Các môn thể thao giúp tăng chiều cao

Vận động là một trong những yếu tố có tính chất quyết định đến sự phát triển toàn diện của trẻ, đặc biệt là phát triển chiều cao.

Tuy nhiên, phải có một chế độ luyện tập khoa học, phù hợp mới có thể kích thích phát triển tối đa chiều cao cho trẻ.

Sự phát triển chiều cao mà vận động có thể đóng góp cho cơ thể chiếm tới 16% (bên cạnh các yếu tố dinh dưỡng, di truyền, môi trường, giấc ngủ...). Muốn phát huy tối đa 16% đó, nên chọn cho trẻ một trong ba môn thể thao: bóng rổ, bóng chuyền hoặc bơi lội. Vẫn đóng vai trò hỗ trợ chuyển hóa và hấp thu chất dinh dưỡng, ba môn thể thao này còn có tính kích thích tăng trưởng chiều cao cực tốt.

Điểm chung của ba môn thể thao này là cần sự phối hợp vận động của toàn thân, đặc biệt là tác động đến cột sống, chân và tay. Người chơi sẽ luôn phải rướn lên cao để tâng, lấy, ném, đập, tranh cướp bóng hoặc rướn, đạp nước để bơi về phía trước. Điều này sẽ kích thích cột sống, cơ bắp, xương chân tay giãn ra.

Tùy theo sở thích của bé và điều kiện gia đình để chọn lựa môn thể thao phù hợp. Khi bé lên ba tuổi, bạn đã có thể bắt đầu cho bé học bơi. Ban đầu nên cho bé bơi ếch vì động tác dễ hơn những kiểu bơi khác. Điều quan trọng là cần lưu ý chất lượng nước hồ bơi để tránh cho trẻ bị nhiễm bệnh.

Theo huấn luyện viên Nguyễn Trọng Nghĩa, CLB TDTT Phan Đình Phùng (TP.HCM), với môn bóng chuyền, chỉ nên cho trẻ bắt đầu tập từ khi 12 tuổi vì đây là một môn khá khó, cần phải biết kỹ thuật mới có thể chơi được. Mặt khác, để làm quen với những kỹ thuật căn bản cần phải mất khoảng ba - bốn tháng. Nếu còn quá nhỏ, trẻ sẽ khó tiếp thu và tạo nên tâm lý chán nản. Thời gian đầu nên cho trẻ học nhẹ nhàng, vui, thoải mái là chính, không nên thi đấu ngay hoặc ham đập bóng vì có thể gây chấn thương.

Các môn thể thao tăng chiều cao
Luyện tập bóng rổ sau giờ học tại CLB TDTT Phan Đình Phùng - Ảnh: Ca Hảo

Môn bóng rổ thì trẻ có thể làm quen sớm hơn, bắt đầu từ sáu tuổi. HLV bóng rổ Nguyễn Thanh Hùng, CLB TDTT Phan Đình Phùng, tư vấn: "Ban đầu, nên cho trẻ cầm bóng chơi, vận động với bóng để trẻ cảm nhận và yêu thích. Lâu dần trẻ sẽ được học cách quản lý quả bóng và những kỹ thuật cơ bản của môn bóng rổ. Tránh cho trẻ luyện tập quá mức vì có thể gây chấn thương, lật sơ mi".

Cần lưu ý rằng, ban đầu không nên cho trẻ tự tập chơi vì nếu sai kỹ thuật, việc chỉnh sửa sẽ vừa khó khăn vừa mất thời gian, đồng thời khiến trẻ nhanh chán. Quan trọng hơn, nếu kỹ thuật, động tác sai sẽ không mang lại hiệu quả kích thích phát triển chiều cao, thậm chí còn có khả năng gây chấn thương. Vì vậy, để đạt được hiệu quả, phụ huynh không nên cho trẻ chơi một cách ngẫu hứng mà cần tìm huấn luyện viên có chuyên môn, được đào tạo bài bản.

BS Khương Quốc Khoa - Hội Y học thể dục thể thao TP.HCM, tư vấn: Nên cho bé tập đều đặn ba lần một tuần, cường độ tập nhẹ nhàng vừa phải, không quá gắng sức và không quá 45 phút mỗi lần. Tránh tình trạng mỗi ngày đều tập vì nếu tập quá nhiều sẽ khiến cho trẻ khó ngủ. Nếu bé đi học cả ngày, nên cho bé tập ngay sau buổi học rồi mới ăn cơm tối, để cơ thể có thời gian thả lỏng trước giờ ngủ. Tránh cho bé tập quá muộn, sẽ khiến bé hưng phấn, gây khó ngủ. Chế độ luyện tập này cần được duy trì cho đến khi trẻ qua tuổi dậy thì.

BS Khương Quốc Khoa nhắc nhở thêm: “Khi hoạt động quá mức, trẻ sẽ bị tiêu hao năng lượng nhiều (điều này vốn chỉ phù hợp với người bị béo phì muốn giảm cân), đặc biệt nếu chế dộ dinh dưỡng của trẻ không được cung cấp đủ thì lại làm hạn chế sự phát triển chiều cao của trẻ”.

Cử tạ, thể hình là những môn chắc chắn sẽ hạn chế sự phát triển chiều cao của trẻ. Do vậy, nếu bạn không muốn phát triển con theo hướng chuyên nghiệp thì cần tránh tuyệt đối những môn này, kể cả khi bé đã dậy thì. Một điều cần lưu ý thêm là tránh để trẻ mang vác nặng. Hệ xương của trẻ đang phát triển, nếu cơ thể phải chịu một trọng lượng nặng thì sẽ gây tác động xấu đến sự phát triển của xương. Thời gian mang vác càng lâu càng không tốt.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại