Trưởng Khoa sơ sinh: Tôi sẽ bình tĩnh trao đổi nếu người nhà cản trở, hành hung bác sĩ

Như Loan |

"Theo quan điểm của tôi, khi xảy ra tình huống này tốt nhất giữ bình tĩnh, nhẹ nhàng, mềm mỏng, khéo léo trao đổi giải quyết".

Với nhiều năm công tác trong ngành Y tế, bác sĩ Nguyễn Thu Hà – trưởng khoa Sơ sinh – Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh được ví như "người mẹ thứ hai" của nhiều thiên thần bé bỏng, chính bàn tay BS đã nâng niu, chăm sóc các bé ngay khi mới lọt lòng.

Với sự tín nhiệm của đồng nghiệp, sự tin yêu của bệnh nhân, nữ trưởng khoa hoàn toàn xứng đáng là vị "thuyền trưởng" thầm lặng đưa từng thế hệ trẻ sơ sinh đến được với cuộc đời tươi đẹp.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhân dịp đầu xuân Mậu Tuất, với vẻ mặt phấn khởi và chất giọng trẻ trung của người con đất Quảng Ninh có tính cách mạnh mẽ, không ủy mị, yếu mềm, bác sĩ Nguyễn Thu Hà đã trải lòng về cảm xúc những tháng ngày được sống với nghề và với đời đầy ý nghĩa.

Trưởng Khoa sơ sinh: Tôi sẽ bình tĩnh trao đổi nếu người nhà cản trở, hành hung bác sĩ - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà – trưởng khoa Sơ sinh – Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh được ví như "người mẹ thứ hai" của nhiều thiên thần bé bỏng.

PV: Như nhiều đồng nghiệp đang công tác tại các bệnh viện, mỗi người đều có cho mình một vài những câu chuyện đặc biệt. Còn với bác sĩ, chừng ấy năm công tác ngành Y, có ca bệnh nào thực sự để lại ấn tượng sâu đậm trong chị hay không?

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà: Trong nhiều năm công tác tại đơn vị y tế, tôi đã từng gặp rất nhiều bé có hoàn cảnh khác nhau, có bé gia đình khó khăn, có bé sinh ra trong gia đình hiếm con, có bé bệnh nặng.

Tuy nhiên ghi dấu trong tôi là một trường hợp rất đặc biệt, đó là em bé của một người mẹ bị ung thư gan giai đoạn cuối.

Ngày sinh bé cũng là ngày định mệnh trong cuộc đời của người mẹ trẻ khi phát hiện trong người có khối u rất lớn, với nhiều biến chứng đe dọa tính mạng của hai mẹ con, không còn cách nào khác buộc phải cho sinh non (lúc thai 30 – 31 tuần – (tương đương 7 tháng)).

Sản phụ còn rất trẻ khoảng 23 tuổi, làm mẹ đơn thân vì từ nhỏ đã sống tự do, không cùng gia đình (do bố mẹ của người mẹ trẻ này li thân, tù tội).

Ngày sản phụ vào viện, do sống tự do nên ko có giấy tờ bảo hiểm, không có tiền và chi phí sinh hoạt cuộc sống, may mắn được cả bệnh viện cùng cộng đồng quan tâm, chăm sóc.

Nhưng đáng ghi dấu nhất không phải bởi hoàn cảnh khó khăn về kinh tế của sản phụ mà bởi tình mẫu tử thiêng liêng đã khiến tôi cảm động.

Giữa những cơn đau của bệnh ung thư giai đoạn cuối, hình ảnh người mẹ ấp con, cố cho con bú bởi em ấy ý thức được sẽ không còn sống được bao lâu nên đã cố gượng tất cả mong cho con có ít dòng sữa thơm thảo, muốn con cảm nhận được chút ít tình mẫu tử còn vấn vương nơi cõi trần…

PV: Bản thân bác sĩ đã gặp phải trường hợp nào nguy kịch đến mức chỉ cần lơ là, chậm một phút là ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh hay chưa?

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà: Các bé sơ sinh đều rất mỏng manh, luôn thường trực những nguy kịch đột ngột, vì vậy không cho phép chúng tôi được lơ là.

Tuy nhiên trong công việc vẫn gặp những trường hợp diễn biến bất ngờ, có trường hợp bệnh nhân tiền sử gia đình rất khỏe mạnh, không có bệnh gì đặc biệt. Bé sinh ra được xuống khoa tôi theo dõi, sau khi làm xét nghiệm sàng lọc sơ sinh cơ bản, và nuôi dưỡng tĩnh mạch vài ngày để em bé ổn định.

Thế nhưng, chỉ sau vài bữa sữa đầu tiên với lượng nhỏ, bé có các dấu hiệu nguy kịch toàn thân (tím, suy hô hấp, rối loạn toan kiềm trong máu, suy tuần hoàn…).

Khi đó, chúng tôi phải cấp cứu tối cấp và xác định bé mắc bệnh rối loạn chuyển hóa hiếm gặp. Sau cấp cứu em bé ổn định và được nhịn ăn đường miệng, tiếp tục nuôi đường tĩnh mạch sau đó chuyển tuyến để tìm nguyên nhân gốc. (Vì có những bệnh rối loạn chuyển hóa phải gửi xét nghiệm nước ngoài, có bệnh không can thiệp được, có bệnh phải dùng sữa – đồ ăn chuyên biệt).

Như vậy, trong việc chăm sóc sơ sinh, đòi hỏi sự tỉ mẩn, tập trung cao độ, chú ý từng biểu hiện nhỏ, từ bữa ăn đầu đời đến các dấu hiệu khác, không cho phép chúng tôi xao nhãng, lơ là.

PV: Bác sĩ Hà có thường xuyên gặp phải những ca nguy hiểm như vậy hay không?

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà: Do đây là tuyến đầu của tỉnh Quảng Ninh về lĩnh vực nhi khoa, nên chúng tôi cũng hay gặp nhiều những ca nguy hiểm như vậy.

PV: Thành tích nổi bật nào mà bác sĩ được UBND tỉnh hay Sở y tế Quảng Ninh khen tặng ?

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà: Tôi đã triển khai được nhiều kĩ thuật đặc biệt, kĩ thuật ở tuyến trung ương trong điều trị bệnh nhân. Cũng nhờ đó, hạn chế được bệnh nhân nặng chuyển tuyến, tạo niềm tin cho người bệnh tỉnh nhà.

Để ghi nhận những thành tích đạt được, tôi cũng đã được Sở y tế tỉnh Quảng Ninh "khen thưởng đột xuất trong cấp cứu bệnh nhân nặng" kèm theo giấy khen của đơn vị Sở tại.

PV: Với chị, Khoa sơ sinh có đặc thù gì khác biệt so với các khoa khác?

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà: Khoa Sơ sinh là khoa điều trị chuyên biệt các em bé <1 tháng tuổi, các em có đầy đủ bệnh lý hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, truyền nhiễm… như một người bệnh thông thường.

Song trẻ em không phải người lớn thu nhỏ, đặc biệt trẻ mới sinh rất yếu, chưa có sự cứng cáp về miễn dịch, chưa thích nghi với cuộc sống sau sinh, hơi thở các bé có được phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc vì thế nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Mặt khác với trẻ sơ sinh thì diễn biến bệnh tiến triển nặng rất nhanh, rất đột ngột; nhân viên y tế phải tầm soát kĩ các khiếm khuyết, dị tật… Điều này đòi hỏi người nhân viên y tế phải tâm huyết, tận tâm, chăm chút, tỉ mẩn, cẩn thận mới có thể thực hiện tốt nhiệm vụ.

Trưởng Khoa sơ sinh: Tôi sẽ bình tĩnh trao đổi nếu người nhà cản trở, hành hung bác sĩ - Ảnh 2.

Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ, hơi thở các bé có được phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc.

PV: Là người đứng đầu của một khoa toàn trẻ nhỏ mới lọt lòng, Bác sĩ đã phải chịu những áp lực như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà: Do đặc thù của khoa Sơ sinh nên đòi hỏi bác sĩ, y tá sự tận tâm thực sự, phải rất yêu nghề, cẩn thận, chu đáo, chăm chỉ, đặc biệt đòi hỏi phải nắm vững chuyên môn.

Để xây dựng được một khoa vững mạnh thì bản thân tôi phải là đầu tàu, là một người thực hiện tốt những điều đó. Tôi luôn dặn mình phải luôn hoàn thiện bản thân, trau dồi kiến thức, thậm chí đôi lúc phải hi sinh gia đình cho công việc.

Trưởng Khoa sơ sinh: Tôi sẽ bình tĩnh trao đổi nếu người nhà cản trở, hành hung bác sĩ - Ảnh 3.

Dù trong công việc hay ngoài xã hội, nữ bác sĩ "vùng than" luôn được mọi người yêu quý.

PV: Đợt gần đây tại nhiều BV xuất hiện tình trạng người nhà bệnh nhân gây khó khăn, cản trở thậm chí hành hung bác sĩ. Cá nhân chị có thường gặp phải những phản ứng thái quá của người nhà bệnh nhân không? Nếu có chị xử lý như thế nào trong những tình huống đó?

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà: Thực tế cho thấy, gần đây xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng người nhà bệnh nhân gây cản trở, hoặc có hành vi bạo lực với nhân viên y tế.

Cá nhân tôi chưa từng gặp những phản ứng thái quá nào, nhưng theo quan điểm của tôi, khi xảy ra tình huống này tốt nhất giữ bình tĩnh, nhẹ nhàng, mềm mỏng, khéo léo trao đổi giải quyết.

Bởi đôi lúc phản ứng của mình không sai nhưng người nhà nóng nảy chưa hiểu để hợp tác thì phản tác dụng. Có lẽ "lời ngọt lọt đến xương" tôi nghĩ là đúng.

PV: Với bệnh nhân ở lứa tuổi của khoa khác họ đã hiểu chuyện, ý thức được hành vi, bệnh tình, BS có thể nắm được tâm lý từ đó trấn an tinh thần và khám, điều trị dễ hơn. Nhưng với đối tượng là trẻ sơ sinh của khoa, bác sĩ Hà có cách nào vừa chẩn đoán chính xác bệnh của trẻ mà vẫn không gặp quá nhiều khó khăn hay không?

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà: Với bệnh nhân lớn, mình có thể nắm được bệnh tình qua giao tiếp. Với trẻ sơ sinh, để chẩn đoán chính xác bệnh, điều trị hiệu quả mình nên trao đổi với gia đình, tạo tâm lý yên tâm, thoải mái, tin tưởng.

Tôi thấy, yếu tố người nhà bệnh nhân cũng chiếm phần lớn sự thành công của một ca điều trị bệnh.

Trưởng Khoa sơ sinh: Tôi sẽ bình tĩnh trao đổi nếu người nhà cản trở, hành hung bác sĩ - Ảnh 4.

"Các bé sơ sinh sinh ra đều rất yếu ớt luôn thường trực những nguy kịch đột ngột, trong công việc không cho phép chúng tôi được lơ là".

PV: Niềm vui mà BS nhớ nhất khi tham gia cứu sống bệnh nhân là gì?

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà: Đôi lúc mình làm việc như một con ong, chẳng còn nhớ đến bệnh nhân của mình là ai, địa vị hay hoàn cảnh nào. Chỉ biết là bệnh này, phải chữa thế và lao đầu vào làm. Rồi đến lúc gặt được thành công, bệnh nhân ra viện mình lại quay đầu vào một guồng mới.

Nhưng tự dưng một ngày đang đi ngoài đường, gặp một người không nghĩ là mình quen, tự dưng chào mình rồi rối rít hỏi chuyện mọi người trong khoa như người thân. Tiếp đến họ mới kể gia đình cháu này, cháu kia ngày xưa vì thế này thế khác đã nằm ở khoa điều trị, rồi cho xem ảnh con lớn khôn từng ngày thì mình xúc động, tự hào và yêu nghề lắm!

Đôi lúc đi chợ, mua mớ rau, cái bánh, hay đi công tác, đi chơi xa gia đình bệnh nhân nhận ra mình, rồi hỏi chuyện như người thân trong gia đình thì vui vô kể.

PV: Vậy còn những nỗi buồn chị trải qua khi làm việc tại Bv Sản nhi QN?

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà: Có lẽ vì tôi quá yêu nghề nên không cảm nhận được nỗi buồn trong công việc (cười).

Xin cảm ơn bác sĩ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại