Trường hợp bệnh nhân bị bệnh liên cầu khuẩn lợn do giết mổ lợn là ông Vũ Đức Bổng (60 tuổi, quê ở Nam Định).
Ông Bổng nhập viện ngày 27/2 với biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau bụng. Trước đó, ông Bổng đã giết mổ lợn cho đám cưới mà không đeo găng tay bảo vệ.
Nguy hiểm nhất là trên tay của ông có nhiều vết trầy xước do dị ứng xi măng trước đó.
Theo Bác sỹ Vũ Minh Điền, Phó trưởng phòng phụ trách Quản lý chất lượng, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 9 ca bị nhiễm liên cầu lợn.
Các trường hợp nhập viện chủ yếu do ăn tiết canh, không thực hiện ăn chín, uống sôi.
Bác sỹ Vũ Minh Điền cho biết, thời điểm này, dịch bệnh liên cầu khuẩn lợn dễ phát tán bởi người dân ăn tiệc tùng dễ ăn phải lợn nhiễm bệnh.
Bệnh nhân bị ban hoại tử chủ yếu ở mặt, chân và tay.
Liên cầu lợn là bệnh nguy hiểm, gồm 3 thể: nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ ban đầu nhiễm khuẩn đã nặng. Bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%.
Nhóm người có sức đề kháng kém là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hoặc nhóm người mắc bệnh mãn tính như xơ gan, người phải dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài (liên quan bệnh cơ, xương khớp, chống ung thư) đều có nguy cơ nhiễm bệnh liên cầu lợn.
Bác sỹ Vũ Minh Điền khuyến cáo, người dân cần tự ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình bằng việc không nên ăn tiết canh, thực phẩm chưa được nấu chín. Đặc biệt, khi mùa hè sắp tới, khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển./.