Giấu tay khi giao tiếp, tưởng là bất lịch sự, hóa ra mắc căn bệnh 1-3% dân số gặp phải

Lê Liên |

Theo các bác sĩ, ước tính có khoảng 1-3% dân số mắc chứng tăng tiết mồ hôi ở các vùng cơ thể khác nhau, như bàn tay, bàn chân, nách...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chị T.T.T (27 tuổi, Thanh Hóa) "sống chung" đôi bàn tay ẩm ướt hơn 20 năm qua. Điều này khiến chị rất tự ti. Chị T cho biết khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi lần cầm bút viết, chị phải chuẩn bị sẵn giấy ngay cạnh để lau. Lý do là cứ 30 giây, mồ hôi tay lại tiết ra ướt đẫm cây bút.

Sau khi ra trường, mỗi khi có bạn bè hay đồng nghiệp chào hỏi, muốn bắt tay, chị đều giấu tay đi vì sợ mọi người thấy đôi bàn tay ướt như nước của mình. "Đó là nỗi tự ti, cũng là trở ngại trong cuộc sống của tôi hơn 20 năm qua", chị T chia sẻ.

Tương tự, chị P.T.M.N (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Hơn 30 năm nay, đôi bàn tay tôi lúc nào cũng ướt rượt. Đôi tay ướt gây nhiều bất tiện trong cuộc sống, nhất là khi lái xe, vặn tay ga thường trơn trượt, rất nguy hiểm".

"Đôi bàn tay tôi thậm chí "chảy nước" vào mùa hè, sang mùa đông có giảm hơn nhưng vẫn tăng tiết mồ hôi mỗi khi hồi hộp hay tập trung suy nghĩ về vấn đề nào đó… Nói chung, dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt đời sống".

TS.BS Dương Trọng Hiền, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức, cho biết ước tính có khoảng 1-3% dân số mắc chứng tăng tiết mồ hôi ở các vùng cơ thể khác nhau, như bàn tay, bàn chân, nách... Độ tuổi người mắc đa dạng từ trẻ em tới người già. Trung mình mỗi ngày, 10-12 bệnh nhân tăng tiết mồ hôi tới khám tại bệnh viện, nhưng chỉ 30% có chỉ định phẫu thuật nội soi.

Nguyên nhân tăng tiết mồ hôi

Ra mồ hôi là vấn đề sinh lý vì mồ hôi giúp điều hòa thân nhiệt. Tuy nhiên, một số người tăng tiết mồ hôi không đúng thời điểm, ví dụ như khi trời mát, lạnh, không hoạt động thể thao.

Theo bác sĩ Hiền, có 2 kiểu tăng tiết tuyến mồ hôi. Một là ra mồ hôi không do căn nguyên cụ thể - hay còn gọi là nguyên phát. Ở nhóm này, người bệnh thường tiết mồ hôi đều hai bàn tay, ít nhất có một lần trong tuần bị ra mồ hôi nhiều. Nhóm này hay gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên, thường tăng tiết mồ hôi tại nách, tay, chân. Ở kiểu tăng tiết mồ hôi thứ 2, ra mồ hôi là triệu chứng của bệnh lý khác như cường tuyến giáp, béo phì, rối loạn hormon, ung thư…

"Tình trạng này gây ảnh hưởng tại chỗ với bàn tay luôn trong tình trạng ẩm ướt, vi khuẩn dễ phát triển dễ gây nên viêm, tróc da, đồng thời ảnh hưởng tâm lý tới người bệnh bởi mồ hôi tay, nách tiết ra nhiều gây mùi khó chịu", BS Hiền cho hay.

Giấu tay khi giao tiếp, tưởng là bất lịch sự, hóa ra mắc căn bệnh 1-3% dân số gặp phải - Ảnh 1.

Nhiều người ra mồ hôi tay rất tự ti khi giao tiếp. Ảnh minh họa.

Theo BS Hiền, trong số hàng trăm trường hợp đến tư vấn, hầu hết là do tăng tiết mồ hôi nguyên phát, chủ yếu ở thanh thiếu niên. Có 1-2 trường hợp ra mồ hôi thứ phát do rối loạn thần kinh thực vật.

Chuyên gia cho biết có nhiều phương pháp điều trị bệnh lý tăng tiết mồ hôi tay như dùng muối nhôm để đốt ống tuyến ở mồ hôi, hoặc dùng vật lý trị liệu, điện phân với mồ hôi nách, tay. Thậm chí, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc chiết xuất từ vi khuẩn, thuốc chống cường giao cảm. Nhưng các phương pháp này chỉ có tác dụng 3-6 tháng, chưa kể một số thuốc sử dụng gây nên khó chịu như bỏng da do muối nhôm…

Những trường hợp tăng tiết mồ hôi ở mức độ 3-4 sẽ có chỉ định can thiệp phẫu thuật đốt hạch giao cảm. Phương pháp này chỉ định cho người từ 15 tuổi trở lên.

Ca phẫu thuật thường mất khoảng một giờ đồng hồ. Sau một ngày, bệnh nhân có thể xuất viện, sinh hoạt bình thường; sau 2 tuần trở lại tập thể thao như trước đây.

Khoảng 40% bệnh nhân sau khi đốt hạch giao cảm có hiện tượng ra mồ hôi bù trừ ở vị trí khác, nhưng về cơ bản, người bệnh chấp nhận hiệu ứng phụ này vì đạt yêu cầu trong giao tiếp, công việc, giảm mùi khó chịu khi mồ hôi ra nhiều vùng tay, vùng nách.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại