Bóng đè - hiện tượng rối loạn giấc ngủ

Bóng đè không phải là một hiện tượng hiếm gặp, nó có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào trong cuộc đời.

Biểu hiện của bóng đè rất khác nhau. Về mặt khoa học, bóng đè là hiện tượng rối loạn giấc ngủ không có tổn thương thực thể xuất hiện khi ngủ.

Ở một số người đang trong giấc ngủ bất chợt cảm thấy mình rất tỉnh, mắt vẫn mở to và cảm giác có vật gì đó, hay ai đó đè nặng lên ngực mình, tay chân không cử động được, không nói được, cố gắng vùng vẫy la hét nhưng không được. Trạng thái bị bóng đè trong giấc ngủ có thể gây cảm giác ngưng thở, ngạt thở, sợ toát mồ hôi, muốn kêu cứu, cựa quậy mà đành chịu, thậm chí cố hết sức cũng không thể nào trở mình ngồi dậy để thoát khỏi cái bóng vô hình đè nặng đó. Một lúc sau tỉnh lại thấy mình vừa mơ ngủ nhưng lại cảm nhận thấy hiện tượng vừa xuất hiện rất thật, tim đập nhanh, mồ hôi vã ra. Điều này làm cho người bị bóng đè sợ hãi dẫn đến mất ngủ.

Một số người bị bóng đè biểu hiện là đã nhìn thấy ma quỷ, nghe được tiếng bước chân, giọng nói của ai đó. Khi bóng đè xảy ra, vỏ não được kích thích rất mạnh khiến con người trở nên tỉnh táo, nhưng thực sự là có sự ngắt liên hệ giữa não với các bộ phận cơ thể làm cho người bị bóng đè cảm thấy tê liệt giống như có ai đang đè chặt lên cơ thể mình. Hiện tượng nghe những hình ảnh ma quỷ hoặc âm thanh kỳ dị khi bị bóng đè thực chất chỉ là những ảo ảnh được tạo ra tại vùng vỏ não xử lý hình ảnh và âm thanh. Khi căng thẳng thần kinh và lo lắng nhiều dẫn đến kích thích các nơron thần kinh đã tự động tạo ra những gì mà người bị bóng đè tưởng là "nghe”, hoặc "nhìn” thấy thật.

Bóng đè - hiện tượng rối loạn giấc ngủ
Giấc ngủ rất quan trọng trong cuộc sống giúp con người tồn tại và phát triển

Bóng đè không phải do tà ma gây ra, do vậy không nên làm những việc có tính chất mê tín dị đoan để xua đuổi bóng đè. Nguyên nhân bóng đè thường xuất hiện ở những người bị suy nhược, hay ám ảnh những điều mê tín dị đoan hoặc người khoẻ nhưng gặp phải vấn đề tâm lý hoặc bị stress, hoặc sau khi xem phim hay đọc những truyện kinh dị. Trẻ em khi học tập căng thẳng cũng hay xuất hiện bóng đè.

Người hay uống rượu bia, chất kích thích hoặc để tay lên ngực khi ngủ cũng dễ bị bóng đè hơn so với người khác. Khi có các yếu tố trên tạo ra sự đảo lộn chu trình của giấc ngủ dẫn đến hiện tượng ngắt liên hệ giữa não với các bộ phận của cơ thể hoặc kích thích các nơ ron thần kinh tại vùng xử lý hình ảnh, âm thanh tạo ra các ảo ảnh và ảo thanh khi ngủ. Cũng có thể gặp hiện tượng bóng đè ở người bị bệnh tim nhưng rất hiếm.

Các cách để phòng và hạn chế các cơn bóng đè:

- Tạo một cuộc sống lành mạnh, sinh hoạt ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý, tích cực rèn luyện sức khỏe, tham gia các hoạt động giải trí, thư giãn, rèn luyện khả năng thích nghi với cuộc sống, giảm đi các áp lực trong công việc.

- Không xem các phim kinh dị bạo lực, đọc các loại truyện ma quỷ trước khi ngủ.

- Không nên tự gây ra áp lực cho mình quá nặng, khi xuất hiện áp lực cần phải tìm cách giải tỏa ngay, không nên giữ trong lòng.

- Trước khi đi ngủ không nên uống rượu, chất kích thích, cà phê, chè đặc, hút thuốc lá.

- Người bị bóng đè nên chọn tư thế nằm ngủ thật thoải mái ở trong phòng ngủ thoáng khí. Khi ngủ không nên để tay đè lên ngực.

- Khi bị bóng đè quá nhiều, quá thường xuyên sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đến tinh thần và công việc. Vì vậy cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần để tìm nguyên nhân và biện pháp điều trị thích hợp.

BS. Nguyễn

Bạn đọc có thể gửi thư, câu hỏi về tòa soạn theo email: suckhoe@soha.vn. Chuyên gia của chúng tôi sẽ giúp bạn tháo gỡ những rắc rối thầm kín!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại