Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Otago (New Zealand) và các cộng sự thuộc Đại học Heidelberg (Đức) nhận thấy, khả năng thụ thai của động vật có vú phụ thuộc đáng kể vào việc truyền dẫn tín hiệu giữa một protein có tên gọi kisspeptin với bộ phận thu nhận tín hiệu của nó là gen Gpr54.
Theo các chuyên gia, Gpr54 xuất hiện ở một nhóm nhỏ các tế bào thần kinh tiết ra hoóc môn giải phóng gonadotropin (GnRH) trong bộ não. Họ phát hiện, các con chuột chỉ thiếu thụ quan Gpr54 ở những tế bào thần kinh GnRH sẽ không trải qua quá trình dậy thì và không có khả năng sinh sản.
Tuy nhiên, những con vật này sẽ khôi phục được khả năng sinh sản như bình thường, nếu được cấy mình gen Gpr54 vào các tế bào thần kinh GnRH.
Giáo sư Allan Herbison, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: "Vô sinh là một vấn đề lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên khắp thế giới. Hiện ước tính có tới 20% số cặp vợ chồng ở New Zealand lâm vào tình cảnh này. Có tới 1/3 số trường hợp vô sinh ở phụ nữ được cho là có liên quan đến các rối loạn ở vùng mạch não chúng tôi đang nghiên cứu.
Hiểu biết mới của chúng tôi về cơ chế chính xác, trong đó kisspeptin đóng vai trò như một yếu tố then chốt kiểm soát sự sinh sản, là một đột phá thú vị, mở ra những đường hướng mới cho việc chống lại một trong vấn đề sức khỏe phổ biến và rất đáng buồn hiện nay. Thông qua việc mô tả chi tiết cơ chế này, chúng tôi hiện đã có trong tay một 'công tắc' hóa học, có thể dùng thuốc để tác động một cách chính xác nhằm đảo ngược tình trạng vô sinh ở người".
Giáo sư Herbison cho rằng, việc thao túng kisspeptin cũng có thể hữu ích trong quá trình điều trị những căn bệnh như ung thư tuyến tiền liệt, vốn chịu ảnh hưởng của lượng hoóc môn steroid giới tính trong máu.
Bạn đọc có thể gửi thư, câu hỏi về tòa soạn theo email: suckhoe@soha.vn. Chuyên gia của chúng tôi sẽ giúp bạn tháo gỡ những rắc rối thầm kín!