Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương, tình dục vừa được coi là nhu cầu cá nhân, vừa được coi là cách thể hiện tình cảm với người mình yêu thương: “Dù là con gì, đồng tính hay không đồng tính đối với mỗi con người thì tình dục là nhu cầu, cũng là cái người ta thể hiện tình cảm, vì nếu nói về nhu cầu nếu không có đối tượng thì có nhiều hình thức để thỏa mãn nhu cầu đấy, nhưng khi có đối tượng là người yêu mình thì đó là cái để thể hiện mình yêu thương người ta đến đâu” – một đồng tính nữ khi được hỏi đã nói như vậy.
Tiến sĩ Phương cũng cho biết, vai trò tình dục trong cuộc sống lứa đôi tương đối khác giữa nam và nữ đồng tính.
“Ở các cặp nữ đồng tính, tình dục luôn đi kèm với tình yêu và tình dục thường nghiêng về phía quan niệm coi đó là cách thể hiện tình cảm, tình yêu hơn là nhu cầu cá nhân. Cuộc sống chung phải là mối quan hệ trọn vẹn về cả thể chất lẫn tình cảm. Trong khi đó, tình dục ở các cặp nam đồng tính lại nghiêng nhiều về nhu cầu cá nhân hơn, phần nào cũng bởi mối cảm giác không có pháp luật bảo vệ và không có ràng buộc từ gia đình và xã hội. Do đó quan niệm về tình dục ngoài tình yêu, ngoài mối quan hệ gắn bó lâu dài tương đối cởi mở” – tiến sĩ Phương phân tích.
Nghiên cứu cũng biết, với một đôi đồng tính nam đã có mối quan hệ trên 20 năm thì cho rằng giai đoạn 20-30 tuổi việc được chung sống, quan hệ tình dục là điều quan trọng, nhưng ở lứa tuổi 40, họ chỉ mong muốn công ăn việc làm tốt và chăm lo cho bố mẹ hai bên. Điều này cũng phản ánh sự thay đổi thông thường về nhu cầu tình dục theo lứa tuổi.
Một điều không thể không nói đến, đó là do bị kỳ thị, người đồng tính không dám thể hiện tình cảm thực của mình ở nơi công cộng và phải thực hiện những hành vi tình dục với bạn tình ở những nơi không an toàn. Điều này khiến cho việc cung cấp thông tin và dịch vụ về các nguy cơ sức khỏe và hành vi tình dục an toàn hơn trở nên khó khăn hơn bởi vì nam giới không bộc lộ khuynh hướng và hành vi tình dục của mình cũng như các tổ chức và cá nhân làm việc trong lĩnh vực phòng chống HIV có thể không sẵn sàng hỗ trợ họ.
Đồng tính vẫn mong có con nối dõi tông đường
Khảo sát về mong muốn có con trong nhóm người trả lời thuộc độ tuổi kết hôn và hiện đang trong một mối quan hệ cùng giới cho thấy: 61% cho biết họ mong muốn có con trong tương lai, 9% cho biết họ không muốn có con, và 30% còn lại chưa nghĩ hoặc chưa tính đến việc này.
Phân tích sâu hơn về mục đích và ý nghĩa của việc có con, có thể nhận thấy đa phần các cặp đôi nhận thấy việc có con sẽ giúp họ tăng cường tính gắn kết cho cuộc sống đôi lứa. Họ cũng nhận thấy sự tự tin về điều kiện kinh tế cũng như tâm lý để có con và nuôi dạy con tốt hay coi đây là trách nhiệm của bản thân với gia đình (61.3%).
Theo giới tính sinh học, nhóm nam có xu hướng mong muốn có con để thực hiện trách nhiệm với gia đình đến 82,9%, cao hơn hẳn nhóm nữ (50,7%). Tương tự như vậy, nam có xu hướng mong muốn có con để đảm bảo cuộc sống khi về già, có con cái chăm lo (51,4%) hơn so với nữ (32,4%). Có con để nối dõi tông đường và vừa lòng cha mẹ cũng là lý do mong muốn có con của nhóm nam (40%) hơn là nhóm nữ (11,3%).
Vì không thể sinh con một cách tự nhiên trong mối quan hệ đồng giới, các cặp đôi lựa chọn cho mình các hình thức đa dạng và tùy vào hoàn cảnh từng gia đình. Khá nhiều cặp đôi chọn cách đầu tư tình cảm, tài chính và công sức cho cháu mình để cháu có thể thay thế người con. Khoảng 1/5 số người tham gia phỏng vấn sâu có ý định có con đẻ của mình. Cũng có những cặp lại muốn nuôi con nuôi (nhận trẻ mồ côi) vì quan niệm cuộc sống có ích cho cộng đồng chứ không phải do họ không thể sinh đẻ.