” đúng vào những vấn đề còn yếu, thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng.
Ông có quan điểm thế nào về những phần trả lời của các Bộ trưởng tại phiên chất vấn ngày 17/11?
Ngày 17/11 là ngày chất vấn rất sôi nổi. Tôi không nghe được hết, nhưng sau đó có nghe tường thuật lại ý kiến trả lời của nhiều Bộ trưởng.
Tôi chia sẻ với một vài ý kiến của các Bộ trưởng khi trả lời Quốc hội nhưng thú thật, nghe một số Bộ trưởng trả lời, tôi thấy rất buồn, vì có Bộ trưởng hình như không nắm được việc, có Bộ trưởng cố ý nói vòng vo, đến mức Chủ tịch Quốc hội phải liên tục xen vào hỏi: “Có việc đó không? Việc đó có sai không?”,... mà vẫn không trả lời được.
Đến lúc Chủ tịch Quốc hội phải hỏi lại lần nữa có phải ý Bộ trưởng nói thế này, thế kia không thì mới trả lời: “Đúng ạ”. Người dân bình luận cách trả lời của nhiều Bộ trưởng giống như học sinh tiểu học.
Tại sao Bộ trưởng lại nắm việc kém như thế? Không hiểu được câu hỏi của đại biểu hay cố ý trả lời loanh quanh?
Các vị Bộ trưởng dứt khoát phải nắm vững công việc của ngành mình. Ngay như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 16/11 cũng trả lời loanh quanh mãi.
Chủ tịch Quốc hội phải gặng hỏi: “Chương trình mới có còn môn Lịch sử không?”, nhưng Bộ trưởng vẫn không nói được là có hay không, mà chỉ nói là sẽ báo cáo ban này ban kia.
Chỉ trả lời có mấy câu hỏi đơn giản như thế mà không trả lời được thì không biết các vị Bộ trưởng điều hành công việc ngành mình như thế nào?
Ông có suy nghĩ thế nào với câu trả lời khá “ấn tượng” của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh là: “Tôi bỏ ngỏ cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời việc này, tôi không dám trả lời” khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có hỏi bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia, Singapore?
Theo tôi, Bộ trưởng trả lời như thế rất là thực bụng vì ông cũng sắp hết nhiệm kỳ rồi.
Tâm lý của ông là sẵn sàng giao cho người khác rồi mà ông lại hứa hẹn, “vẽ” ra tương lai rất tốt đẹp thì có lẽ không hợp lắm, đúng là phải giao cho người kế nhiệm của mình.
Nhưng nếu hỏi về trách nhiệm của ông thời gian qua, hay ông rút ra kinh nghiệm gì để truyền lại cho người kế nhiệm thì tôi nghĩ có lẽ ông sẽ trả lời kỹ hơn.
Có thể người tiền nhiệm vạch ra kế hoạch này, kế hoạch kia nhưng người kế nhiệm không thực hiện theo, đó là chuyện bình thường.
Nhiều Bộ trưởng có câu trả lời “lòng vòng”, không đi thẳng vấn đề và bị Chủ tịch Quốc hội ngắt lời hoặc hỏi đi hỏi lại nhiều lần, theo ông thì với những câu trả lời như thế có thể hiện hết trách nhiệm của các Bộ trưởng trong công việc của mình?
Tôi cho rằng, có thể có Bộ trưởng không nắm vững công việc của ngành mình. Nếu thế thì rất đáng trách, vì đại biểu Quốc hội không nêu những câu hỏi chi tiết về vụ việc ở địa phương nào đó mà toàn hỏi về các vấn đề lớn thì Bộ trưởng phải trả lời được.
Ngoài ra, cũng có thể có Bộ trưởng nói vòng vo để khỏi phải trả lời thẳng vì đại biểu đã “truy” đúng vào những vấn đề còn yếu, thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng.
Thiếu sót mà không dám nhận thiếu sót của mình thì cử tri rất phiền lòng, mà chắc đại biểu cũng phiền lòng.
Vậy, có câu trả lời của Bộ trưởng nào khiến ông ấn tượng không?
Tôi nói thật là không thể khen được Bộ trưởng nào cả.
Ông có góp ý gì để các Bộ trưởng có thể đưa ra những câu trả lời hợp với đại biểu và lòng dân hơn?
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là Bộ trưởng là phải nắm được công việc của ngành mình và phải có tinh thần trách nhiệm.
Khi đại biểu hỏi thì mình phải thấy được hạn chế ở đâu, trách nhiệm của mình ở đâu và giải pháp thế nào. Đấy là điều người dân và đại biểu mong muốn, chứ đừng nên kéo dài thời gian, trả lời loanh quanh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết là giảng viên cao cấp thuộc Khoa Ngôn ngữ học của ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội từ năm 1990 - 2003; là ĐBQH các khóa XI, XII của Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, từng giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho đến khi nghỉ hưu. Ông nổi tiếng là người trực ngôn với các chất vấn gai góc trên diễn đàn Quốc hội.